Sức mua hàng xa xỉ đang chững lại trên toàn cầu

30/10/2023, 09:58
báo nói -

TCDN - Trong quý 3, doanh số hàng xa xỉ của Louis Vuitton, Dior tăng trưởng chậm hơn trong khi doanh số của Gucci, Yves Saint-Laurent còn giảm.

Là phong vũ biểu của ngành hàng xa xỉ, tình hình kinh doanh 3 tháng qua của tập đoàn LVMH - sở hữu nhiều thương hiệu như Louis Vuitton, Dior, Tiffany - đã không còn tích cực như nửa đầu năm.

Cụ thể, doanh thu hàng xa xỉ quý 3 mới công bố đạt 19,96 tỷ euro, tăng 9% so với cùng kỳ 2022. Con số này thấp hơn đáng kể mức tăng trưởng 17% trong nửa đầu năm nay. Doanh số các mặt hàng chủ lực như đồ da và thời trang xa xỉ của LVMH không ngoại lệ, chỉ tăng 9% trong quý vừa rồi so với 20% của 6 tháng đầu.

Các công ty khác thậm chí còn chật vật hơn, Tập đoàn Kering (Pháp) chứng kiến doanh số bán hàng xa xỉ giảm 9% trong quý 3, xuống còn 4,46 tỷ euro. Tổng giám đốc François-Henri Pinault giải thích nguyên nhân gồm tác động của các quyết định nhằm củng cố tính độc quyền của các thương hiệu thuộc tập đoàn, cùng như khó khăn bên ngoài gồm bối cảnh kinh tế vĩ mô bất lợi và nhu cầu mua hàng xa xỉ giảm.

Louis Vuitton

Gucci, thương hiệu chiếm một nửa hoạt động kinh doanh toàn cầu của Kering, chứng kiến doanh thu trong quý 3 giảm 7%. Vì Gucci là một trong những thương hiệu có lợi nhuận cao nhất nên hoạt động kém hiệu quả này ảnh hưởng đến lợi nhuận hoạt động chung của Kering. Công ty con khác là Yves Saint-Laurent cũng đang chứng kiến dấu hiệu suy yếu, với doanh số bán hàng giảm 12%.

Các nhà phân tích tài chính trong ngành hàng xa xỉ đều lo ngại về sức mua của thị trường Trung Quốc, nơi từng giúp Gucci, Dior và Louis Vuitton bội thu cho đến năm 2020. Sau khi dỡ bỏ phong tỏa đầu năm nay, quá trình phục hồi vẫn chậm. "Thị trường đồng hồ Trung Quốc đã phục hồi chậm hơn dự kiến", Sylvain Dolla, Tổng giám đốc Swatch Group, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu đồng hồ Tissot, phát biểu.

Riêng Hermès vẫn kinh doanh ổn định. Trong quý 3, thuơng hiệu túi da Pháp này công bố doanh số tăng 15,6% so với cùng kỳ, sau khi tăng 25% trong nửa đầu năm. Giám đốc tài chính Eric du Halgouët cho biết hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, Ma Cao, Đài Loan và Hong Kong rất "mạnh mẽ". Tuy nhiên, Hermès thừa nhận vẫn có những khó khăn kinh tế vĩ mô mà Trung Quốc phải đối mặt trong ngắn hạn.

"Tiềm năng phát triển dài hạn và trung hạn vẫn còn mạnh mẽ", Du Halgouët nói thêm. Dự đoán này giúp Hermès tiếp tục đầu tư mở một đến hai cửa hàng mỗi năm. Họ đang chuẩn bị mở một cửa hàng ở Thành Đô, chủ yếu để bán túi xách cho những ai chưa đi du lịch Châu Âu.

Tùng Lâm/Reuters
Bạn đang đọc bài viết Sức mua hàng xa xỉ đang chững lại trên toàn cầu tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan