Năng suất lao động có xu hướng gia tăng chênh lệch giữa các khu vực kinh tế

29/11/2022, 17:12
báo nói -

TCDN - Năng suất lao động của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể, tăng 2,5 lần trong giai đoạn 2011 - 2021 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và chênh lệch có xu hướng gia tăng giữa các khu vực kinh tế.

Sáng 29/11, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy năng suất lao động cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPS-C).

Ông Đặng Đức Anh, Phó viện trưởng CIEM cho hay, trong giai đoạn 2011-2021, khung chính sách nền tảng cho cải thiện năng suất lao động (NSLĐ) đã được ban hành theo nhiều nhóm hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các chính sách cụ thể hỗ trợ ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Quan trọng hơn cả, tư duy chính sách về mô hình, hoạt động kinh tế mới đã bước đầu hoàn thiện, nhấn mạnh đến NSLĐ, đổi mới sáng tạo và động lực cho doanh nghiệp.

316657903_712100690245920_2126208164518866425_n

“Tuy vậy, thể chế, chính sách vẫn chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến hiệu quả phối hợp thực hiện các giải pháp và chưa xác định rõ ràng vai trò, trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương trong đảm bảo thực hiện thực chất và hiệu quả”, Phó viện trưởng CIEM nhấn mạnh.

Theo phân tích của ông Đặng Đức Anh, ở cấp độ tổng thể nền kinh tế, NSLĐ của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể, tăng 2,5 lần, từ 70,3 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 171,8 triệu đồng/lao động năm 2021. Tốc độ tăng trưởng NSLĐ trong 10 năm 2011-2020 đạt 6,0%, trong đó, giai đoạn 2011-2015 đạt 5,5% và giai đoạn 2016-2020 đạt 6,4% (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 5,0%).

“Tuy nhiên, NSLĐ của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và chênh lệch có xu hướng gia tăng. Trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, mặc dù NSLĐ thấp nhưng tốc tăng tăng tương đối cao do quá trình chuyển dịch cơ cấu. Trong khi đó, NSLĐ của khu vực công nghiệp-xây dựng thấp và không ổn định, chủ yếu do tham gia ở phân khúc giá trị gia tăng thấp và sử dụng nhiều lao động, chưa thể hiện vai trò dẫn dắt và thúc đẩy tăng trưởng. NSLĐ của khu vực dịch vụ giữ xu hướng tăng nhưng thiếu ổn định và dựa nhiều vào các ngành dịch vụ truyền thống”, ông Anh cho hay.

Theo vùng kinh tế trọng điểm, NSLĐ không đồng đều, tập trung ở một số thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu,...) và chủ yếu ở hai vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và phía Nam.

Đáng lưu ý, tốc độ tăng NSLĐ có xu hướng giảm dần, các địa phương “dẫn dắt” trong vùng chưa phát huy hết vai trò lan tỏa, chưa đóng vai trò thúc đẩy và lôi kéo tăng trưởng của vùng.

Đặc biệt, theo ông Đặng Đức Anh, NSLĐ của khu vực doanh nghiệp đạt 309,9 triệu đồng/lao động năm 2020, tăng 93,1% so với năm 2011; mức chênh lệch NSLĐ giữa các loại hình doanh nghiệp ngày càng tăng.

Tại Hội thảo các chuyên gia đã chỉ ra những rào cản chính đối với doanh nghiệp trong thúc đẩy năng suất lao động bao gồm sự bất định khi đầu tư vào công nghệ; năng lực đổi mới phản ánh qua chất lượng quản lý còn yếu kém; lực lượng lao động thiếu những kỹ năng cần thiết và thiếu nguồn vốn đầu tư.

Hà Giang
Bạn đang đọc bài viết Năng suất lao động có xu hướng gia tăng chênh lệch giữa các khu vực kinh tế tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Năm 2030 lao động qua đào tạo có bằng cấp đạt 40%
Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 đặt ra mục tiêu tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với thị trường lao động, tỷ lệ qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40% vào năm 2030.