Chứng khoán Mỹ lao dốc do số liệu lạm phát "nóng"
TCDN - Thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt lao dốc hôm 24/2 sau khi thước đo lạm phát cho thấy giá tháng 1 tăng mạnh hơn dự báo.
Hôm 24/2, Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones từng mất 510 điểm, đến lúc kết phiên thu hẹp mức giảm còn 337 điểm, tương đương 1,02%, và dừng ở 32.817 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,05% còn 3.970 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 1,69% còn 11.395 điểm.
3 chỉ số vừa khép lại tuần tiêu cực nhất của chứng khoán Mỹ kể từ đầu năm 2023. S&P 500 mất 2,7% trong tuần qua, mạnh nhất kể từ ngày 9/12. Dow Jones sụt gần 3%, đánh dấu tuần sa sút thứ 4 liên tiếp. Nasdaq Composite mất 3,3%.
Cổ phiếu Boeing rớt 4,83% sau khi hãng thông báo tạm dừng bàn giao dòng máy bay thân rộng 787 Dreamliners vì vấn đề ở phần thân. Giá cổ phiếu Microsoft và Home Depot cũng giảm lần lượt 2,2% và 0,9%, ảnh hưởng tiêu cực đến các chỉ số.
Trước khi thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa phiên 24/2, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 1 cho thấy mức tăng 0,6% so với tháng 12 liền trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ 2022.
Nếu không kể giá năng lượng và thực phẩm, chỉ số PCE lõi – thước đo lạm phát mà các quan chức Fed đặc biệt quan tâm - tăng 0,6% so với tháng trước và cao hơn 4,7% so với tháng 1 năm ngoái.
Trước đó, các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát dự báo PCE lõi (core PCE) tháng 1 tăng lần lượt 0,5% và 4,4%, thấp hơn thực tế.
Báo cáo giá cả mới nhất khiến nhà đầu tư chứng khoán Mỹ thêm lo lắng về nguy cơ Fed sẽ phải tiếp tục nâng lãi suất và giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn để kiềm chế áp lực lạm phát.
CNBC dẫn lời bà Liz Ann Sonders, Giám đốc chiến lược đầu tư tại tập đoàn tài chính Charles Schwab, tin rằng các con số trong báo cáo chi tiêu tiêu dùng cá nhân khong phải là lý do duy nhất khiến thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống.
“Thị trường cổ phiếu đang diễn biến tiêu cực không phải chỉ vì lạm phát cao hơn dự kiến hay Fed phải thắt chặt mạnh hơn trong thời gian dài hơn. Tôi nghĩ là đã có rất nhiều hoạt động đầu cơ thổi giá, và thị trường thường biến động trái ngược khi tâm lý nhà đầu tư quá hưng phấn. Vậy nên tôi cho rằng diễn biến gần đây có một phần nguyên nhân là tâm lý, không chỉ là các yếu tố vĩ mô”, bà Sonders nói.
Giám đốc chiến lược đầu tư của Charles Schwab cho rằng lạm phát không thể xuống thấp nếu nền kinh tế không suy thoái trên diện rộng. “Tôi nghĩ là nền kinh tế nói chung hoặc thị trường lao động nói riêng sẽ phải suy yếu thì lạm phát mới có thể giảm triệt để”, bà Sonders nói.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899