Dòng tiền vẫn chưa muốn bắt đáy thị trường chứng khoán

01/03/2023, 10:39

TCDN - Một số công ty chứng khoán nhận định tình trạng thanh khoản thấp kỷ lục trong 2 năm qua trên thị trường chứng khoán cho thấy nhà đầu tư chưa muốn bắt đáy.

Hôm 28/2, thị trường chứng khoán trải qua phiên giao dịch đầy biến động với việc chỉ số VN-Index sau phiên ATO và sắc xanh mở rộng đến nửa phiên sáng trước khi bên bán lấy lại ưu thế. Với lực cung dâng cao theo thời gian, chỉ số dần đuối sức và rơi về biến động quanh tham chiếu trong suốt phiên chiều. Kết phiên, VN-Index chỉ tăng nhẹ 3,43 điểm, tương đương 0,34% để dừng tại ngưỡng 1.024,68 điểm. 

Bên mua chiếm ưu thế trên thị trường chứng khoán với 222 mã tăng (trong đó có 9 mã tăng trần) so với 151 mã giảm (17 mã giảm sàn). Những cổ phiếu nhóm đóng góp lớn nhất vào đà tăng điểm của VN-Index tăng điểm bao gồm các trụ lực chính của thị trường như VCB, MSN, VHM, VRE, SAB, VJC, VNM. Trong khi đó, TCB, HVN, GAS, BID, MWG, CTG, ... đóng vai trò lực cản khiến chỉ số chưa thể bứt tốc.

Về chỉ số, thị trường chứng khoán trong nước cắt mạch giảm 5 phiên liên tiếp khi phục hồi nhẹ nhờ nhóm cổ phiếu VN30 và midcap. Tuy nhiên, trên sàn HOSE, tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt gần 433 triệu đơn vị, giảm gần 26,6% so với phiên trước với giá trị khớp lệnh trên HOSE chỉ đạt hơn 5.300 tỷ đồng, giảm 31% so với phiên trước và là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020.

chung khoan 2

Nhóm phân tích của Chứng khoán MB nhận định nhịp giảm của thị trường chứng khoán đã chững nhưng dòng tiền không hào hứng. Phiên sáng chỉ số tăng nhưng thanh khoản thấp, sang phiên chiều thị trường chịu áp lực bán cắt lỗ thanh khoản lại tăng. Về tổng thể, 28/2 vẫn là phiên có mức thanh khoản thấp nhất kể từ đầu năm cho thấy nhịp giảm ngắn hạn của thị trường vẫn có thể tiếp diễn để tìm lực cầu bắt đáy. 

Dòng tiền vào thị trường liên tục giảm trong những phiên gần đây. Giao dịch khối ngoại cũng yếu với quy mô giao dịch giảm ở cả chiều mua và chiều bán.

Báo cáo mới đây của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) chỉ ra rằng định giá P/E của VN-Index trong quý IV/2022 sau khi xác nhận đáy lịch sử mới (9,8 lần) đã phục hồi đi lên, cán mức 12,05 lần (tính đến thời điểm 13/2/2023). Mức P/E này vẫn đang thấp hơn tương đối so với mốc trung bình 10 năm gần nhất.

Tuy nhiên, nếu sử dụng phương pháp so sánh với lãi suất huy động bình quân của Ngân hàng TMCP Nhà nước thì chênh lệch giữa E/P 2023 và lãi suất huy động ở thời điểm hiện tại chỉ là 0,4%, với mức chiết khấu EPS là 0,5% - tương đương với dự báo lợi nhuận thị trường tăng 3,7% (ngang nhóm với VN30) và số lượng cổ phiếu lưu hành tăng 10%.

Theo đó, nhóm phân tích của WiGroup cho rằng đây là mức định giá không hấp dẫn và phần nào phản ánh tình hình kinh doanh kém khả quan của các doanh nghiệp trong giai đoạn tới. Thực tế ấy sẽ trở thành rào cản thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư trong giai đoạn tới.

Tùng Lâm
Bạn đang đọc bài viết Dòng tiền vẫn chưa muốn bắt đáy thị trường chứng khoán tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan