Lý do Việt Nam ngày càng thu hút các thương hiệu xa xỉ

25/12/2023, 07:42
báo nói -

TCDN - Một trong số những lý do thị trường thu hút các thương hiệu xa xỉ nổi tiếng là việc số người siêu giàu tại Việt Nam tăng gấp đôi.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc trong 11 tháng năm 2023 tăng 9,6% so với cùng kỳ. Doanh thu bán lẻ hàng hoá trong 11 tháng ước đạt 4.420 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% và tăng 8,6% so với cùng kỳ.

Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các thương hiệu quốc tế, từ thời trang nhanh đến phân khúc bán lẻ xa xỉ và cao cấp, chuyên gia Savills nhận định.

“Tính từ giai đoạn sau COVID-19, Việt Nam nổi lên như một thị trường tiềm năng với sức hút mạnh mẽ. Sự gia tăng trong sức tiêu dùng nội địa là một trong các yếu tố thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng của các thương hiệu xa xỉ đối với thị trường này”, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp cao tại Savills, nói.

Thị trường ghi nhận sự sôi động hơn của phân khúc bán lẻ xa xỉ với các hoạt động mở rộng và khai trương của hàng mới. 

Các thương hiệu xa xỉ sử dụng chiến lược một cửa hàng tại các địa điểm đắc địa. Tại Hà Nội, khu vực Hoàn Kiếm, đặc biệt tại trục phố Ngô Quyền, Lý Thái Tổ và Tràng Tiền liên tục chào đón sự xuất hiện các thương hiệu cao cấp từ năm 2021 tới nay như Louis Vuitton, Dior, Berluti, Tiffany & Co., Maje, Longchamp hay gần đây nhất là Piaget, Watches of Switzerland.

berluti-cover

Một trong số những lý do thị trường thu hút các thương hiệu xa xỉ là việc số người siêu giàu tại Việt Nam tăng gấp đôi và số người giàu tăng thêm 70% trong 5 năm qua, dự báo tiếp tục tăng vọt trong 5 năm tới. 

Theo báo cáo của Knight Frank, tính đến cuối năm ngoái, giới siêu giàu Việt với tài sản đạt trên 30 triệu USD có 1.059 người, đứng thứ 3 trong số các nước ASEAN-6. 

Dự báo đến năm 2027, số người siêu giàu tại Việt Nam là gần 1.300 người. Cùng với giới siêu giàu, số người giàu với tài sản từ 1 triệu USD trở lên ở Việt Nam cũng đã tăng 70% trong 5 năm qua.

Theo Savills, triển vọng doanh số của các nhãn hàng xa xỉ tại Việt Nam đồng thời góp phần tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng và kéo các hãng mới mở về thị trường Việt Nam. 

Yếu tố quan trọng tạo nên sức hút của thị trường bán lẻ tại Việt Nam là so với các quốc gia lân cận như Singapore, Thái Lan, Indonesia, số lượng các thương hiệu xa xỉ quốc tế ở đây vẫn thấp. 

Yếu tố này tạo ra một cơ hội lớn cho các thương hiệu xa xỉ muốn mở rộng thị trường, đặc biệt khi họ tìm kiếm những bước tiến đầu tiên tại Việt Nam. 

Dữ liệu từ Statista cho thấy ngành công nghiệp xa xỉ của Việt Nam được thiết lập để tăng trưởng đáng kể, với doanh thu dự kiến là hơn 957 triệu USD năm 2023 và tốc độ tăng trưởng hàng năm dự kiến là 3,23% cho đến năm 2028.

Với nhiều lợi điểm kể trên nhưng năm nay, các nhãn hàng xa xỉ trên toàn cầu đều gặp khó, trong đó việc kinh doanh tại Việt Nam cũng không tránh khỏi xu hướng này. 

Chẳng hạn mới đây CTCP Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) - phân phối hơn 60 nhãn hàng xa xỉ lớn trên thế giới, với 50 cửa hàng tại Việt Nam, ghi nhận kết quả kém tích cực. 

Nửa đầu năm, công ty này lỗ 7,4 tỷ đồng so với khoản lãi 130,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Điều này khiến tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm từ 22,87% cùng kỳ xuống âm 1,3%.

Theo Financial Times, các nhà mốt trên thế giới, từ LVMH của Pháp, đến Prada của Italia và Richemont của Thụy Sỹ, đều ghi nhận tăng trưởng doanh số giảm tốc.

Người mua sắm ở châu Âu và Mỹ đang cắt giảm các khoản chi tiêu xa xỉ, trong khi thị trường này ở Trung Quốc cũng diễn biến phức tạp vì tỷ lệ thấp nghiệp cao ở người trẻ và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.

Theo công ty tư vấn Bain, khi thị trường lao động  đã hạ nhiệt, tăng trưởng tiền lương chậm lại và “bóng ma” suy thoái ngày càng rõ nét, nhiều người mua sắm đã bắt đầu “chùn tay”. Chi tiêu cho các du thuyền, phi cơ, trang sức và các mặt hàng xa xỉ khác đã giảm xuống.

Đánh giá triển vọng năm 2024, theo phân tích của McKinsey, thị trường xa xỉ dự kiến sẽ tăng trưởng từ 2% đến 4%, với sự khác biệt giữa các khu vực và quốc gia. 

Bán lẻ hàng xa xỉ dự kiến sẽ đạt ít nhất 305 tỷ euro do nhu cầu mạnh mẽ ở châu Âu và Mỹ, trong khi tiêu dùng nội địa vẫn quan trọng ở Trung Quốc.

Tại thị trường Việt Nam, chuyên gia Savills dự báo bán lẻ sẽ ngày càng sôi động hơn, khi Việt Nam đang được đánh giá là thị trường trọng điểm trong Đông Nam Á để các đơn vị bán lẻ quốc tế mở rộng hoạt động.

Tùng Lâm
Bạn đang đọc bài viết Lý do Việt Nam ngày càng thu hút các thương hiệu xa xỉ tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan