Mối họa 3.400 tỷ USD từ Nhật Bản đối với kinh tế toàn cầu

30/03/2023, 15:57
báo nói -

TCDN - Sự thay đổi chính sách lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ hút khoảng 3.400 tỷ USD trở về Nhật Bản, có thể khiến kinh tế toàn cầu hỗn loạn.

Bloomberg nhắc lại rằng cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda đã bơm khối tiền mặt trị giá 3.400 tỷ USD ra thị trường toàn cầu khi thực hiện chính sách nới lỏng. Giờ đây, tân Thống đốc Kazuo Ueda có khả năng sẽ bỏ di sản của ông Kuroda, tạo ra một sự đảo ngược dòng chảy vốn, có nguy cơ gây hỗn loạn cho nền kinh tế toàn cầu.

Đoạn kết của thời kỳ lãi suất cực thấp

Chỉ hơn một tuần trước khi BOJ thay đổi người lãnh đạo, các nhà đầu tư đã chuẩn bị cho cái kết của một thập kỷ lãi suất cực thấp từng khiến dòng tiền từ Nhật Bản chảy ra nước ngoài. Cuộc di cư của tiền ra khỏi Nhật Bản tăng tốc sau khi ông Kuroda hạn chế lợi suất trái phiếu vào năm 2016. Vào lúc đỉnh điểm, số tiền đầu tư ra nước ngoài trị giá hơn 2/3 quy mô GDP của Nhật Bản.

Dòng chảy này có thể đảo ngược dưới thời Thống đốc Ueda, người không có nhiều lựa chọn ngoài việc chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ táo bạo nhất trên thế giới, ngay khi lãi suất tăng ở những nền kinh tế khác làm rung chuyển lĩnh vực ngân hàng và đe dọa sự ổn định tài chính.

Sức ảnh hưởng của động thái thay đổi chính sách này đối với kinh tế toàn cầu sẽ rất lớn. Các nhà đầu tư Nhật Bản là nhóm nắm giữ nhiều Trái phiếu Kho bạc Mỹ nhất và sở hữu mọi thứ, từ nợ của Brazil cho tới các nhà máy điện tại châu Âu.

Ông Jean Boivin, Giám đốc nghiên cứu toàn cầu của Viện Đầu tư BlackRock và là cựu Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Canada (BOC), nhận định: “Tất cả nền kinh tế G-3 bằng cách này hay cách khác sẽ giảm bảng cân đối kế toán và thắt chặt chính sách” khi BOJ hành động. 

Quá trình đảo ngược dòng chảy của vốn đầu tư đã bắt đầu. Các nhà đầu tư Nhật Bản đã bán một lượng lớn nợ nước ngoài vào năm ngoái khi lợi tức trong nước bắt đầu tăng, dựa trên suy đoán rằng BOJ sẽ bình thường hóa chính sách.

Ngan hang trung uong nhat ban

Hồi tháng 12, ông Kuroda đã đổ thêm dầu vào lửa khi nới lỏng một số sự kiểm soát của ngân hàng trung ương với lợi suất. Chỉ trong vài giờ, giá trái phiếu chính phủ Nhật Bản đã lao dốc, và đồng yên nhảy vọt, làm chao đảo mọi thứ từ Trái phiếu Kho bạc Mỹ cho đến đồng AUD.

Ông Jeffrey Atherton, Giám đốc danh mục đầu tư tại Man GLG, phát biểu: “Bạn đã thấy sự khởi đầu của dòng tiền hồi hương về Nhật Bản”. Ông dự báo người Nhật sẽ mang tiền trở về nước để không chịu rủi ro tỷ giá.

Sự trở lại của dòng tiền 

Trong những tuần gần đây, các nhà đầu tư đã hạ kỳ vọng về sự thay đổi chính sách của BOJ do cuộc khủng hoảng ngân hàng. Tuy nhiên, khi tình hình dịu bớt, thị trường tin rằng những thảo luận về điều chỉnh chính sách sẽ tiếp tục.

Các nhà đầu tư cho rằng ông Ueda sẽ đẩy nhanh tốc độ thắt chặt vào cuối năm, bao gồm nới lỏng sự kiểm soát lợi suất và dỡ bỏ chương trình mua trái phiếu khổng lồ.

BOJ đã chi 465.000 tỷ yen (3.550 tỷ USD) để mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản từ khi ông Kuroda thực hiện nới lỏng định lượng (QE) vào thập kỷ trước, làm giảm lợi suất và tạo sự méo mó chưa từng có trên thị trường nợ. Các quỹ tại Nhật Bản đã bán 206.000 tỷ yên trái phiếu trong thời gian này nhằm tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn ở thị trường khác.

Sự thay đổi quyết định đầu tư này khiến các nhà đầu tư Nhật Bản trở thành nhóm nắm giữ trái phiếu Mỹ lớn nhất, đồng thời sở hữu 10% nợ của Australia, Hà Lan. 8% trái phiếu của New Zealand và 7% của Brazil, theo tính toán của Bloomberg.

Các nhà đầu tư Nhật Bản cũng chi 54.100 tỷ yen để đầu tư vào cổ phiếu trong kinh tế toàn cầu từ tháng 4/2013. Nhà đầu tư Nhật Bản đang nắm từ 1 đến 2% thị trường chứng khoán của Mỹ, Hà Lan, Singapore và Anh.

Nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs Jim O’Neil nhận xét rằng chính sách của ông Kuroda đã khiến đồng yen sụt giảm và thị trường trái phiếu rối loạn nghiêm trọng. “Phần lớn động thái dưới thời Thống đốc Kuroda sẽ đảo ngược một phần hoặc toàn bộ” nếu người kế nhiệm của ông theo đuổi việc bình thường hóa chính sách. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể khiến nhà chức trách thận trọng hơn.

Đồng thời, nhà đầu tư Nhật Bản sẽ có nhiều lý do để đổ xô về nước sau khoản lỗ trái phiếu toàn cầu lịch sử vào năm ngoái, ông Akira Takei, chuyên gia thị trường kỳ cựu tại Asset Management One, dự báo.

Ông Takei nói: “Nhà đầu tư trái phiếu tại Nhật Bản đã có trải nghiệm tồi tệ ở nước ngoài trong năm qua, vì lợi suất tăng đáng kể buộc họ phải cắt lỗ. Vì vậy, một số người thậm chí còn không muốn thấy trái phiếu nước ngoài”.

Chủ tịch sắp tới của Dai-ichi Life, một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Nhật Bản, xác nhận việc chuyển nhiều tiền hơn sang trái phiếu trong nước, sau khi các đợt tăng lãi suất của Fed khiến phòng ngừa rủi ro tỷ giá trở nên tốn kém.

Một khảo sát gần đây của Bloomberg cho thấy 41% người theo dõi BOJ dự đoán một động thái thắt chặt vào tháng 6, tăng từ 26% của khảo sát hồi tháng 2. Cựu Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Eisuke Sakakibara xác nhận BOJ có thể tăng lãi suất vào tháng 10.

Cuộc họp hôm 9-10/3 của BOJ gợi ý rằng ngân hàng này vẫn thận trọng trong việc thay đổi chính sách trước khi đạt mục tiêu lạm phát. Hiện lạm phát Nhật Bản đã vượt 4%, mức cao nhất trong 4 thập kỷ.

Ông Richard Clarida, cựu Phó Chủ tịch Fed từ năm 2018 đến 2022 và từng tiếp xúc cựu Thống đốc Kuroda, nhận định thị trường đã kỳ vọng quá sớm về việc chính sách kiểm soát đường cong lợi suất bị hủy bỏ.

Bà Ayako Sera, chiến lược gia thị trường tại Sumitomo Mitsui Trust Bank, kỳ vọng khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản vẫn tồn tại vì Fed khó nới lỏng chính sách khi lạm phát còn cao, và BOJ dự kiến sẽ không thắt chặt đáng kể.

Ông Ryosuke Oshima, một Phó Giám đốc tại Mitsubishi UFJ Kokusai, coi lợi suất là yếu tố kích hoạt cho sự thay đổi dòng chảy vốn. Ông nói: “Nhìn vào dữ liệu, khó có khả năng nhà đầu tư đột ngột thu hồi tất cả tiền về nước”.

Tùng Lâm/Bloomberg
Bạn đang đọc bài viết Mối họa 3.400 tỷ USD từ Nhật Bản đối với kinh tế toàn cầu tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Việt Nam là 'điểm sáng trong bức tranh màu xám' của kinh tế toàn cầu
Năm 2022 là một năm kinh tế thế giới đầy biến động phức tạp, khó lường và nhiều thách thức đan xen song Việt Nam đã đạt được những kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, được xem là điểm sáng trong bức trang màu xám của kinh tế toàn cầu.