Minh bạch trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm

25/11/2021, 15:22

TCDN - Sau 20 năm, thị trường bảo hiểm (TTBH) đã phát triển, nhiều quy định pháp luật liên quan bộc lộ những bất cập, không thống nhất… cần sửa đổi. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cần bảo đảm tạo hành lang pháp lý phát triển TTBH an toàn, minh bạch, bền vững và hiệu quả.

bao-hiem

Không biến bảo hiểm thành dịch vụ huy động vốn đa cấp

Thảo luận về Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) cho rằng, trong thực tiễn phải hết sức lưu ý đến việc lợi dụng các loại hình kinh doanh dịch vụ bảo hiểm để hình thành các loại huy động vốn, nhất là huy động vốn đa cấp thông qua nhiều kênh khác nhau. Cụ thể, mỗi người mua lại biến thành một đại lý ảo, đại lý không chính thức rồi quay lại tìm kiếm, lôi kéo những người mua cấp thấp hơn. Từ đó hình thành đường dây đa cấp và dẫn đến rủi ro, đổ vỡ.

“Hiện nay, chúng ta có loại hợp đồng chung, hợp đồng giao kết điện tử trên môi trường không gian mạng, đây chính là sơ hở để các đối tượng kinh doanh đa cấp có thể lợi dụng”, đại biểu Dung phân tích và đề nghị nên cân nhắc bổ sung các điều khoản quy định chặt chẽ hơn hoặc nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các cơ quan chức năng để đảm bảo quản lý và chế tài đối với các vấn đề phát sinh.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) chỉ rõ, hiện nay tình trạng mời gọi, giới thiệu, quảng bá sản phẩm bảo hiểm một cách thái quá diễn ra với nhiều hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp, thông qua các hoạt động nhắn tin, điện thoại thường xuyên, liên tục của một bộ phận không nhỏ nhân viên doanh nghiệp bảo hiểm đã thật sự gây nhiều phiền toái cho khách hàng. Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc cung cấp thông tin không trung thực từ một phía hoặc cả 2 phía khi phát sinh sự kiện bảo hiểm.

Theo đại biểu Minh Trang, cần thiết phải có những quy định thật rõ, thật cụ thể về các hành vi cấm trong tất cả các khâu của kinh doanh bảo hiểm, của đối tượng tham gia trong các hoạt động bảo hiểm và kinh doanh bảo hiểm, không chỉ ở hành vi của doanh nghiệp bảo hiểm và người thụ hưởng, người được bảo hiểm mà cả hành vi của người môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm cũng như cộng tác viên.

Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho rằng, để nâng cao chất lượng kinh doanh bảo hiểm, khắc phục tình trạng nhiều đại lý cung cấp cho khách hàng không đúng quyền lợi bảo hiểm và hạn chế bên mua bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng giữa chừng, dự thảo Luật cần có những quy định điều chỉnh, tăng sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm. Đồng thời cần quy định về trình độ văn hóa đối với những người tham gia đại lý bảo hiểm, gắn với quy định về thời gian đào tạo đối với những người tham gia làm đại lý bảo hiểm.

Thẩm tra một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ quy định về bảo hiểm bắt buộc và bắt buộc phải mua bảo hiểm. Hiện nay, có 2 loại bảo hiểm bắt buộc; thuyết minh rõ phạm vi bảo hiểm của từng sản phẩm bảo hiểm bắt buộc, việc đáp ứng tiêu chí về bảo hiểm bắt buộc, có thể đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung, tên gọi của sản phẩm bảo hiểm để phù hợp với thực tế, định hướng phát triển thị trường bảo hiểm.

Về doanh nghiệp bảo hiểm, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến chủ thể kinh doanh (như: điều kiện kinh doanh, trình tự thành lập, quản trị doanh nghiệp, tổ chức kiểm soát và kiểm toán nội bộ, các chức danh quan trọng của doanh nghiệp bảo hiểm…) bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng, thuận lợi, không tạo gánh nặng về tài chính, hành chính cho doanh nghiệp; tránh sự can thiệp quá sâu của cơ quan quản lý nhà nước vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp và phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Xây dựng thị trường bảo hiểm lành mạnh

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều, bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 07 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31/12/2019.

Các nội dung được sửa đổi, bổ sung và quy định mới bao gồm: đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ để phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan; nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia (EVFTA, CPTPP); các loại hình bảo hiểm thành 03 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.

Dự thảo Luật bổ sung các quy định mới nhằm nâng cao quản trị điều hành của doanh nghiệp như quy định mới về tổ chức hoạt động, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm, bổ sung quy định điều kiện trong trường hợp thuê ngoài. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, về việc công khai thông tin, dự án Luật bổ sung yêu cầu công khai thông tin một cách toàn diện, bao gồm thông tin định tính và định lượng theo định kỳ, thường xuyên, bất thường nhằm tăng cường tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh của thị trường…

Giải trình các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện các khái niệm, quy định các hành vi nghiêm cấm và quy định cụ thể về bảo hiểm bắt buộc, quy định rõ hơn, cụ thể hơn về hợp đồng bảo hiểm bảo đảm phù hợp với Bộ luật Dân sự và các bộ luật khác, đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm như là chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, vô hiệu hợp đồng, nguyên tắc bồi thường,… Quy định về đại lý bảo hiểm và môi giới dịch vụ bảo hiểm sẽ hoàn thiện và nâng cao tính chuyên nghiệp và tránh lợi dụng để ép buộc khách hàng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho hay, sẽ đưa các nội dung cần thiết đối với bảo hiểm vi mô vào chương Bảo hiểm vi mô như về điều kiện thành lập, tổ chức tương hỗ, sản phẩm, nguyên tắc hoạt động, sản phẩm bảo hiểm vi mô và đảm bảo tính khả thi phục vụ cho cuộc sống, trợ giúp người nghèo, người yếu thế.

Về việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ bảo hiểm và đại lý bảo hiểm, môi trường bảo hiểm, dự thảo Luật giao cho Bộ Tài chính, theo đó, Bộ Tài chính chỉ giữ vai trò tổ chức thi và cấp chứng chỉ; đối với phần bồi dưỡng, đào tạo đã chuyển giao cho các doanh nghiệp, cho nhà trường, cho các hội.

Người đứng đầu ngành Tài chính nêu rõ, bảo hiểm là một ngành kinh doanh có điều kiện cũng giống chứng khoán, kiểm toán và định giá, cho nên đối với doanh nghiệp kiểm toán độc lập hay định giá, chứng khoán đều tổ chức thi và cấp chứng chỉ để quản lý một cách có chất lượng. Hơn nữa, bảo hiểm là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và chuyên sâu cần được quản lý. Một khi doanh nghiệp bảo hiểm đổ vỡ thì ảnh hưởng cũng tương tự như ngân hàng thương mại đổ vỡ, ảnh hưởng đến quyền lợi của rất nhiều người tham gia bảo hiểm và an toàn xã hội.

Nam Thanh

Tạp chí in số tháng 11/2021
Bạn đang đọc bài viết Minh bạch trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Rút bảo hiểm xã hội một lần: Nỗi lo khi tuổi già không lương hưu
Nhận bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ không còn cơ hội được hưởng lương hưu và được cấp thẻ BHYT miễn phí để đảm bảo cuộc sống và sức khỏe khi về già - độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe, nhất là trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro, dịch bệnh như hiện nay.