Giới đầu tư toàn cầu vỡ mộng vì thị trường tài chính "trở mặt"

02/03/2023, 10:55
báo nói -

TCDN - Hàng hóa, cổ phiếu, trái phiếu khắp toàn cầu đảo chiều giảm điểm trong tháng 2 sau khi phục hồi mạnh mẽ trong tháng đầu năm 2023 nhờ niềm tin của giới đầu tư.

Nhiều nhà đầu tư từng tin rằng, lạm phát sẽ hạ nhiệt và lãi suất sẽ giảm. Tuy nhiên, trong tháng 2 này, họ đã phải chấp nhận sai lầm và đặt lệnh bán hàng loạt loại tài sản tài chính. Từ cổ phiếu cho đến trái phiếu và hàng hóa, gần như tất cả mọi loại tài sản đều rớt giá, trái ngược với cuộc phục hồi mạnh mẽ trong tháng 1.

Giới đầu tư không còn chỗ trú ẩn

Nhà đầu tư đỏ mắt tìm nơi trú ẩn mà vẫn không thấy, trong khi thị trường hiếm khi chứng kiến cảnh các tài sản lớn đồng loạt giảm.

Trái phiếu trả lợi suất cao có vẻ tiềm năng, tuy nhiên tính từ đầu tháng đến ngày 27/2, loại tài sản này vẫn giảm 1,4%. Trái phiếu Kho bạc Mỹ và chỉ số S&P 500 đều mất khoảng 2,5%, trái phiếu hạng đầu tư sụt 3,2% và giá hàng hóa giảm 5%, theo tờ Bloomberg.

Dữ liệu kinh tế mạnh mẽ hơn dự kiến đã buộc nhà đầu tư trên mọi thị trường ngừng mơ tưởng rằng các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu sắp khép lại chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ.

nha giao dich 4

Khi nhận ra nhiều khả năng các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp tục giữ lập trường diều hâu trong những tháng tới, nhà đầu tư đã rũ bỏ hầu hết các loại tài sản tài chính, tìm kiếm sự an toàn mà tiền mặt mang lại.

Bà Lindsay Rosner, nhà quản lý danh mục đầu tư tại PGIM Fixed Income, nhận xét: “Nhà đầu tư đang bắt kịp với thực tế là lãi suất sẽ được kéo lên cao hơn và duy trì trong thời gian dài hơn. Dữ liệu lạm phát gần đây ở Mỹ đã dội gáo nước lạnh lên cuộc phục hồi ‘phấn khởi’ trong tháng 1”.

Mối lo về lãi suất và suy thoái 

Trái ngược với những gì diễn ra trong tháng 2, vào tháng 1, các nhà đầu tư đã đổ xô vào tài sản rủi ro, kéo giá của mọi loại tài sản đi lên, từ bitcoin cho đến những cổ phiếu công nghệ không sinh lời.

Số liệu lạm phát nóng của Pháp và Tây Ban Nha được công bố vào ngày 28/2 đã thúc đẩy các nhà đầu tư lần đầu tiên đặt cược rằng mức đỉnh lãi suất của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ lên đến 4%.

Trong khi đó, thị trường phái sinh hiện phản ánh rằng lãi suất của Mỹ sẽ đạt đỉnh 5,4% trong năm nay, cao hơn đáng kể so với dự báo 5% của tháng trước.

Các nhà đầu tư trái phiếu không còn coi việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong năm nay là điều chắc chắn xảy ra, mà ván cược này chỉ còn có xác suất 50%.

Việc các nhà đầu tư thay đổi kỳ vọng về chính sách tiền tệ đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trả lợi nhuận cố định, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2007.

Dữ liệu kinh tế mạnh mẽ đã xoa dịu lo ngại về suy thoái nhưng rủi ro này vẫn chưa biến mất, ít nhất là đối với các nhà đầu tư trái phiếu. Trong tháng 2, đường cong lợi suất giữa trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm – chỉ báo đáng tin cậy về suy thoái – đã đảo ngược về mức chưa từng thấy trong 4 thập kỷ qua.

Ngay cả hàng hóa cũng không tránh khỏi liên lụy vì sự gia tăng của lãi suất, dù loại tài sản này thường được ca tụng là công cụ phòng vệ lạm phát. Giá dầu mỏ sụt giảm, giá vàng diễn biến tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2021.

Sau khi chống lại tác động của lãi suất trong tháng đầu năm, những nhà đầu tư chứng khoán lạc quan cuối cùng cũng phải buông xuôi. Chỉ số S&P 500 đi xuống ba tuần liên tiếp, mức giảm của tháng 2 xóa sổ gần một nửa mức tăng trong tháng trước.

Bà Victoria Greene, Giám đốc đầu tư của G Squared Private Wealth, viết trong lưu ý: “Những gì thị trường nhận được trong tháng 1 đã phải đem trả lại vào tháng 2.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh đã gần kết thúc, do đó trong những tuần tiếp theo, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ chịu tác động nhiều hơn bởi dữ liệu kinh tế. Và nếu chúng giống với những con số chúng ta nhận được trong tháng này thì đó không phải điều đáng mừng”.

Tùng Lâm/Yahoo
Bạn đang đọc bài viết Giới đầu tư toàn cầu vỡ mộng vì thị trường tài chính "trở mặt" tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan