Năm 2023, Tp.HCM quyết liệt xử lý vấn đề chậm giải ngân đầu tư công

09/02/2023, 14:51
báo nói -

TCDN - Năm 2023, Tp.HCM được giao hơn 71.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Làm thế nào để giải quyết vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công là bài toán đặt ra cho nền kinh tế đầu tàu cả nước trong năm này.

Nguyên nhân chậm giải ngân vốn của Tp.HCM 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM, số vốn đầu tư công thành phố được giao năm nay gần 71.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương là 15.293 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 55.225 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2022. 

Trong khi đó, báo cáo niên độ của UBND Tp.HCM, tính đến cuối tháng 1/2023, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của thành phố chỉ được khoảng 25.500 tỷ đồng, chiếm 68%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra là 95%.

Năm 2023, Tp.HCM quyết tâm triển khai giải ngân vốn đầu tư công đạt mục tiêu đề ra là 95%.

Năm 2023, Tp.HCM quyết tâm triển khai giải ngân vốn đầu tư công đạt mục tiêu đề ra là 95%.

Thực tế, trong nhiều năm qua, việc chậm giải ngân vốn đầu tư là "căn bệnh mãn tính" của Tp.HCM. Do đó, ngay từ đầu năm 2023, lãnh đạo thành phố đã khẩn trương đốc thúc các sở ban ngành cùng các chủ đầu tư tăng tốc để hoàn thiện hồ sơ dự án đã đưa vào kế hoạch đầu tư công năm 2023.  

Có 5 nguyên nhân lớn đã được UBND Tp.HCM chỉ ra làm chậm tiến độ giải ngân gồm: năng lực lập dự án còn hạn chế; thực hiện thủ tục đầu tư còn chậm; một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong kiểm tra, đôn đốc; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa quyết liệt và tình trạng một số nhà thầu thi công cầm chừng. 

Theo Giám đốc Sở GTVT Tp.HCM ông Trần Quang Lâm, một số công trình trọng điểm, cấp bách không đảm bảo tiến độ do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các quận, huyện thực hiện chậm. Từ đó dẫn đến nhiều dự án phải dừng thi công, chậm giải ngân kế hoạch vốn đã giao. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với các quận, huyện trong công tác bồi thường tái định cư còn chưa chủ động, kịp thời.

Dự kiến tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên sẽ hoàn thiện vào cuối quý 4/2023.

Dự kiến tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên sẽ hoàn thiện vào cuối quý 4/2023.

Nhìn vào số vốn đầu tư công năm 2023 của Tp.HCM, không khó để nhận ra, phần lớn vốn được “rót” cho các dự án hạ tầng giao thông như: Dự án Xây dựng nút giao thông An Phú (giao 600 tỷ đồng); Dự án mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh (giao 184 tỷ đồng); Dự án thành phần 1 (phần xây lắp) đường Vành đai 3 (giao vốn 1.000 tỷ đồng); Dự án thành phần 2 (bồi thường, tái định cư) đường Vành đai 3 đoạn qua Tp.HCM (giao vốn 11.500 tỷ đồng); Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (779,6 tỷ đồng)…

Tuy áp lực giải ngân vốn trong năm 2023 là rất lớn, nhưng một loạt dự án như Quốc lộ 50, đường Vành đai 3, một số tuyến đường xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất sẽ bắt đầu thi công đồng loạt khi đã có mặt bằng. Do vậy, việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Tp.HCM được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn. 

Những dư án trọng điểm năm 2023 

Theo kế hoạch, để phục vụ giải ngân vốn đầu tư, năm 2023, Tp.HCM sẽ thu hồi hơn 32 ha đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng gần 53 ha để làm dự án. Một số dự án lớn gồm: Khu dân cư trung tâm Sài Gòn (Saigon Downtown Residence) thay thế chung cư cũ tại 23 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1; mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ vành đai 2 đến đường vào khu công nghiệp Phú Hữu); xây mới Trung tâm pháp y tâm thần Tp.HCM; xây dựng trường học, nâng cấp hẻm... 

Bên cạnh đó, HĐND Tp.HCM cũng đồng ý cho chuyển mục đích sử dụng hơn 52 ha đất trồng lúa để thực hiện 19 dự án. Trong đó, có 13 dự án đã quá ba năm chưa thực hiện (hơn 30 ha), còn lại là dự án mới hoặc bổ sung. Tp.HCM dự chi 15.300 tỷ đồng làm 2 dự án xây cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài và cải tạo rạch Xuyên Tâm. 

Năm 2023 được đánh giá là năm đặc biệt vì mở đầu 10 năm đột phá trong hạ tầng giao thông ở Tp. Hồ Chí Minh và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là năm bắt đầu triển khai hàng loạt dự án lớn mang tính liên vùng, cũng như gỡ các bài toán ùn tắc khu vực cửa ngõ như các dự án kết nối Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và khu vực Cảng Cát Lái. 

Tp.Hồ Chí Minh sẽ khởi công nhiều hạng mục giao thông kết nối với các địa phương trong khu vực, đó là việc khởi công dự án mở rộng Quốc lộ 50 tăng cường kết nối với tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây, khắc phục tình trạng kẹt xe liên tục trong những năm qua giữa Tp.Hồ Chí Minh đi về phía Tây - Tây Nam.

Dự án này cũng tăng cường kết nối khu vực cửa ngõ phía nam Tp.Hồ Chí Minh với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, tuyến đường Vành đai 3 Tp.Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Theo đó, đoạn còn lại của Vành đai 2 và Vành đai 3 sẽ khởi công vào tháng 6/2023, Metro số 1 sẽ vận hành chính thức cuối năm.

Trước đó, Tp.Hồ Chí Minh khởi công ba công trình lớn là dự án nút giao An Phú (Tp.Thủ Đức), đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình) và mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh). Thành phố, cũng sẽ đẩy nhanh triển khai các tuyến cao tốc Tp.Hồ Chí Minh - Mộc Bài; Tp.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Bến Lức - Long Thành; kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; rạch Xuyên Tâm.v.v…

Tp.HCM điều chỉnh thời gian thực hiện, hoàn thành thi công tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên vào cuối quý 4/2023. Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành - Tham Lương hiện nay đã cơ bản hoàn thành công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán bồi thường và đang tiến hành đấu thầu xây lắp di dời công trình điện; dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024 để bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu chính (thi công đoạn đi ngầm, trên cao) vào năm 2025.

Dù đã chỉ ra được các nguyên nhân dẫn đến giải ngân đầu tư chậm tiến độ, nhưng đến nay, các giải pháp mà Thành phố thực hiện dường như chưa mang lại kết quả. Chính quyền Tp.HCM đang quyết tâm thay đổi cách làm để tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2023 đạt trên 95% như Nghị quyết đã được HĐND Thành phố thông qua. 

Cùng với các giải pháp đã thực hiện năm 2022 như quy trách nhiệm cho người đứng đầu từng sở, ngành; xử lý trách nhiệm các chủ đầu tư, nhà thầu, ban quản lý dự án…, năm 2023, Tp.HCM đề ra các giải pháp mới để quyết tâm cải thiện tình hình giải ngân vốn đầu tư công. 

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM, ngay từ tháng 9/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho UBND Thành phố xây dựng và dự kiến kế hoạch đầu công năm 2023 để chủ động rà soát, xác định nhu cầu vốn của các dự án. 

Năm 2023, Sở đề xuất cắt giảm kế hoạch vốn các dự án không có nhu cầu cấp bách, không có khả năng triển khai, hoặc bố trí nhiều hơn nhu cầu vốn thực tế. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư, đảm bảo sẵn sàng đủ điều kiện để được xem xét bố trí trong kế hoạch đầu tư công năm 2023, tránh tình trạng vốn chờ thủ tục. 

Liên quan đến vấn đề trên, Chủ tịch UBND Tp.HCM ông Phan Văn Mãi tự hạ một bậc thi đua vì tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm qua của Tp.HCM chỉ đạt 68%, thấp hơn chỉ tiêu được giao từ đầu năm. Tại cuộc họp HĐND Thành phố diễn ra cuối năm 2022, ông Phan Văn Mãi đã nêu một loạt giải pháp mới để khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023.  

Người đứng đầu chính quyền Tp.HCM cho biết, năm 2023, những dự án khi trình hồ sơ lên lãnh đạo Thành phố ký duyệt thì phải đầy đủ. Từ nay đến hết quý 1/2023, Thành phố sẽ tập trung hoàn thiện hồ sơ, những dự án nào khó hoàn thành thì điều chỉnh ngay từ đầu. 

Đồng thời, ông Mãi yêu cầu với dự án đã được phân bổ vốn, chủ đầu tư phải có kế hoạch triển khai ngay. Đến tháng 7 nếu không làm rõ được kế hoạch giải ngân, thành phố sẽ điều vốn sang dự án khác. Với dự án còn trong danh mục dự phòng, tháng 3 thành phố sẽ có kỳ họp HĐND chuyên đề để phân bổ vốn tiếp. 

Không chỉ vậy, UBND Tp.HCM còn tiếp tục vận hành ba tổ công tác và giao ban hàng tháng để kịp thời điều chỉnh vốn, giải quyết vướng mắc khó khăn, gồm: Tổ công tác thúc đẩy giải ngân các dự án được giao vốn lớn; Tổ công tác rà soát các khó khăn cho dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; Tổ công tác giải quyết vướng mắc trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.  

Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết Năm 2023, Tp.HCM quyết liệt xử lý vấn đề chậm giải ngân đầu tư công tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tp.HCM chiếm 90% vốn đầu tư công chờ phân bổ
Đầu tư công là động lực để phục hồi và tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, sau 11 tháng toàn quốc vẫn còn hơn 24.400 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ, trong đó, Tp.HCM chiếm đến 90% với hơn 22.300 tỷ đồng vốn nằm chờ được giao.
Thủ tướng: Giải ngân vốn đầu tư công chậm có vai trò của người đứng đầu
Thủ tướng nhấn mạnh việc giải ngân đầu tư công chậm là do vai trò người đứng đầu tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ, công tác lập kế hoạch vốn chưa với sát thực tế và khả năng giải ngân, công tác chuẩn bị đầu tư chuẩn bị thực hiện dự án chưa tốt...