Thủ tướng: Giải ngân vốn đầu tư công chậm có vai trò của người đứng đầu
TCDN - Thủ tướng nhấn mạnh việc giải ngân đầu tư công chậm là do vai trò người đứng đầu tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ, công tác lập kế hoạch vốn chưa với sát thực tế và khả năng giải ngân, công tác chuẩn bị đầu tư chuẩn bị thực hiện dự án chưa tốt...
Thủ tướng Chính phủ vừa trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) về giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Giải ngân vốn đầu tư công được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Để đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 12 nghị quyết (trong đó có 03 Nghị quyết chuyên đề), 04 công điện, 07 văn bản; tổ chức 03 Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; thành lập 06 tổ công tác do 4 Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân và Tổ công tác này có 03 lần kiểm tra liên tiếp (tháng 5 năm 2022, tháng 7 năm 2022 và tháng 8 năm 2022).
Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 30 tháng 9 năm 2022 đạt 46,70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%), tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 34.597,2 tỷ đồng, tăng khoảng 16%. Trong đó có 02 bộ, cơ quan trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, 14 bộ, cơ quan trung ương và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc giải ngân chậm do nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, nhất là các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. Vai trò người đứng đầu tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ, công tác lập kế hoạch vốn chưa với sát thực tế và khả năng giải ngân, công tác chuẩn bị đầu tư chuẩn bị thực hiện dự án chưa tốt; giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh...
Để bảo đảm được tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án, đặc biệt là các dự án thuộc đối tượng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, Thủ tướng nêu rõ, cần phải nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công. Kế hoạch đầu tư công có chất lượng phải đáp ứng yêu cầu, nguyên tắc lập kế hoạch theo quy định của pháp luật về đầu tư công, bám sát và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm mục tiêu, lợi ích của Chương trình mang lại. Các dự án dự kiến triển khai trong kế hoạch có khả năng hấp thụ hết số vốn được giao.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng cần tăng cường, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, coi việc xây dựng kế hoạch là điều kiện tiên quyết để bảo đảm tiến độ, giải ngân các chương trình dự án theo đúng kế hoạch đề ra, phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải bám sát các mục tiêu, căn cứ, nguyên tắc, yêu cầu, trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm quy định tại Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội. Việc phân bổ vốn đầu tư công phải tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch đã được phê duyệt; khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác; bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng.
Tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án; lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát từng dự án, đặc biệt là các dự án khởi công mới, kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, phạm vi, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, định hướng, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư, kết quả đầu ra của từng dự án.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lập kế hoạch từ khâu lập, thẩm định, phân bổ, thông báo kế hoạch cho từng chương trình, dự án, từng chủ đầu tư thông qua việc sử dụng Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư, phù hợp với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và tiến tới Chính phủ số.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong đầu tư công.
Thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ thực hiện công tác lập kế hoạch để nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ này về vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác lập kế hoạch cũng như cập nhật các chính sách, chế độ, phương pháp lập kế hoạch mới; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tổng hợp lập kế hoạch, các cơ quan liên quan và các đơn vị sử dụng ngân sách trong cùng một bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bảo đảm quá trình lập kế hoạch được thông suốt.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899