Lý do Liên minh châu Âu vẫn nương tay với kim cương Nga

18/10/2023, 08:31
báo nói -

TCDN - Giới chức Liên minh châu Âu chưa cấm nhập khẩu kim cương Nga do khối này chưa có hệ thống truy xuất nguồn gốc đá quý.

Hôm 12/10, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine  ở Brussels (Bỉ), Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo thông báo nước này sẽ không cấm nhập khẩu kim cương thô của Nga cho đến khi Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu (G7) thiết lập một hệ thống cho phép truy xuất nguồn gốc của đá quý.

Nỗ lực truy xuất nguồn gốc kim cương

Hồi tháng 5, Liên minh châu Âu đưa ra lộ trình cấm nhập khẩu kim cương Nga. Họ hy vọng họ sẽ loại nhà sản xuất kim cương của Nga là Alrosa khỏi thị trường từ năm 2024, với việc triển khai quy trình truy xuất nguồn gốc trong những tháng tiếp theo.

“Chúng tôi sẽ hạn chế buôn bán kim cương Nga. Kim cương Nga không phải là mãi mãi”, ông Charles Michel, chủ tịch Hội đồng châu Âu, phát biểu trong cuộc họp báo hồi tháng 5 năm nay, sau hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima.

Theo kế hoạch của EU, kim cương có thể được cấp giấy chứng nhận xuất xứ và sẽ được kiểm tra tại các trung tâm thương mại như Antwerp ở Bỉ.

IMG_1088

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành đã cảnh báo rằng trung tâm kinh doanh kim cương Antwerp của Bỉ, nơi 90% kim cương của thế giới đi qua, sẽ có nguy cơ mất vị thế hàng đầu nếu Brussels ban hành lệnh cấm hoàn toàn đối với việc nhập khẩu kim cương từ Nga.

Theo Thủ tướng Bỉ, lệnh cấm bán buôn cũng sẽ tạo ra sơ hở để lách biện pháp này và kim cương Nga có thể đến được thị trường phương Tây thông qua các nước thứ ba.

Bỉ đã đưa ra đề xuất riêng, theo đó họ sẽ lập một hệ thống theo dõi kim cương, nơi Antwerp sẽ hoạt động như một trung tâm phân loại. Theo ông De Croo, chi tiết của cơ chế vẫn chưa rõ ràng, nhưng hệ thống này sẽ cho phép G7 và EU theo dõi không chỉ nhập khẩu bán buôn mà cả doanh số bán lẻ, được coi là một cách chắc chắn hơn để giải phóng họ khỏi thị trường kim cương Nga.

“Điều bạn muốn là cắt đứt hoàn toàn sự thống trị của Nga khỏi thị trường bán lẻ của chúng tôi. Cách tốt nhất để làm điều đó là sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đầy đủ để loại trừ kim cương Nga khỏi tất cả các thị trường.

Việc truy xuất nguồn gốc đầy đủ và lệnh cấm hoàn toàn trên thị trường bán lẻ là cách duy nhất để đảm bảo rằng Nga sẽ không tài trợ cho hoạt động quân sự ở Ukraine bằng những viên kim cương đó nữa”, ông De Croo phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky.

Theo nhà lãnh đạo Bỉ, những người chịu trách nhiệm thực hiện lệnh cấm “đang tiến rất gần đến việc hoàn thiện một hệ thống truy xuất nguồn gốc đầy đủ như vậy”. Ông hy vọng quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2024.

Hoạt động nhập khẩu kim cương Nga của Bỉ đã biến động mạnh mẽ trong một năm rưỡi qua. Theo thống kê từ ngân hàng quốc gia Bỉ, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8/2022, Bỉ đã nhập khẩu lượng đá quý trị giá 1,2 tỷ euro (1,27 tỷ USD) từ Nga, thấp hơn nhiều so với 1,8 tỷ euro vào năm 2021.

Tuy nhiên, trong khi giá trị nhập khẩu vào tháng 6 rất cao - ở mức 393,8 triệu euro, vào tháng 8, họ giảm xuống chỉ còn 35,9 triệu euro, giảm 83% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vào tháng 1 năm nay, Bỉ đã nhập khẩu kim cương thô của Nga trị giá 132 triệu euro, cao hơn mức 97 triệu euro vào tháng 1/2022. Vào tháng 2, giá trị nhập khẩu lại giảm xuống còn 61 triệu euro.

Tổn thất của nước Bỉ

Trước đó, các chuyên gia trong ngành cảnh báo Bỉ sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những hạn chế đối với kim cương của Nga.

“Bỉ sẽ chịu tổn thất lớn từ lệnh cấm với kim cương Nga. Trung tâm Kim cương thế giới Antwerp có doanh thu 47 tỷ euro (50,3 tỷ USD) mỗi năm, trong đó  40% kim cương giao dịch tại đây có xuất xứ từ Nga”, một quan chức Bỉ giấu tên nói với hãng tin RIA Novosti.

Giáo sư Koen Vandenbempt, nhà kinh tế học tại Đại học Antwerp, cũng cảnh báo rằng quy trình truy xuất nguồn gốc kim cương có thể phản tác dụng.

“Có lẽ kim cương sẽ không đi qua Antwerp nữa. Hoạt động thương mại lớn này sẽ di chuyển đến Dubai và từ Dubai đến Ấn Độ hoặc trực tiếp tới Ấn Độ - điển hình là những quốc gia sẽ không và có thể sẽ không bao giờ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga”, ông nói với AFP.

Tùng Lâm/Guardian
Bạn đang đọc bài viết Lý do Liên minh châu Âu vẫn nương tay với kim cương Nga tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan