"Năm 2021 có thể vẫn phải vừa lo chống dịch, vừa lo phục hồi kinh tế"
TCDN - Theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đại dịch Covid-19 chưa thể được xử lý dứt điểm trước tháng 6/2021, thế giới cũng chưa thể quay trở lại trạng thái bình thường.
Nhìn vào tốc độ tăng trưởng GDP của các quý trong năm 2020, có thể thấy rất rõ sự khởi sắc của nền kinh tế. Quý I, GDP tăng trưởng 3,68% - tuy thấp, nhưng vẫn là “khá” trong bối cảnh Covid-19. Quý II, nền kinh tế “lao dốc”, với tốc độ tăng trưởng chỉ còn 0,39%. Sang quý III, dấu hiệu vượt dốc khá rõ ràng, khi từ “đáy” tăng trưởng thấp nhất của các quý II trong nhiều thập kỷ qua, tăng trưởng GDP đã đạt con số 2,62%, đưa con số tăng trưởng của 9 tháng lên 2,12%.
Tuy có sự khởi sắc, nhưng tăng trưởng GDP cả quý III và 9 tháng của năm 2020 đều ở mức thấp nhất của các tháng 9 và 9 tháng trong giai đoạn 2011-2020.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định rằng trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu suy thoái, thì việc nền kinh tế Việt Nam vẫn có tăng trưởng dương đã là một kết quả đáng ghi nhận. Con số này cũng cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu kép - vừa ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, khi Covid-19 tái bùng phát, nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, quý III, tình hình kinh tế có thể sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, quyết định chính xác của Chính phủ trong thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo hướng “khoanh vùng” nhỏ nhất có thể, còn các nơi khác phải ở trong “trạng thái bình thường mới” để phát triển, đã góp phần quan trọng giúp nền kinh tế nhích dần từng bước qua vùng khó khăn.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, động lực chính giúp nền kinh tế nhích lên là do sản xuất công nghiệp, chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến “bệ đỡ” nông nghiệp, cũng như vai trò quan trọng của chính sách tiền tệ trong thúc đẩy tăng trưởng và giữ ổn định kinh tế vĩ mô 9 tháng qua.
Số liệu thống kê cho thấy, đóng góp vào cơ cấu tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%, đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, đóng góp 58,35% ; khu vực dịch vụ tăng 1,37%, đóng góp 28,03%.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến, trong năm 2020, có 8/12 chỉ tiêu sẽ đạt và vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. 4 chỉ tiêu không đạt, gồm tăng trưởng GDP, tốc độ tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị và tỷ lệ lao động qua đào tạo. Covid-19 chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này.
Tuy vậy, nhiều dự báo cho rằng, nếu không có cú sốc nào khác, thì sang quý IV, tình hình sẽ khả quan hơn. Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, có đến 82,8% số doanh nghiệp của khu vực đầu tư nước ngoài được hỏi đã dự báo tình hình sản xuất - kinh doanh quý IV/2020 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2020. Tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước lần lượt là 81,7% và 80,2%. Khi doanh nghiệp có điều kiện sản xuất - kinh doanh tốt hơn, sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã được dự thảo, với mục tiêu tổng quát được đặt ra là “tập trung thực hiện hiệu quả ‘mục tiêu kép’, vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới”.
Một số chỉ tiêu cụ thể cũng đã được đưa ra. Đó là tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%...
Dù có thể mục tiêu tăng trưởng năm 2021 là hợp lý trong bối cảnh Covid-19, song rõ ràng, đây là mức khiêm tốn trong bối cảnh Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: “đại dịch Covid-19 chưa thể được xử lý dứt điểm trước tháng 6/2021, thế giới cũng chưa thể quay trở lại trạng thái bình thường. Năm 2021, có thể vẫn phải vừa lo chống dịch vừa lo phục hồi kinh tế. Khả năng phải tới năm 2023, tình hình mới bình thường trở lại”.
Bởi vậy, hiện tại, nhiệm vụ quan trọng nhất là làm sao đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, sau đó là chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, bắt đầu từ năm đầu tiên của kế hoạch 2021-2025.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899