Mặt 'nghịch' của trái phiếu doanh nghiệp
TCDN - Nghị định 163 ra đời với nhiệm vụ tạo hàng lang pháp lý cho trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên sau 5 tháng áp dụng, thực tế thị trường nhiều tiềm năng này vẫn chỉ là sân chơi của khối ngân hàng thương mại với các tập đoàn bất động sản.
Thị trường nợ (trái phiếu doanh nghiệp) được kỳ vọng sẽ là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, bên cạnh tín dụng ngân hàng và thị trường vốn (cổ phiếu). Theo định hướng của Chính phủ, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp phấn đấu bằng 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025.
Tuy nhiên thực tế thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước nhiều năm qua vẫn rất yếu, với nhà phát hành phần lớn là các ngân hàng thương mại và tập đoàn kinh tế tư nhân. Bên mua cũng chỉ giới hạn trong khối ngân hàng thương mại.
Ý nghĩa và sức lan toả của loại hình trái phiếu doanh nghiệp, do đó gần như chưa được phát huy.
Để tạo đà cho thị trường còn nhiều dư địa này, Chính phủ cuối năm ngoái đã ban hành Nghị định 163/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 90/2011/NĐ-CP. Nghị định 163 có hiệu lực thi hành từ 1/2/2019 với 5 chương và 41 điều là hành lang pháp lý quan trọng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó bao gồm yêu cầu công khai kết quả phát hành trái phiếu, giúp có cái nhìn chi tiết và thấu đáo hơn về thị trường trái phiếu.
Theo số liệu thu thập của Nhadautu.vn, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm là khoảng 60.000 tỷ đồng, tuy nhiên chủ yếu vẫn được chào bán bởi khối ngân hàng và các tập đoàn tư nhân lớn (Vingroup, Sungroup, Novaland). Hình thức phát hành phần nhiều là riêng lẻ, chỉ một số ít trường hợp phát hành ra công chúng (CTCP Đầu tư Con Cưng, CTCP Vận chuyển Mercury...).
Do vậy, dù đã có sự tham gia của một số doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn, song về bản chất, thị trường trái phiếu vẫn là cuộc chơi của các ngân hàng và tổ chức kinh tế tư nhân quy mô lớn. Ví dụ, Techcombank mua 1.340 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm của CTCP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà (thành viên của Sungroup), PVCombank mua 1.300 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 4 năm của Novaland, Chứng khoán Kỹ thương (công ty con của Techcombank) mua 2.200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm của CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc (thành viên của Vingroup).
Không bất ngờ khi phần nhiều các doanh nghiệp hoạt động tích cực trên thị trường trái phiếu đều có "họ" bất động sản. Trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng ngân hàng dần bị siết chặt, các doanh nghiệp địa ốc đang chuyển mạnh qua mảng trái phiếu, bởi dù phải chịu lãi suất cao hơn, nhưng trái phiếu mang tới sự linh hoạt đáng kể, khi có thể được giải ngân 1 lần và không chịu sự kiểm soát chặt chẽ như tín dụng ngân hàng.
Với lý do đó, lãi suất phát hành cho một số trường hợp đang được đẩy lên cao, vượt xa mức phổ biến từ 9-11%. Như lô trái phiếu PVCombank mua của Novaland có lãi suất 11,75% cho năm đầu, CTCP Vận chuyển Mercury (13%/ năm), CTCP Bông Sen (400 tỷ đồng lãi suất 12%/ năm), CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (450 tỷ đồng lãi 12%/ năm), CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (VPBank mua 800 tỷ đồng trái phiếu lãi 12%/ năm) hay cá biệt là trường hợp của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt với lãi suất lên tới 14%/ năm.
Nhìn nhận ở góc độ thị trường, lãi suất đạt được theo căn cứ thoả thuận giữa hai bên, giữa người cần tiền và người có tiền cho vay. Doanh nghiệp tính toán được tỷ lệ lợi nhuận đủ để bù đắp lãi vay mới chấp nhận mức lãi suất cao. Tuy nhiên ở khía cạnh quản lý nhà nước, lãi suất trái phiếu mà trên thực tế không khác lãi cho vay của các ngân hàng thương mại bị đẩy lên quá cao sẽ kéo theo lãi suất huy động, đồng nghĩa với thị trường tiền tệ bị biến dạng mà hậu quả nhãn tiền là lạm phát đi lên, tiền Đồng mất giá.
Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp sáng 8/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý hiện tượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao, từ 12-14%/ năm là bất thường, và đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cùng Ngân hàng Nhà nước sớm có báo cáo cụ thể.
"Nếu vốn của doanh nghiệp mà dựa cả vào ngân hàng thương mại thì sẽ khó khăn. Do vậy, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là bước tất yếu. Doanh nghiệp có nhu cầu vốn mà họ phát hành được thì tốt, tăng vốn cho nền kinh tế. Nhưng nếu có bất thường, thiếu minh bạch hoặc thiếu an toàn thì phải chấn chỉnh", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, đưa ra băn khoăn về việc các ngân hàng thương mại có mua hay không, hay chỉ các nhà đầu tư tư nhân tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp. Phó Thủ tướng đồng thời chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan lưu ý cần dẫn vốn đúng mục tiêu với liều lượng phù hợp, không khuyến khích hiện tượng các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu.
Quan điểm điều hành của Chính phủ đã rõ. Thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chờ đợi những hành động cụ thể ở cấp bộ, ngành để có điều kiện tiếp cận gần hơn với dòng vốn trái phiếu, thay vì chỉ đổ vào các tập đoàn bất động sản như hiện nay.
Ai mua trái phiếu ngân hàng?
Bên cạnh các tập đoàn bất động sản, thì khối ngân hàng thương mại cũng rất tích cực tham gia thị trường trái phiếu. Điều đặc biệt là dù phần lớn là trung hạn (từ 1-5 năm) với giá trị hàng trăm hoặc nhiều nghìn tỷ đồng, song dải lãi suất lại rất thấp, chỉ từ 6% đến dưới 7%/ năm, còn thấp hơn lãi suất huy động tính cho cùng kỳ hạn.
Ai có thể mua được số trái phiếu có giá trị rất lớn với lãi suất rất thấp này, nếu không phải chính các ngân hàng thương mại khác? Mục đích của nghiệp vụ mua - bán này là gì, khi mà trái phiếu trung hạn không được tính vào vốn cấp 2 để xác định tỷ lệ CAR; nếu để tăng cường thanh khoản có thể dụng tới nghiệp vụ vay qua đêm hay kỳ hạn ngắn với tính linh hoạt cao hơn. Ngoài ra, việc mua trái phiếu của ngân hàng khác cũng sẽ khiến các tổ chức tín dụng giảm bớt dư địa dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Những câu hỏi này có chăng sẽ được trả lời cụ thể khi Bộ Tài chính, NHNN và UBCKNN có văn bản giải trình với Chính phủ về thực trạng trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899