Nâng cao năng lực, thúc đẩy hiệu quả thị trường chứng khoán Việt Nam
TCDN - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dưới sự hỗ trợ của JICA, đang chuẩn bị bước vào Dự án “Nâng cao năng lực về thúc đẩy hiệu quả thị trường chứng khoán Việt Nam”. Dự kiến dự án sẽ bắt đầu vào tháng 4/2024.
Sáng 21/3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp tổ chức hội thảo tổng kết Dự án “Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam”.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Dự án “Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam” đã được triển khai trong vòng 4 năm từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2023. Với bề dày kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã cam kết hỗ trợ thị trường cổ phiếu Việt Nam, giúp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường năng lực quản lý, giám sát, hướng tới thực hiện mục tiêu “bảo đảm tính công khai, minh bạch, tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và lòng tin của thị trường” trong Dự án này.
Với sự hỗ trợ, hợp tác nhiệt tình từ JICA, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cơ bản đạt được các mục tiêu đầu ra tương ứng với 4 cấu phần của Dự án.
Năng lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở Giao dịch Chứng khoán về công tác quản lý, giám sát thị trường bao gồm cả năng lực về thanh tra, giám sát các trung gian thị trường, quản lý niêm yết và quản lý chào bán chứng khoán ra công chúng được nâng cao. Qua đó cải thiện tính công bằng, minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam và bảo vệ nhà đầu tư trước những biến động của thị trường. Số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới tăng gấp đôi, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh trong những tháng cuối năm cho thấy sức hút ngày càng lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong và ngoài nước. Các kết quả này đã giúp hiện thực hóa “Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020” cũng như các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra của Chính phủ Việt Nam.
Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam ông Shimizu Akira cho biết, thị trường cổ phiếu của Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ sau khi Việt Nam mở cửa. Giá trị vốn hóa của thị trường cuối năm 2020 đã vượt hơn 180 tỷ USD. Đồng thời, sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản ngày càng gia tăng.
Để thị trường cổ phiếu Việt Nam trở thành kênh huy động vốn hấp dẫn, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam cũng đã nhận thấy việc cần phải cải thiện tính công bằng, minh bạch của thị trường là một vẫn đề cấp bách. Chính phủ đã nỗ lực và đẩy nhanh các giải pháp để thúc đẩy vấn đề này như ban hành Luật Chứng khoán sửa đổi, Thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam…
Ông Shimizu Akira cũng cho biết, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ Việt Nam, JICA đã triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán với mục đích nâng cao tính công bằng, minh bạch cho thị trường cổ phiếu Việt Nam.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dưới sự hỗ trợ của JICA, đang chuẩn bị bước vào Dự án tiếp theo “Nâng cao năng lực về thúc đẩy hiệu quả thị trường chứng khoán Việt Nam”. Dự kiến dự án sẽ bắt đầu vào tháng 4/2024.
Đại diện JICA cho biết, trong hơn hai thập kỷ qua, JICA đã và đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phát triển nền kinh tế thị trường và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật và tài chính. Đối với lĩnh vực chứng khoán, JICA đã và đang hỗ trợ nhiều hoạt động nâng cao năng lực, bao gồm hợp tác nghiên cứu, khảo sát và đào tạo về thị trường trái phiếu cũng như thị trường cổ phiếu.
Trên cơ sở thành quả dự án, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở giao dịch chứng khoán và các bên liên quan thông qua hợp tác kỹ thuật, để nâng cao hơn nữa tính công bằng, minh bạch cũng như hiệu quả của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn hợp tác phát triển mới.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899