Năm 2025, Vinaconex dự kiến doanh thu đạt trên 15 nghìn tỷ đồng
TCDN - Năm 2025, Vinaconex đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 15.500 tỷ đồng, lãi sau thuế hợp nhất 1.200 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và tăng 8% so với mức thực hiện năm 2024.
Ngày 21/4/2025, Đại hội đồng cổ đông thường niên Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG - HOSE) diễn ra đã thông qua nhiều nội dung quan trọng: Tổng doanh thu hợp nhất và Công ty mẹ đạt lần lượt 15.500 tỷ đồng và 11.500 tỷ đồng, bằng 118% so với thực hiện năm 2024; lợi nhuận sau thuế hợp nhất và Công ty mẹ là 1.200 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng, lần lượt bằng 108% và 116% so với thực hiện năm 2024; tỷ lệ cổ tức 16%, bằng với năm 2024.

Báo cáo tại Đại hội cho thấy trong năm qua, hiệu quả quản lý vận hành của Tổng công ty ngày càng được nâng cao với việc triển khai đồng bộ các giải pháp tối ưu hóa chi phí và gia tăng hiệu suất hoạt động trên 3 trụ cột chính là đầu tư bất động sản, xây dựng, đầu tư tài chính.
Trong đó, với lĩnh vực bất động sản, Vinaconex tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường cao cấp thông qua loạt dự án tiêu biểu như: tòa nhà văn phòng cao cấp Vinaconex Diamond Tower; tổ hợp căn hộ Vinaconex Green Diamond (Hà Nội)... Những dự án này đạt tỷ lệ hấp thụ cao và hiệu quả sinh lời vượt trội.
Vinaconex cũng đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ khi liên tục đẩy mạnh triển khai dự án tại các vùng kinh tế trọng điểm, bao gồm: Khu đô thị Đại lộ Hòa Bình kéo dài tại thành phố Móng Cái đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo đủ điều kiện pháp lý để triển khai bán hàng giai đoạn 1; Cát Bà Amatina tại Hải Phòng đã hoàn thành cơ bản hạ tầng, dự kiến sẽ đưa sản phẩm ra thị trường trong năm 2025; Các dự án như tòa nhà văn phòng cho thuê tại khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ (Hà Nội), tòa nhà hỗn hợp Vinaconex 1, khu đô thị Ngân Câu Quảng Nam (Vinaconex 25) đã được triển khai thủ tục đầu tư…
Bên cạnh đó, khu công nghệ cao Hòa Lạc tiếp tục được hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng. Dự án khu công nghiệp Đông Anh, quy mô gần 300 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 6.338 tỷ đồng đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời, chấp thuận Vinaconex là nhà đầu tư thực hiện dự án.
Với hoạt động xây lắp, Vinaconex tập trung mạnh mẽ vào các dự án giao thông, sân bay, cầu lớn, khu liên hợp công nghiệp hiện đại, các dự án FDI đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ - mỹ thuật, chất lượng và tiến độ, khẳng định năng lực của nhà thầu hàng đầu Việt Nam và khu vực.
Công tác đấu thầu và tìm kiếm dự án tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xây lắp năm 2024. Tổng giá trị hợp đồng trúng thầu, ký mới năm 2024 của VCG là hơn 11.600 tỷ đồng, tạo nguồn việc ổn định năm 2025 và các năm tiếp theo. Tiêu biểu là các gói thầu thuộc dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam, dự án vành đai 3,5 - Hà Nội, cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; dự án mở rộng nhà ga T2 sân bay Nội Bài; bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định…
Về hoạt động đầu tư tài chính, vượt lên khó khăn chung, hầu hết các công ty con trên toàn hệ thống Vinaconex đều đạt lợi nhuận tốt, trong đó có một số đơn vị đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng như Vinaconex CM, Vinaconex 25, VIWACO.
Nhờ những nỗ lực trên, năm 2024, lợi nhuận trên toàn hệ thống vượt kế hoạch đề ra và tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ. Tổng doanh thu hợp nhất đạt 13.176 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.108 tỷ đồng, bằng 117% so với kế hoạch và bằng 280% so với thực hiện năm 2023.
Năm 2025, Vinaconex đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 15.500 tỷ đồng, lãi sau thuế hợp nhất 1.200 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và tăng 8% so với mức thực hiện năm 2024.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông, Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Đông cho biết các chỉ tiêu kinh doanh năm 2025 đã được tính toán thận trọng, đảm bảo khả năng thực hiện. Riêng quý 1/2025, doanh thu hợp nhất đã đạt 2.600 tỷ đồng, lãi sau thuế hợp nhất đạt 150 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 17% và 13% kế hoạch đề ra.
Theo ông Đông, động lực tăng trưởng doanh thu năm 2025 sẽ đến từ mảng xây lắp, trong khi đó mảng bất động sản và đầu tư tài chính đóng vai trò trụ cột cho tăng trưởng lợi nhuận. Nguyên do là mảng xây lắp có biên lợi nhuận không cao.
“Ngành xây lắp mà có lãi ròng 3-5% đã là cực kỳ tốt”, ông Đông nhấn mạnh và khẳng định: “Vinaconex có thể làm hai mươi mấy nghìn tỷ đồng doanh thu nhưng chúng tôi không muốn làm nhiều, vì có thể không thu được tiền. Việc thu hồi công nợ của lĩnh vực xây lắp là cực kỳ nan giải. Quan điểm của chúng tôi là bảo đảm dòng tiền, giữ công ăn việc làm, chứ phát triển quá nóng, không thu được tiền về sẽ dẫn tới mất cân đối tài chính”.
Với lĩnh vực bất động sản, ông Đông cho biết năm nay, Vinaconex dự tính bán một phần dự án Cát Bà Amatina. Công ty đang trong quá trình đàm phán, chưa chốt chính thức với đối tác nào. Danh tính đối tác, giá trị chuyển nhượng và biên lợi nhuận của thương vụ chưa được tiết lộ.
Ngoài các nội dung về hoạt động sản xuất kinh doanh, đại hội cũng thông qua việc miễn nhiệm 2 thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) là ông Đào Ngọc Thanh và bà Trần Thị Thu Hồng. Đại hội đã bầu 2 người thay thế là ông Trần Đình Tuấn và ông Lê Minh Tú.
Ông Trần Đình Tuấn hiện là chủ tịch HĐQT, CEO Công ty CP Đầu tư Pacific Holdings, Chủ tịch Vimeco, CEO Công ty CP Vinaconex thiết kế và nội thất, đồng thời là Phó tổng giám đốc Vinaconex, nắm giữ 25.071 cổ phần Tổng công ty. Còn ông Lê Minh Tú hiện là Phó tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn đô thị Việt Nam (Vinacity).
ĐHĐCĐ cũng thông qua phương án chia cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 16%, gồm 8% bằng tiền mặt và 8% bằng cổ phiếu. Theo đó, Vinaconex sẽ phát hành 47,88 triệu cổ phiếu để trả 8% cổ tức cho cổ đông. Sau phát hành, vốn điều lệ của công ty tăng lên 6.464,8 tỷ đồng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899