Chứng khoán chờ thông tin lạm phát hạ nhiệt

01/03/2023, 13:39
báo nói -

TCDN - Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch đêm qua, hồi lại một phần thiệt hại sau khi có tuần giảm mạnh nhất từ đầu năm vào tuần trước. Còn thị trường trong nước cắt mạch giảm 5 phiên liên tiếp.

Chưa hào hứng bắt đáy

Theo phân tích của Chứng khoán MB (MBS), thị trường trong nước cắt mạch giảm 5 phiên liên tiếp, khi phục hồi nhẹ nhờ nhóm cổ phiếu Vn30 và Midcap.

Dòng tiền vẫn chưa hào hứng bắt đáy dù phần lớn thời gian giao dịch trong phiên chiều thị trường chịu sức ép giảm điểm và độ rộng thị trường nghiêng về bên mua. Tín hiệu tích cực là sau hơn 2 tuần bán ròng, khối ngoại đã quay lại mua ròng. Thanh khoản trên toàn thị trường chỉ còn 7.240 tỷ đồng, tăng trên 32% so với phiên hôm qua.

Xu hướng kỹ thuật chỉ số VN-Index.

Xu hướng kỹ thuật chỉ số VN-Index.

Khối ngoại quay đầu mua ròng nhẹ trên 16 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực mua tập trung tại các cổ phiếu/chứng chỉ quỹ như: VNM, PVD, PC1, VIC, POW... Ở chiều ngược lại: HPG, DXG, E1VFVN30, KDC, NLG... là những cổ phiếu/chứng chỉ quỹ bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong phiên này.

Nhịp giảm của thị trường bị chắn ngang nhưng dòng tiền không hào hứng, phiên sáng chỉ số tăng thì thanh khoản thấp, sang phiên chiều thị trường chịu áp lực bán cắt lỗ thanh khoản mới tăng, về tổng thể thì đây vẫn là phiên có mức thanh khoản thấp nhất kể từ đầu năm cho thấy nhịp giảm ngắn hạn của thị trường vẫn có thể tiếp diễn để tìm lực cầu bắt đáy.

Do vậy, nhà đầu tư tránh mua đuổi trong các nhịp tăng, trading với tỷ trọng cổ phiếu thấp khi thanh khoản đang ở mức thấp.

Vì sao lạm phát vẫn chưa hạ?

Cũng theo phân tích của MBS, các chuỗi cung ứng trên thế giới đang hồi phục nhanh chóng, tương tự như khi chúng bị phá vỡ trong đại dịch. Nhưng điều này không có nghĩa là tác động lạm phát của các chuỗi cung ứng này cũng sẽ nhanh chóng biến mất như vậy.

Lấy ví dụ về phí vận chuyển container, giá cước giao ngay từ châu Á đến Bờ Tây nước Mỹ từng nhảy vọt hơn 15 lần trong đại dịch và sau đó đã quay trở lại mức trước COVID-19. Nhưng sự sụt giảm không diễn ra đồng đều. Giá cước vận chuyển ngắn hạn cho các container từ châu Âu đến Bờ Đông nước Mỹ vẫn cao hơn gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2019, theo dữ liệu từ Freightos.

Mặt khác, ước tính khoảng 70% hàng hóa vận chuyển trên các con tàu khổng lồ được ký kết theo các hợp đồng dài hạn – chứ không phải theo giá trên thị trường giao ngay. Doanh nghiệp đã thương lượng lại các thoả thuận này trong năm 2021 và 2022 nhưng vẫn chịu cước phí khá cao.

Lạm phát giá sản xuất của Mỹ đã lên cao hơn dự kiến trong tháng 1.

Lạm phát giá sản xuất của Mỹ đã lên cao hơn dự kiến trong tháng 1.

Theo Bloomberg, các hãng bán lẻ và nhà sản xuất lớn có thể chưa được hưởng lợi ích từ việc cước vận tải biển hạ nhiệt, nên chưa thể giảm giá bán hàng sâu hơn. Điều này có thể giúp giải thích vì sao lạm phát tại một số khu vực vẫn còn cao.

Lạm phát giá sản xuất của Mỹ đã lên cao hơn dự kiến trong tháng 1 và thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cũng cho thấy giá cả tăng mạnh hơn dự báo. Tại khu vực đồng Euro, lạm phát lõi tháng 1 leo lên mức cao nhất từ trước đến nay.

Tại Mỹ, dữ liệu lạm phát giá tiêu dùng tháng 1 cho thấy giá hàng hóa (không tính năng lượng và lương thực) đã tăng 1,4% so với một năm trước. Nhưng lạm phát dịch vụ, không tính đến dịch vụ năng lượng, lại lên đến 7,2%.

Trong các buổi báo cáo kết quả kinh doanh gần đây, giám đốc của nhiều công ty bán lẻ ở Mỹ đã nhấn mạnh về sự phục hồi của chuỗi cung ứng nhưng bày tỏ rằng thiệt hại khi giá cả leo thang vẫn chưa dứt.

Ông John David Rainey, CFO Walmart, chỉ ra: “Các vấn đề chuỗi cung ứng đa phần đã giảm bớt nhưng giá cả vẫn cao và người tiêu dùng vẫn phải chịu áp lực đáng kể”. Bà Gina Boswell, CEO Bath & Body Works, chia sẻ: “Chúng tôi dự kiến trong quý I, chi phí đầu vào sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của lạm phát, trước khi chúng bắt đầu giảm bớt vào khoảng cuối năm nay”.

Từ đó, thị trường chứng khoán trong nước cũng đang kỳ vọng tình trạng lạm phát trên thế giới sẽ hạ nhiệt.  

Thanh Tùng
Bạn đang đọc bài viết Chứng khoán chờ thông tin lạm phát hạ nhiệt tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thị trường chứng khoán thế giới tuần qua giảm điểm
Thị trường chứng khoán thế giới tuần qua phải nhìn ngó về thị trường chứng khoán Mỹ và ghi nhận 3 tuần giảm điểm liên tiếp. Trong đó, thị trường trong nước cũng khép lại một tuần giảm điểm, trong đó có 4 phiên giảm liên tiếp.