"Năm 2023 là năm khó khăn nhất của xuất khẩu dệt may trong 29 năm qua"

08/01/2024, 13:44
báo nói -

TCDN - Đây là phát biểu của ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tại buổi họp báo tổng kết ngành dệt may năm 2023 vừa diễn ra vào sáng 8/1.

Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm gần 10%.

Tại buổi họp báo, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, Vinatex vừa trải qua năm 2023 với khó khăn chưa từng có trong tiền lệ. Bất ổn địa chính trị, lạm phát gia tăng trên toàn cầu khiến tổng cầu dệt may thế giới suy giảm; nhiều thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như: Mỹ, EU… suy giảm mạnh trong năm 2023 do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có dệt may.

Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Vinatex (ở giữa) cho biết, 2023 là năm khó khăn nhất của xuất khẩu dệt may trong 29 năm qua.

Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Vinatex (ở giữa) cho biết, 2023 là năm khó khăn nhất của xuất khẩu dệt may trong 29 năm qua.

Mặc dù đã có những dự báo trước từ nửa cuối năm 2022 về những khó khăn sẽ kéo dài sang năm 2023, nhưng tất cả những dự báo đều nhanh chóng đảo chiều. Nếu không tính năm 2020 đại dịch Covid-19 khiến cho toàn thế giới “đóng cửa” thì năm 2023 là năm đầu tiên kể từ khi thành lập Tập đoàn, cũng là năm đầu tiên kể từ khi ngành Dệt May Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm gần 10%.

Với tổng cầu dệt may suy giảm, giá đặt hàng sản xuất có xu thế giảm mạnh, bình quân giảm trên 30%, cá biệt mặt hàng số lượng lớn giảm tới 50%. Các quốc gia tập trung cạnh tranh về giá để lấy được đơn hàng. Lúc này, các yếu tố vĩ mô như tỷ giá, lãi suất, lương tối thiểu sẽ có trọng số lớn trong cạnh tranh ở các quốc gia. Hiện thu nhập ngành Dệt May Việt Nam chỉ thấp hơn Trung Quốc (330 USD/tháng so với 420 USD/tháng), còn lại cao gấp 3 lần ở Bangladesh, gấp trên 2 lần Ấn Độ, gấp 1,8 lần Campuchia, trong khi chi phí tiền lương nhân công chiếm tỷ trọng trên 55% giá thành.

Cùng với đó, tỷ giá VND ổn định trong suốt 8 tháng đầu năm trong khi NDT giảm giá 5%, Taka Bangladesh giảm 5,9%, Lira Thổ Nhĩ Kỳ giảm 31%. Lãi suất tại Việt Nam 6 tháng đầu năm cao hơn trung bình các quốc gia cạnh tranh khoảng 3%. Tổng hợp các yếu tố đã tạo ra những yếu tố hết sức bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cạnh tranh về giá, dù năng suất và chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam có thể cao hơn bình quân 10-15%.

Cùng với đơn giá giảm sâu, khách hàng còn yêu cầu đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn, chỉ khoảng 10 – 14 ngày, trong khi trước đây là 40 ngày với hàng CM, 70 ngày với hàng FOB… đã tạo ra nhiều áp lực đối với doanh nghiệp.  

"Mặc dù Vinatex đã đưa ra nhiều kịch bản dự báo cho ngành dệt may trong năm 2023 nhưng cuối cùng kết quả lại rơi vào kịch bản xấu nhất. Trong suốt 29 năm từ khi thành lập thì năm 2023 là năm khó nhất của ngành xuất khẩu dệt may". - Ông Cao Hữu Hiếu chia sẻ.

Vinatex vượt khó, đạt 101,9% so với kế hoạch

Để khắc phụ khó khăn, toàn ngành dệt may năm 2023, Vinatex đã tập trung nguồn lực, đưa ra các phương án kịp thời trong điều hành để duy trì đơn hàng, linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa mặt hàng và khách hàng… 

Các doanh nghiệp trong hệ thống nỗ lực, kiên cường bám trụ hoạt động sản xuất kinh doanh để bảo toàn lao động, giữ thu nhập, giữ vị trí trong chuỗi cung ứng, giữ khách hàng và thị trường. Để duy trì đơn hàng cho hoạt động SXKD, các doanh nghiệp phải tiếp cận đơn hàng rất nhỏ, kỹ thuật khó, ít lặp lại, thời gian giao hàng ngắn, chấp nhận hy sinh về năng suất và phương thức tổ chức sản xuất so với trước đây khi sản xuất các mã hàng lớn có năng suất cao đã tạo đà cho Vinatex đạt các kế hoạch về SXKD.

Năm 2023, Vinatex có doanh thu hợp nhất ước đạt 17.225 tỷ đồng, đạt 104,4% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước đạt 377 tỷ đồng, đạt 101,9% so với kế hoạch. Đặc biệt, Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên đã nỗ lực đảm bảo việc làm và thu nhập cho gần 62.000 người lao động cấp 1 thông qua việc giảm lợi nhuận để duy trì lực lượng lao động với thu nhập bình quân của người lao động ước đạt 9,45 triệu đồng/người/tháng, đạt 96% so với năm 2022, nhưng số giờ làm giảm xuống 15% (cao hơn 11% so với mức lương bình quân người lao động cả nước nhận được năm 2023 (khoảng 8,5 triệu đồng/người).

Năm 2024, các dự báo đều cho thấy những hy vọng nền kinh tế thế giới có sự cải thiện, nhất là tại thị trường Mỹ với tín hiệu có thể có 3 đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75%, đây là động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại. Các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước, trong khi Việt Nam là một điểm đến an toàn cũng là một thuận lợi cho các đơn hàng có khả năng quay lại Việt Nam. Kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, dự báo tăng trưởng GDP cao hơn 2023. Tuy nhiên, các DN dệt may trong nước cũng có những thách thức mới như tiền lương tối thiểu tăng 6% từ 01/7/2024, giá điện có thể tiếp tục tăng sau khi đã tăng trên 7% năm 2023…

Duy trì thưởng tết và phúc lợi cho người lao động

Trước bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong và ngoài ngành phải cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng thì các doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex nỗ lực đảm bảo mức lương thưởng tết cao hơn so với mặt bằng chung (theo số liệu tổng hợp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, bình quân doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động gần 7 triệu đồng/người. Nhiều doanh nghiệp dệt may ngoài ngành duy trì mức thưởng Tết từ 7- 10 triệu đồng/người).

Ngoài ra, Tập đoàn và Công đoàn Dệt May Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình với các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động (NLĐ). Cụ thể: Miền Bắc: Tổ chức gặp mặt, trao quà cho 400 NLĐ hoàn cảnh khó khăn, mỗi túi trị giá khoảng 1 triệu đồng, gồm tiền mặt, 07 sản phẩm may mặc và một số nhu yếu phẩm.

Miền Trung: Tại Huế: Giao Công đoàn CTCP Dệt May Huế tổ chức “Phiên chợ Tết”, các hoạt động tặng quà cho NLĐ, trao hỗ trợ chuyến xe nghĩa tình đến các đơn vị.

Khu vực Đà Nẵng: “Phiên chợ nghĩa tình” được triển khai tại Siêu thị Hòa Thọ với hình thức ưu đãi giảm giá từ 15-40% một số mặt hàng thiết yếu cho NLĐ. Chương trình kéo dài từ 10-15 ngày vào thời điểm trước Tết.

Miền Nam: “Phiên chợ nghĩa tình” được tổ chức tại Tổng Công ty Việt Thắng - CTCP từ ngày 10-12/01/2024 với 40 gian hàng gồm nhu yếu phẩm, đồ gia dụng, hàng may mặc, ưu đãi giảm giá từ 30-70%.

Đồng thời, các cấp trong hệ thống dự kiến chi gần 33 tỷ đồng để tặng quà cho 100% NLĐ, xem xét trợ cấp cho NLĐ khó khăn. Ngoài ra, các đơn vị sẽ có quà lì xì đầu năm cho NLĐ từ 50 ngàn đến 500 ngàn đồng/người.

Với cơ sở của bài học năm 2023 và các dự báo 2024, Vinatex đặt ra 5 kiên định trong thông điệp 2024 gồm:

Kiên định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất – phân phối lớn trên thế giới.

Kiên định xây dựng trong nội tại Tập đoàn mục tiêu chiến lược: Một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói về dệt may và thời trang Xanh.

Kiên định thực hiện các cam kết và sáng kiến về môi trường, xã hội, quản trị công ty (ESG).

Kiên trì thực hiện liên tục dự báo và đưa ra giải pháp thích ứng với thị trường bất định.

Kiên trì công tác đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới của thị trường và công nghệ.

Hoàng Nhung
Bạn đang đọc bài viết "Năm 2023 là năm khó khăn nhất của xuất khẩu dệt may trong 29 năm qua" tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Vinatex lần đầu báo lỗ sau cổ phần hóa
Theo báo cáo tài chính, Vinatex ghi nhận doanh thu thuần quý 4/2022 giảm 15% so với cùng kỳ năm 2021, lỗ ròng 5,2 tỷ đồng. Đây là lần đâu tiền Vinatex báo lỗ quý sau 8 năm cổ phần hóa.
Vinatex ước lãi trên 1.000 tỷ đồng trong 2022
Mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh cuối năm 2022 gặp nhiều khó khăn song Vinatex vẫn ước đạt doanh thu 19.535 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, lợi nhuận đạt 1.090 tỷ đồng, vượt 14,6% kế hoạch.