Mô hình hỗ trợ người học của Trường Du lịch - Đại học Huế: Cánh cửa mở ra bầu trời mới
TCDN - Cánh cửa mở ra bầu trời mới đã giúp khám phá thêm tri thức, để rồi tôi có động lực, hành động. Và “đứa trẻ bắt đầu tập đi” trên con đường nghiên cứu khoa học ấy, đang từng bước hoàn thiện các bước của một nghiên cứu sinh ở Trường Du lịch - Đại học Huế.
Bản thân tôi là “tay ngang”, không chuyên về nghiên cứu nên khi bước vào con đường nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trở thành nghiên cứu sinh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận nguồn tài liệu, phương pháp phân tích - xử lý tài liệu, khai phá dữ liệu và tìm kiếm các công cụ hỗ trợ khác. Quan trọng hơn, câu chuyện này còn đặt trong bối cảnh hiện nay, khi công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo đang len lỏi vào mọi lĩnh vực, trong đó có hỗ trợ người học.
Trường Du lịch - Đại học Huế đã cho tôi cánh cửa mở bầu trời mới, rộng lớn trên con đường nghiên cứu khoa học và khai phá dữ liệu. Nói thế là bởi, những ngày đầu khi trúng tuyển nghiên cứu sinh vào Trường Du lịch, tôi rất vui mừng và hạnh phúc vì điều đó nhưng cũng rất băn khoăn, lo lắng, bỡ ngỡ về con đường phía trước. Bởi, mình giống như đứa trẻ bắt đầu tập đi trên con đường nghiên cứu khoa học đầy chông gai, thách thức.
May mắn cho những “đứa trẻ” như tôi, khi có được sự hỗ trợ nhiệt tình của Ban Giám hiệu nhà trường, quý thầy cô là những người giàu có kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học, như PGS-TS Trần Hữu Tuấn - Hiệu trưởng, TS Trần Thị Ngọc Liên - Phó Hiệu trưởng, PGS-TS Bùi Thị Tám - Cố vấn cao cấp của nhà trường và nhiều thầy cô giảng dạy ở các bộ môn khác nhau. Bên cạnh đó, còn có sự nhiệt tâm của giảng viên hướng dẫn khoa học, như PGS.TS Nguyễn Quyết Thắng, TS. Đỗ Thị Thảo đã cho tôi hình dung ra con đường nghiên cứu khoa học cũng như dần hình thành lộ trình để từng bước hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tại Trường Du lịch.
Sau một thời gian ngắn, tôi bắt đầu bắt nhịp vào công việc nghiên cứu, thực hiện tiểu luận tổng quan… trong đó, được tiếp cận với kho tư liệu đồ sộ mà với tôi, đó là cả một bầu trời trí thức mở ra. Đó như một cánh cửa nhìn ra thế giới rộng lớn bên ngoài, với sự hỗ trợ của Thư viện nhà trường. Cán bộ Thư viện của Trường Du lịch rất nhiệt thành, tận tâm hỗ trợ người học. Như Ths Nguyễn Thị Bích Ngọc, người đã và đang đồng hành cùng với người học, (trong đó có tôi) để hướng dẫn, khám phá về các bước tìm kiếm tài liệu, khai phá dữ liệu, đặc biệt là với phương pháp PRISMA.
Rồi những nguồn tư liệu như Scopus, Web of Science, ScienceDirect… cứ thế hiện ra, ngoài là Google Schoolar mà bản thân tôi và nhiều người khác thường tìm kiếm. Cùng với đó là các công cụ hỗ trợ người học mà chúng tôi cùng khai phá, như: VOS, Biblioshiny, Sciencescape… đã giúp bản thân tôi hình dung ra được con đường tổng quan tài liệu, tìm ra khoảng trống nghiên cứu và thấy được vấn đề mình cần giải quyết cụ thể là gì.
Khi có được phương pháp và công cụ trong tay, chúng tôi bắt đầu tìm kiếm những xu hướng nghiên cứu trên thế giới về các vấn đề mà mình quan tâm, từ đó lựa chọn vấn đề nghiên cứu phù hợp với năng lực cũng như đáp ứng theo yêu cầu của quá trình thực hiện nghiên cứu sinh để phát triển.
Bên cạnh đó, tại Trường Du lịch, bản thân người học luôn có được sự động viên, tạo động lực từ đội ngũ chuyên viên, người hỗ trợ (Bộ phận Sau Đại học) để tiếp tục tiến về con đường phía trước, mặc dù đầy chông gai, thử thách và gian truân. Đây là cảm nhận không chỉ với bản thân tôi, mà hầu hết người học là học viên thạc sĩ, là nghiên cứu sinh. Thậm chí, đối với sinh viên cũng đang được quan tâm, hỗ trợ nhiệt tâm đến từ Nhà trường, Thư viện và các thầy cô giáo trên con đường học vấn, để tìm kiếm chân trời trí thức mới.
Thông qua những buổi tập huấn, giảng dạy hay là những buổi nói chuyện chuyên đề, bên lề… và ở đó có chân lý, có giá trị khoa học dần mở ra cho người học khám phá - thật sự là một bầu trời tri thức.
Chúng tôi cho rằng, cho dù ở bất kỳ cứ cấp học nào, từ đại học đến thạc sĩ hay tiến sĩ, đặc biệt là ở cấp độ nghiên cứu sinh để có được phương pháp tìm kiếm nguồn tài liệu, khai phá – phân tích tài liệu, dữ liệu là vô cùng quan trọng, là một trong những bước đi đầu tiên cần phải vững trên con đường nghiên cứu khoa học và hoàn thành các bước của Luận án.
Bản thân tôi (cùng với sự hỗ trợ, hợp tác của Ths Nguyễn Thị Bích Ngọc), qua quá trình học tập, mới chỉ hoàn thành tiểu luận tổng quan nhưng đã có được một số thành quả nhất định. Điển hình, thực hiện bài báo với tựa đề: “Khuynh hướng nghiên cứu về mối quan hệ giữa ứng dụng du lịch thông minh và hình ảnh điểm đến bằng phân tích trắc lượng thư mục” công bố trên Tạp chí Kinh tế & Dự báo (chỉ số 0,75 điểm), được chấp nhận 1 chương sách trong cuốn: “Handbook on Industrial and Business Applications with Digital Twins” của Nhà xuất bản Taylor& Francis Group (dự kiến xuất bản vào tháng 4/2024), 1 bài báo tại “International Conference on Science, Technology, and Innovation for Sustainable Development (STISD 2023), 1 bản Tóm tắt được chấp nhận tại “Advances in Science, Engineering & Technology (ICASET-2024).
Trong tương lai, chúng tôi có nhiều dự định mới, ấp ủ cho con đường nghiên cứu, nhất là hoàn thiện được Luận án tốt nhất trong khả năng của mình. Dù hoàn toàn mới chỉ là bước đầu, như “đứa trẻ bắt đầu tập đi” và phía trước còn rất nhiều chông gai, thách thức nhưng để có được thành quả ngày hôm nay là cả một quá trình học tập, lao động, nghiên cứu miệt mài của cá nhân, với sự chỉ dạy, hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tâm của Ban giám hiệu, Ban cố vấn, Thư viện, Bộ phận Sau Đại học cùng quý thầy cô giáo với nhiều kinh nghiệm, tâm huyết với công việc và hỗ trợ hết mình cho người học.
Bên cạnh đó, còn là sự hướng dẫn khoa học hết sức chuyên nghiệp, tận tâm của giảng viên hướng dẫn cho người học. Tất cả tinh hoa hội tụ, để tạo nên những người học chất lượng, góp phần vào thành công chương trình đào tạo của nhà trường ở các cấp học, đặc biệt là đối với nghiên cứu sinh.
Tôi đang cảm thấy rất hài lòng và hạnh phúc khi là một nghiên cứu sinh của Trường Du lịch – Đại học Huế.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899