Ngân hàng Ý sẵn sàng nhận cứu trợ tài chính sau thất bại của cuộc trưng cầu dân ý

07/12/2016, 04:37

TCDN - Biến động chính trị đe dọa kế hoạch tái cơ cấu vốn trị giá 5 tỷ Euro của ngân hàng Monte dei Paschi – ngân hàng lớn thứ 3 của Ý…

ngan hang y
Ông Matteo phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc trưng cầu dân ý ở Cung điện Chigi ở Rome, Ý ngày 5/12/2016. Ảnh nguồn: Reuters.

Nhà quản lý giờ đây đã mất đi giải pháp từ khu vực tư nhân cho ngân hàng Monte dei Paschi di Siena (MPS) và đang chuẩn bị sẵn sàng cho một gói cứu trợ tài chính của nhà nước vào cuối tuần này, sau khi Thủ tướng Matteo Renzi đã thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp.

Sự kiện chính trị ở Ý cuối tuần qua khiến việc đảm bảo một khoản đầu tư 1 tỷ Euro từ Qatar vào chương trình huy động vốn 5 tỷ Euro của MPS càng trở nên khó khăn.

Các nhà quản lý lo ngại rằng thất bại trong việc chống đỡ ngân hàng này, ngân hàng yếu kém nhất trong bài kiểm tra sức khỏe của Ngân hàng trung ương châu Âu ECB mùa hè vừa rồi, có thể gây tổn hại niềm tin của các nhà đầu tư vốn đã ‘bồn chồn’ về hệ thống ngân hàng Ý, thường xuyên trong tình trạng bị đe dọa bởi 360 tỷ Euro tổng nợ xấu và lợi nhuận thấp.

JPMorgan Chase và Mediobanca, hai nhà tư vấn của MPS, đã làm việc với ông Pier Carlo Padoan, Bộ trưởng Tài chính Ý, nhằm thuyết phục Cơ quan đầu tư Qatar bơm tiền vào tổ chức tín dụng lớn thứ ba nước này. Nhưng hy vọng đang yếu ớt dần về việc họ có thể đảm bảo đạt được một thỏa thuận trước thời hạn trong tuần này.

Nếu không có đầu tư chủ chốt từ Qatar, các phần khác của kế hoạch phức tạp nhằm lấp đầy 5 tỷ Euro vốn thiếu hụt có thể sẽ sụp đổ.

Các nhà quản lý ngân hàng cho biết vẫn còn chưa chắc chắn về việc ai sẽ thay thế ông Renzi tại vị trí đứng đầu chính phủ Ý và liệu chính phủ mới có ‘khẩu vị’ chính trị để nắm giữ một phần lớn cổ phần tại một trong những ngân hàng lớn nhất nước hay không. “Mọi người đang ở chế độ chờ đợi chính phủ mới xuất hiện”, một người trực tiếp tham gia vào kế hoạch huy động vốn của MPS cho biết.

Nếu các giải pháp từ khu vực tư nhân đã không còn khả thi, ngân hàng này và giám sát của họ tại ECB có khả năng sẽ ủng hộ một chương trình “tái cơ cấu vốn phòng ngừa” – bao gồm một gói cứu trợ từ quỹ nhà nước và vốn hóa nợ.

“Dù là bất kỳ giải pháp nào được đưa ra với Monte dei Paschi, tôi tin rằng sẽ có một rủi ro đáng kể về sự lây lan rủi ro sang các ngân hàng khác ở Ý”, bà Megan Greene, nhà kinh tế trưởng của Manulife Asset Management nhận định.

Để tránh các phương án không mấy dễ chịu như đặt gánh nặng thua lỗ 2 tỷ Euro lên các nhà bán lẻ sở hữu trái phiếu của MPS, một kế hoạch đang được vạch ra để đảm bảo thanh toán đủ cho 100.000 Euro đầu tiên cho những người nắm giữ trái phiếu mới phát hành, theo các nhà quản lý.

Trái phiếu và tiền gửi lâu năm sẽ được giữ cho không bị tổn thương. Ngân hàng này cũng đang có kế hoạch đẩy nhanh việc bán 28 tỷ Euro nợ khó đòi, chuyển thành công cụ chứng khoán được bảo lãnh bởi chính phủ.

Giá cổ phiếu ở MPS, đã rơi tự do 86% trong một năm qua, đã tiếp tục giảm 4,2% vào thứ Hai trong phiên giao dịch đầy biến động sau khi có kết quả trưng cầu dân ý. Ngân hàng này hiện tại có giá trị thị trường chỉ 570 triệu Euro, đã làm bốc hơi 8 tỷ Euro huy động được trong 4 năm qua.

Cổ phiếu của các ngân hàng Ý khác cũng bị giáng mạnh, với UniCredit giảm 3,4% và Banco Popolare giảm 7,4%.

“Nếu kế hoạch của MPS thất bại, đó là tin rất xấu cho các ngân hàng Ý khác đang cần tái cơ cấu vốn”, ông Patrick O’Donnell, quản lý đầu tư ở Aberdeen Asset Management, phát biểu.

“Nếu Ý không thể phân loại các ngân hàng của mình, nó sẽ trở thành một đống hỗn độn. Một lần nữa, châu Âu thấy mình ở một vị trí mà chính trị, ECB và các ngân hàng đang đan xen vào nhau một cách nguy hiểm”.

Cổ phiếu của các ngân hàng Ý dẫn đầu xu hướng bán tháo trên các thị trường châu Âu trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, với chỉ số FTSE ngành ngân hàng giảm 4,8% tại một thời điểm, trước khi hồi phục đóng cửa giảm 2,2% trong ngày. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã kết thúc ngày tăng 0.08%, đưa nó trở thành trái phiếu có lợi suất cao nhất, đồng nghĩa với rủi ro nhất ở châu Âu.

Kỳ vọng rằng ông Padoan sẽ vẫn là Bộ trưởng Tài chính hoặc thậm chí thay thế ông Renzi làm Thủ tướng đã giúp hạn chế mối lo ngại, các nhà quản lý ngân hàng cho biết.

Theo kịch bản này, nâng vốn dự kiến cần khoảng 13 tỷ Euro cho UniCredit, ngân hàng lớn nhất của Ý và các tổ chức tín dụng quy mô trung bình bao gồm Carige, Banca Popolare di Vicenza và Veneto Banca có khả năng phải vật lộn để huy động ít nhất là 3,5 tỷ Euro để bổ sung số vốn cần thiết./.

Ngọc Trang (theo FT)
Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng Ý sẵn sàng nhận cứu trợ tài chính sau thất bại của cuộc trưng cầu dân ý tại chuyên mục Dòng vốn FDI của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận