Ngân hàng Nhà nước tiếp tục "mạnh tay" với bất động sản
TCDN - Quan ngại vốn tín dụng đang chảy mạnh vào bất động sản sẽ tạo rủi ro cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng điều chỉnh cơ cấu cho vay bất động sản...
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, lộ trình "siết" tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản bắt đầu từ năm 2019 với việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40%; tăng hệ số rủi ro từ 150% lên 200%. Những năm tiếp theo, theo lộ trình dự kiến, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ tiếp tục giảm còn 35% vào năm 2020 và 30% ở năm kế tiếp, đồng thời nâng hệ số rủi ro của ngành này lên 250 - 300%.
Quy định này được đưa ra nhằm hạn chế tín dụng vốn đã và đang chảy mạnh vào lĩnh vực bất động sản trong các năm vừa qua.
Tuy nhiên, dù các ngân hàng thương mại đã áp dụng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40% ngay từ đầu năm 2019, nhưng tín dụng chảy vào bất động sản vẫn ở mức cao.
Với thực tế đó, nhiều chuyên gia cho rằng, các ngân hàng cần phân định loại hình cho vay bất động sản để quy định hệ số rủi ro phù hợp. Trong trường hợp tín dụng bất động sản có quy mô tiếp tục tăng thì những biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện vẫn là chưa đủ mạnh và rủi ro của việc tín dụng đổ quá nhiều vào bất động sản vẫn còn.
Trước quan ngại vốn tín dụng đang chảy mạnh vào bất động sản sẽ tạo rủi ro cho nền kinh tế, mới đây Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng điều chỉnh cơ cấu cho vay bất động sản. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đã được kiểm soát theo hướng giảm dần tỷ trọng cấp tín dụng kinh doanh bất động sản, tăng dần tỷ trọng tiêu dùng bất động sản, hướng nguồn vốn đến phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Cụ thể, theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,33% so với cuối năm 2018; riêng lĩnh vực bất động sản, dư nợ tín dụng đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2018. Trong đó, tín dụng kinh doanh bất động sản đạt 473.700 tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2018; tín dụng tiêu dùng bất động sản (không phục vụ mục đích kinh doanh bất động sản) đạt 919.600 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm 2018.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết: "Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát tốt hơn tín dụng bất động sản, nắn dòng vốn đến đúng đối tượng, đặc biệt là những nhu cầu thực về nhà ở của người dân, qua đó thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định hơn, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, an ninh kinh tế".
Việc Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng bất động sản đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bất động sản, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế một phần nguồn vốn tín dụng.
Báo cáo tình hình giao dịch bất động sản quý 2 và 6 tháng đầu năm 2019 của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, nhìn chung, thị trường bất động sản Hà Nội và Tp.HCM đều sụt giảm cả về nguồn cung và lượng giao dịch.
Chẳng hạn tại Hà Nội, 6 tháng đầu năm, lượng cung bất động sản nhà ở đạt 12.976 sản phẩm, bằng 76,05% so với cùng kỳ năm 2018; lượng giao dịch bất động sản nhà ở 6 tháng đạt 8.899 sản phẩm, bằng 68,9% so với cùng kỳ năm 2018; tỷ lệ hấp thụ bất động sản nhà ở 6 tháng qua đạt 68,6%.
Một trong những nguyên nhân chính của sự sụt giảm là do chính sách giảm tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia phân tích, việc tiếp tục siết tín dụng bất động sản theo hướng nắn dòng vốn đến đúng đối tượng cần là nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định hơn.
Nhìn tổng thể, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng tín dụng đang trong tầm kiểm soát, cơ cấu tín dụng bất động sản chuyển biến tích cực, hướng tín dụng đáp ứng nhu cầu của người dân về nhà ở và Ngân hàng Nhà nước không chủ quan với phân khúc mang tính rủi ro cao như đầu tư kinh doanh bất động sản.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản, diễn biến thị trường bất động sản để có chỉ đạo điều hành phù hợp. Ðồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản cao, tỷ trọng lớn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông về định hướng điều hành, cũng như các điều chỉnh quy định về cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899