Ngành nông nghiệp muốn thu về hơn 45 tỷ USD từ xuất khẩu trong năm 2022

06/10/2021, 07:30

TCDN - Ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành tăng 2,8 - 3% ; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 45,5 tỷ USD trong năm 2022.

images5442744_nn

Tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp 9 tháng năm 2021 đạt 2,74% và đóng góp 23,52% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế. Ngành đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tính đến hết tháng 9/2021, cả nước gieo cấy được 7,13 triệu ha lúa; đến nay đã thu hoạch đạt khoảng 5,3 triệu ha, sản lượng khoảng 33,5 triệu tấn thóc. Tổng diện tích gieo trồng cây lâu năm ước đạt 3.642,4 nghìn ha, tăng 1,3% so cùng kỳ.

Đối với chăn nuôi, sản lượng thịt trâu ước đạt 86,6 nghìn tấn, giảm 0,4%; thịt bò đạt 332,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; thịt lợn hơi ước đạt 3.060,9 nghìn tấn, tăng 5,0%; thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 1.402,7 nghìn tấn, tăng 4,3%; sản lượng sữa bò tươi ước đạt 856,6 nghìn tấn, tăng 11,0%; trứng ước đạt 12,8 tỷ quả, tăng 4,3%.

Thủy sản là lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19, sản lượng khai thác và nuôi trồng quý 3 giảm 5,2%. Tính chung 9 tháng, tổng sản lượng thủy sản đạt gần 6,38 triệu tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 15,8 tỷ USD, tăng 14,4%; lâm sản đạt 11,97 tỷ USD, tăng 31,6%; thủy sản đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 2,4%; chăn nuôi 345 triệu USD, tăng 17,5%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,3 tỷ USD, tăng 31,6%.

Về thị trường xuất khẩu: Khu vực châu Á chiếm 42,2% thị phần; châu Mỹ 30,7%, châu Âu 11,3%, châu Đại Dương 1,5% và châu Phi 1,9%.

Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản, nhất là nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh, đạt 32,2 tỷ USD, tăng 41,6%. Do vậy, xuất siêu 9 tháng dù đạt trên 3,3 tỷ USD nhưng giảm 55,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đạt mức tăng trưởng toàn ngành năm 2021 là 2,8% thì lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản phải có sự phát tăng trưởng mạnh trong quý 4 vì trồng trọt từ nay đến cuối năm không còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Để tháo gỡ khó khăn, tăng tốc sản xuất và xuất khẩu trong quý cuối năm, Bộ đã ban hành Kế hoạch hành động theo bốn nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, tập trung chỉ đạo sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 tại từng tỉnh, thành phố.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ngành sẽ tăng cường kết nối, phối hợp với các tập đoàn viễn thông như Viettel Post, VNPT Post; các doanh nghiệp có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp đề xuất hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, tăng cường giao dịch điện tử.

Thứ ba, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tập trung giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic... không để ứ đọng hàng hóa tại vùng sản xuất, nhà máy, trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Thứ tư, tăng cường các giải pháp phòng, chống thiên tai hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất cho kinh tế, sản xuất, đời sống người dân.

Viết Dinh
Bạn đang đọc bài viết Ngành nông nghiệp muốn thu về hơn 45 tỷ USD từ xuất khẩu trong năm 2022 tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan