Ngân sách nhà nước dự kiến thu về 17.000 tỷ từ thoái vốn DNNN năm nay
TCDN - Bộ KHĐT cho biết có 52 doanh nghiệp chưa thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020, trong đó 10 doanh nghiệp bị đánh giá khó khả thi trong việc thoái vốn, do đang phải xử lý các vướng mắc về tài chính, đất đai.
Bộ Kế hoạch đầu tư vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng về việc Phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020.
Báo cáo của Bộ KHĐT cho biết, danh mục doanh nghiệp do UBND địa phương thoái vốn, hình thành vốn trước 31/12/2020 là 140 doanh nghiệp. Bộ KHĐT đánh giá việc thoái vốn tại các doanh nghiệp này khả thi, dự kiến thu về 8.000 tỷ đồng và được hạch toán vào ngân sách địa phương;
Doanh nghiệp thuộc các Bộ thoái vốn là 21 doanh nghiệp, trong đó, Tổng công ty Dược Việt Nam và Tổng công ty lắp máy Việt Nam thuộc Bộ Y tế và Bộ Xây dựng thoái vốn một phần. Cụ thể, Bộ Y tế đề xuất thoái 29%, giữ lại 36%; Bộ Xây dựng đề xuất thoái 46,88% và giữ lại 51.
Đối với 4 doanh nghiệp khác thuộc Bộ Xây dựng (Tổng công ty cổ phần Sông Hồng, Tổng công ty cổ phần xây dựng số 1, Tổng công ty cổ phần xây dựng Hà Nội, Tổng công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam), Bộ KHĐT đề nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng tiếp tục thoái vốn đến hết 30/9/2019, thay vì giao về SCIC. Lý do, theo Bộ KHĐT, việc chuyển giao sẽ mất thời gian, hiệu quả thoái vốn không cao; việc thoái vốn cũng đồng thời gắn trách nhiệm của Bộ xây dựng trong việc quyết toán toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đối với 15 doanh nghiệp các Bộ thực hiện chuyển giao về SCIC để thực thiện thoái vốn trước 30/6/2020, Bộ KHĐT cho biết các Bộ này chưa hoàn thành các thủ tục chuyển giao vốn, thoái vốn về SCIC (bao gồm cả Habeco).
Bộ KHĐT dự đoán, nếu việc thoái vốn được thực hiện thành công tại các doanh nghiệp nêu trên, thì ngân sách có thể thu về 17.000 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ KHĐT, hiện có 17 doanh nghiệp thực hiện sắp xếp theo chỉ đạo riêng của Thủ tướng Chính phủ, gồm 2 doanh nghiệp do UBQLVNN tại doanh nghiệp quản lý là Tập đoàn xăng dầu và Tổng công ty hàng không Việt Nam, cơ quan này hiện đang đề nghị xây dựng phương án thoái vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
2 doanh nghiệp do Bộ Công Thương quản lý (Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Tổng công ty máy và thiết bị công nghiệp), thì khả năng thoái vốn là không khả thi, bởi các doanh nghiệp này chưa hoàn thành quyết toán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, còn Tổng công ty Máy và động lực máy nông nghiệp đang bị cơ quan công an điều tra;
1 doanh nghiệp thuộc Bộ xây dựng (Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng Viglacera) được đề nghị giữ lại để thoái toàn bộ vốn tại doanh nghiệp trong năm 2020, bởi theo Bộ KHĐT, doanh nghiệp này đang thực hiện đầu tư tại Cuba theo nhiệm vụ chính trị được giao, nên cần thời gian để xử lý các tồn tại trong dự án trước khi hoàn thành thoái vốn;
12 doanh nghiệp khác do các Bộ, địa phương đề nghị thoái vốn thì đang vướng mắc về tài chính, quyết toán vốn nhà nước, nên Bộ KHĐT cho rằng cần thực hiện tái cơ cấu, thoái vốn theo phương án cụ thể.
Bộ KHĐT cũng cho biết có 52 doanh nghiệp chưa thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020, trong đó 10 doanh nghiệp bị đánh giá khó khả thi trong việc thoái vốn, do đang phải xử lý các vướng mắc về tài chính, đất đai…; còn 42 doanh nghiệp trong lĩnh vực cấp thoát nước có quy mô nhỏ, nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội, cung cấp nước sạch cho nhiều địa phương.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899