Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số

18/06/2024, 20:41
báo nói -

TCDN - Trên cơ sở khái quát thực trạng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và DNNVV nói riêng, bài viết đề xuất một số kiến nghị nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực này trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay.

5-1

TÓM TẮT: 

Trong kỷ nguyên 4.0, những công nghệ nổi bật như dữ liệu lớn, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, blockchain... sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh bằng việc cung cấp các thông tin có giá trị trong việc vận hành hệ thống, nâng cao khả năng dự báo nhu cầu thị trường, quy hoạch sản xuất... qua đó có thể nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa quá trình sản xuất, cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng, tăng tỷ suất lợi nhuận... Tuy nhiên, việc chuyển đổi số đối với các DNNVV gặp phải không ít khó khăn, thách thức.

Trên cơ sở khái quát thực trạng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và DNNVV nói riêng, bài viết đề xuất một số kiến nghị nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực này trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay.

1. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Theo Báo cáo tình hình phát triển doanh nhân, doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam” của Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến thời điểm 31/12/2022, số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế là 895.876 doanh nghiệp, tăng hơn 3 lần (tương ứng với hơn 600 nghìn doanh nghiệp) sau 12 năm, bình quân tăng gần 10,20%/năm. Trong đó, số doanh nghiệp hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đến hết năm 2021 là 718.697 doanh nghiệp, tăng hơn 2,5 lần (tương ứng với hơn 430 nghìn doanh nghiệp) so với năm 2010, bình quân tăng 8,97%/năm.

Cùng với sự tăng lên về số doanh nghiệp, số việc làm được tạo ra, vốn và doanh thu thuần trong các doanh nghiệp hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh cũng tăng lên theo thời gian. Cụ thể, đến hết năm 2021, các doanh nghiệp đã tạo ra việc làm cho gần 14,8 triệu lao động, tăng gần 1,52 lần so với năm 2010, tương ứng tăng hơn 5 triệu việc làm, bình quân tăng 3,87%/năm.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp khoảng 60% GDP, đóng góp ngày càng tăng vào ngân sách nhà nước. Năm 2021, đóng góp của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI chiếm gần 24,30% tổng thu trong nước, trong đó doanh nghiệp nhà nước là 10,45% và doanh nghiệp FDI chiếm 13,85% tổng thu trong nước.

Việt Nam đã có một số doanh nhân lọt vào Top “tỷ phú USD” toàn cầu. Tới nay, Việt Nam đã có 124 doanh nghiệp, với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia. Một số thương hiệu quốc gia đã gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới, như Viettel, Vinamilk, VinFast, Thaco, TH True Milk, Phở Thìn, gạo ST25...

Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2021 cho thấy, cả nước có 684.260 doanh nghiệp, trong đó có 660.055 doanh nghiệp ngoài nhà nước trong nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, chiếm tới 96,47%. Trong đó, số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước trong nước có quy mô vốn dưới 5 tỉ đồng là 481.464 đơn vị, chiếm 70,36% tổng số doanh nghiệp, chỉ có 6.390 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 500 tỉ đồng, chiếm 0,93%.

Xét theo quy mô lao động, số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước trong nước sử dụng dưới 9 lao động là 532.276 đơn vị, chiếm 77,79% tổng số doanh nghiệp, số doanh nghiệp sử dụng từ 200 lao động trở lên là 5.009 đơn vị, chỉ chiếm 0,73%.

Trong khi chiếm tới 96,47% tổng số doanh nghiệp, giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp ngoài nhà nước trong nước chỉ là 9.324.1 ngàn tỉ đồng, bằng 59,99% tổng giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp. Vốn sản xuất - kinh doanh bình quân hàng năm của các doanh nghiệp ngoài nhà nước trong nước là 27.095,8 ngàn tỉ đồng, bằng 58,6% tổng vốn sản xuất - kinh doanh bình quân hàng năm của các doanh nghiệp.

Sự hạn chế về nguồn lực tài chính và lao động gắn liền với sự hạn chế về trang bị công nghệ và khả năng đổi mới công nghệ. Năm 2020, mức trang bị tài sản cố định bình quân 1 lao động của các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước trong nước là 324,7 triệu đồng, chỉ bằng 24,1% mức của doanh nghiệp nhà nước và bằng 73,59% mức của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thiếu vốn kinh doanh là tình trạng phổ biến của các DNNVV. Trong khi việc tiếp cận tới nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn, hệ lụy tất yếu là năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế của đại bộ phận các doanh nghiệp này còn thấp kém.

Một điểm yếu khác của khu vực DNNVV là sự hạn chế về năng lực quản trị điều hành. Số doanh nghiệp được quản trị một cách khoa học, như chú trọng xây dựng chiến lược kinh doanh làm cơ sở thực hiện các hoạt động đầu tư dài hạn, xây dựng và quảng bá thương hiệu nhằm xác lập vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế chưa nhiều. Nhiều doanh nghiệp, chủ yếu thuộc loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần quy mô nhỏ, thường xử lý kinh doanh theo kiểu tình thế, ngắn hạn, thậm chí chụp giật, tìm kiếm lợi nhuận bằng nhiều thủ đoạn phi pháp khác nhau (trốn thuế, lậu thuế, làm hàng nhái, hàng giả…).

Sự hạn chế về nguồn lực tài chính, năng lực quản lý điều hành và năng lực đổi mới sáng tạo dẫn đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các DNNVV thấp.

2. Thách thức

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, đến cuối năm 2020, có khoảng 79% DNNVV đang trong giai đoạn bắt đầu thực hiện chuyển đổi số, tuy nhiên được kỳ vọng sẽ có sự bứt phá, đóng góp khoảng 30 tỷ USD cho GDP vào năm 2024.

Hoạt động chuyển đổi số diễn ra với mức độ khác nhau tùy thuộc vào từng bộ phận chức năng, quy mô của doanh nghiệp. Về việc áp dụng chuyển đổi số phân theo theo chức năng, chỉ có 1% doanh nghiệp bán hàng trực tiếp cho khách hàng sử dụng một số phương pháp bán hàng kỹ thuật số thường xuyên, hoặc thông qua nền tảng xã hội hoặc trên website của doanh nghiệp. Có 51% doanh nghiệp trên tổng số có sử dụng các công nghệ số trong hoạt động marketing, tiếp thị, quảng cáo. Trong khi khoảng 25% được ứng dụng vào hoạt động quản trị, 4% cho kế hoạch sản xuất... (Akhlaque, Asya và cộng sự, 2020).

Trên thực tế, hoạt động chuyển đổi số của DNNVV đối mặt một số thách thức như:

Thứ nhất, thiếu vốn và thiếu thông tin Đây được coi là thách thức chính trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số ở DNNVV, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp. Việt Nam là nước đang phát triển, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của nước ta còn đang khá thô sơ về dữ liệu, tốc độ truyền tải. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cần đầu tư nhiều hơn nữa vào cơ sở hạ tầng. Quá trình đầu tư này không thể triển khai ngay lập tức mà cần có thời gian và tốn kém.

Theo Cameron A và cộng sự (2019) chỉ có 15% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ có những khoản đầu tư lớn vào số hóa trong năm 2019 và 18% có ý định đầu tư mạnh vào số hóa trong năm năm tới. Mức đầu tư cao, cùng với những lợi ích kinh tế chưa thật sự rõ ràng và sự thiếu chắc chắn của việc áp dụng công nghệ là những thách thức đối với số hóa ở Việt Nam, nhất là đối với các DNNVV.

Thứ hai, thiếu hụt lao động có trình độ và kỹ năng cho chuyển đổi số

Đây cũng được coi là thách thức chính đối với chuyển đổi số tại Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Chuyển đổi số đòi hỏi quy trình và công nghệ phức tạp. Để xây dựng các nền tảng và bảo trì đòi hỏi phải có nhiều chuyên gia và lao động đã qua đào tạo. Ở nước ta đang thiếu hụt những lao động này. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay số trường đại học và cao đẳng trên cả nước có chương trình đào tạo CNTT chiếm 37,5%, mỗi năm có khoảng 50 nghìn sinh viên tốt nghiệp. Theo “Báo cáo thị trường CNTT Việt Nam năm 2020” của Topdev, có khoảng 30% sinh viên tốt nghiệp có khả năng đáp ứng yêu cầu chuyên môn của doanh nghiệp, còn lại 70% cần đào tạo bổ sung từ 3 tháng đến 6 tháng. Nhân lực IT của Việt Nam dù được đánh giá cao, tuy nhiên vẫn chưa được khai thác đủ tầm và lực để đảm bảo số lượng và chất lượng phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghệ trong nước và sánh ngang với các quốc gia trong khu vực.

Cũng theo báo cáo Topdev, trong năm 2020, Việt Nam thiếu hụt khoảng 100.000 nhân lực CNTT, trong năm 2020 nhu cầu doanh nghiệp cần hơn 400 nghìn nhân lực CNTT, và con số đó là 500 nghìn trong năm 2021. Sự thiếu hụt này đến từ nhiều nguyên nhân mà trong đó những nguyên nhân trọng tâm là: các chương trình đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp; công nghệ thay đổi quá nhanh mà các trường không theo kịp để phát triển các chương trình đào tạo phù hợp; thị trường cần các chuyên gia có kỹ năng cao trong khi sinh viên mới tốt nghiệp thì thiếu kỹ năng thực hành và kỹ năng mềm (làm việc nhóm, quản lý thời gian, kỹ năng giao tiếp, ...); nhân lực CNTT thường thiếu kỹ năng giao tiếp và sử dụng tiếng Anh chưa thành thạo...

Thứ ba, doanh nghiệp thiếu nhận thức về vai trò của chuyển đổi số.

Công cuộc chuyển đổi số đòi hỏi những người đứng đầu doanh nghiệp phải là người sẵn sàng thay đổi, mạnh dạn từ bỏ mô hình kinh doanh truyền thống để xây dựng một mô hình kinh doanh mới, một quy trình làm việc mới. Tuy nhiên, theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), DNNVV hiện nay chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, nhưng có trình độ đổi mới về công nghệ thấp. Theo khảo sát của Bộ Công Thương, có tới 16 trong 17 ngành nghề được khảo sát có mức độ sẵn sàng để tham gia vào chuyển đổi số thấp. Đáng chú ý, hơn 80% doanh nghiệp mới bắt đầu tìm hiểu về chuyển đổi số. Gần đây, các khái niệm về “kinh tế số” và “chuyển đổi số” đã được đề cập rất nhiều, nhưng nhiều DNNVV vẫn chưa thực sự hiểu và áp dụng vào thực tiễn.

Theo kết quả khảo sát 400 DNNVV trong dự án Digital STARS Showcase năm 2020, có 22% lãnh đạo DNNVV do thiếu tầm nhìn và hạn chế trong nhận thức về chuyển đổi số đã khiến họ chần chừ trong quá trình chuyển đổi số. Đa phần doanh nghiệp chưa xây dựng được chiến lược chuyển đổi số rõ ràng, phù hợp với chiến lược kinh doanh và các nguồn lực của doanh nghiệp, cũng như chưa xác định được hướng chuyển đổi công nghệ phù hợp.

Thứ tư, chuyển đổi số có thể làm tăng rủi ro liên quan tới việc làm và phân biệt đối xử.

Càng phụ thuộc vào công nghệ thì càng ít phụ thuộc vào con người. Các quy trình được tự động hóa nhiều hơn thì yêu cầu về nguồn nhân lực giảm xuống. Theo Cameron A và cộng sự, có tới 38,1% việc làm hiện tại của nước ta có thể được chuyển đổi do tác động của tự động hóa vào năm 2045. Theo một đánh giá lạc quan hơn thì khoảng 15% tổng số việc làm sẽ được tự động hóa vào năm 2033. Ngoài ra chuyển đổi số cũng có thể làm tăng bất bình đẳng trong xã hội: Một báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2016 chỉ ra rằng chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích hơn cho người giàu, nhưng những người nghèo thì lại hưởng ít lợi ích hơn từ những công nghệ này.

3. Một số khuyến nghị

Để quá trình chuyển đổi số trong DNNVV đạt được những kết quả khả quan trong thời gian tới thì cần có sự chung tay của Nhà nước và bản thân các DNNVV. Cụ thể:

Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện, rà soát và tiếp tục sửa đổi các hành lang pháp lý, các chương trình hành động cụ thể để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số. Tăng cường sự phối hợp đồng nhất giữa các bộ, cơ quan ban ngành Nhà nước trong việc thực hiện các chiến lược quốc gia về Kinh tế số. Quan trọng hơn cả là sự đồng hành của cơ quan chức năng với doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, đặt biệt trong liên kết chuỗi giá trị. Điều đó sẽ giúp cho các doanh nghiệp kiên định với mục tiêu chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, Hiệp hội DNNVV Việt Nam cần nghiên cứu, đề xuất và sửa đổi các chính sách quy định không còn phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp trong thời đại kinh tế số hiện nay.

Về phía các DNNVV, doanh nghiệp cần xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu của nền kinh tế số trong thời đại bùng nổ công nghệ, nó mang lại lợi ích to lớn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo phải có nhận thức kịp thời và sớm xác định hoạt động chuyển đổi số là mục tiêu cần thực hiện và thực hiện thành công trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh biến động lớn về thị trường, khí hậu và khả năng thích ứng của mỗi doanh nghiệp.

Chuyển đổi số chính là việc ứng dụng những công nghệ mới vào mọi hoạt động của doanh nghiệp trong thời đại bùng nổ công nghệ dựa trên nền tảng internet, nên quá trình chuyển đổi số đòi hỏi rất cao cả về kỹ thuật và nhân lực. Hiện nay, Việt Nam vẫn còn đi sau thế giới về mặt công nghệ, chúng ta chưa làm chủ được các công nghệ lõi của chuyển đổi số mà vẫn sử dụng các công nghệ sẵn có trên thế giới. Việc sở hữu những công nghệ phù hợp đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số.

Để quá trình chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho quá trình chuyển đổi số của mình như: Internet vạn vật (Internet of thing - IoT): Công nghệ này là một hệ thống các thiết bị vật lý được tích hợp với cảm biến, phần mềm và các công nghệ khác để kết nối và trao đổi dữ liệu với nhau thông qua mạng Internet mà không cần sự tương tác giữa con người với máy tính; các thiết bị IoT tạo ra một lượng lớn dữ liệu, thông tin chi tiết và phân tích cụ thể sẽ giúp doanh nghiệp đạt được nhiều mục tiêu trong chuyển đổi số như vận hành hiệu quả, tăng tính linh hoạt cũng như phục vụ khách hàng tốt hơn. Điện toán đám mây (Cloud computing): là nền tảng công nghệ giúp lưu trữ, quản lý, phân tích và bảo mật dữ liệu bằng cách khai thác các máy chủ dựa trên internet; công nghệ này giúp các doanh nghiệp có thể cải thiện thời gian hoạt động liên tục của hạ tầng CNTT, tận dụng thế mạnh của nhà cung cấp nền tảng và tối đa hóa ngân sách đầu tư cho doanh nghiệp. Tự động hóa (Robotics): ứng dụng robot trong chuyển đổi số sẽ góp phần giảm chi phí nhân lực, giảm thiểu tối đa những sai sót trong quá trình sản xuất, thúc đẩy năng suất và độ chính xác cao cho sản phẩm...

Ngoài ra, để thực hiện chuyển đổi số doanh nghiệp cần có nguồn nhân lực chất lượng cao có thể làm chủ được những công nghệ mới phục vụ cho quá trình triển khai chuyển đổi số. Vì vậy, doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực của mình, trước hết là giải pháp để nâng cao nguồn nhân lực hiện có, nhất là đội ngũ cán bộ, nhân viên chủ chốt thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, công nghệ thông tin, máy tính và ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh... Chú trọng công tác tuyển dụng, cần có chiến lược bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua sự kết hợp đào tạo giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.

Quan trọng nhất, chuyển đổi số là một quá trình đòi hỏi nguồn đầu tư lớn không chỉ cho cơ sở hạ tầng và giải pháp công nghệ mà còn đầu tư để thay đổi nhận thức, chiến lược, nhân sự, quy trình sản xuất kinh doanh...Với việc phải đầu tư lớn về tài chính trong khi chưa chắc chắn về hiệu quả,vì vậy, doanh nghiệp cần có chiến lược, giải pháp cụ thể trong việc đầu tư tài chính cho quá trình chuyển đổi số.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Thông tin và Truyền Thông, “Sách trắng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2021”.

2. Cameron A, Pham T H, Atherton J, Nguyen D H, Nguyen T P, Tran S T, Nguyen T N, Trinh H Y & Hajkowicz S. “Tương lai nền kinh tế số Việt Nam - Hướng tới năm 2030 và 2045”. CSIRO, Brisbane.(2019)

3. Cisco, “2020 Asia Pacific SMB Digital Maturity Study”

4. Gartner, “Gartner Glossary: Digitization,” [Online]. Available: https://www.gartner.com/en/information-technology/glossary/digitization, 2020.

5. Microsoft, “GDP châu Á Thái Bình Dương sẽ tăng 387 tỷ USD vào năm 2021 nhờ vào những chuyển đổi số của ngành sản xuất,” 2018.

6. PGS. TS. Bùi Thị T. and TS. Nguyễn Xuân H, "Chuyển đổi số của Doanh nghiệp vửa và nhỏ (SMEs) trong bối cảnh đại dịch Covid-19", Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, 2021

7. Vial, Gregory. “Understanding digital transformation: A review and a research agenda”. The Journal of Strategic Information

8. P. T. V. M. Khương, “Dự báo tác động của chuyển đổi số tới kết quả sản xuất - kinh doanh của 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam,” Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam, vol. 10, p. 15, 2019.

ThS. Nguyễn Quang Huy

Công ty Cổ phần Tập đoàn Caganu

Tạp chí in số tháng 6/2024
Bạn đang đọc bài viết Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899