Năm 2020: Thu ngân sách ngành Hải quan đạt 315.000 tỷ đồng

24/12/2020, 09:41

TCDN - Tính đến hết năm 2020, số thu NSNN của ngành Hải quan đạt khoảng 315.000 tỷ đồng, bằng 93,2% dự toán (338.000 tỷ đồng), đạt 105% số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 khóa XIV (300.000 tỷ đồng).

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai công tác năm 2021 của Tổng cục Hải quan, sáng 24/12.

z2243807262993_cbadaf5a5bd5baa6126f24a494e038ff

Cục trưởng Cục Thuế XNK Tổng cục Hải Quan Lê Như Quỳnh cho biết, năm 2020, Tổng cục Hải quan được Quốc hội và Bộ Tài chính giao dự toán thu là 338.000 tỷ đồng.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2020, Tổng cục Hải quan đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020, ban hành Chỉ thị số 1040/CT-TCHQ về việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2020 và giao chỉ tiêu thu NSNN cho các đơn vị.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh bùng phát và lan rộng, như Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị đã đánh giá: Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, hiện nay đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đã tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô.

Cục trưởng Lê Như Quỳnh nhấn mạnh, ngành Hải quan đã rà soát và triển khai nhiều giải pháp nhằm phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Cụ thể: Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC. Thứ hai, tăng cường công tác kiểm soát hải quan, các kế hoạch, chuyên đề chống buôn lậu lớn, liên quan đến các mặt hàng trọng điểm để tổ chức thực hiện trong toàn Ngành; đẩy mạnh thu thập phân tích thông tin và ứng dụng công nghệ kiểm tra, giám sát hiện đại; siết chặt kỷ cương kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát hải quan.

Thứ ba, tạm dừng hoạt động kiểm tra đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan trong năm 2020. Đối với trường hợp thanh tra chuyên ngành, kiểm tra sau thông quan theo dấu hiệu vi phạm và thanh tra, kiểm tra mà tập trung đẩy mạnh công tác thu thập, phân tích thông tin làm tiền đề cho việc đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra sau thông quan sau khi dịch bệnh Covid 19 kết thúc.

Thứ tư, rà soát, đánh giá phân tích mức độ rủi ro, dấu hiệu vi phạm đối với các doanh nghiệp chưa thực hiện thanh tra chuyên ngành.

Thứ năm, phân tích số liệu, xác định các mặt hàng có rủi ro cao gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Thứ sáu, tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế; phân loại các nhóm nợ, tình trạng nợ thuế của doanh nghiệp; Rà soát, thu thập tài liệu, hoàn thiện hồ sơ đối với các trường hợp đủ điều kiện khoanh nợ, xóa nợ.

Thứ bảy, rà soát, thực hiện kiểm tra tên hàng, mã số, mức thuế tại khâu thông quan, khâu sau thông quan để phát hiện và xử lý các trường hợp khai sai mã số, khai ngụy trang tên hàng hoặc khai tên hàng không rõ ràng, đầy đủ để được áp dụng mức thuế suất thấp hoặc được hưởng các mức thuế ưu đãi đặc biệt trong đó tập trung kiểm tra những mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về phân loại và áp dụng mức thuế.

Thứ tám, rà soát trên hệ thống GTT02, Hệ thống trực ban trực tuyến và các hệ thống công nghệ thông tin có liên quan để chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra trị giá đối với những mặt hàng và doanh nghiệp có khả năng rủi ro cao về trị giá tránh trường hợp bỏ sót, bỏ lọt các lô hàng có mức giá khai báo thấp, bất hợp lý nhưng không được tham vấn hoặc xử lý kịp thời trong đó tập trung chỉ đạo theo chuyên đề đối với những nhóm hàng, mặt hàng xuất khẩu có thuế suất cao.

Với sự nỗ lực của toàn Ngành, đến hết năm 2020, số thu NSNN đạt khoảng 315.000 tỷ đồng, bằng 93,2% dự toán (338.000 tỷ đồng), đạt 105% số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 khóa XIV (300.000 tỷ đồng).

PV
Bạn đang đọc bài viết Năm 2020: Thu ngân sách ngành Hải quan đạt 315.000 tỷ đồng tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan