Ngày mai, Bộ Tài chính họp về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp

22/11/2022, 17:09

TCDN - Sáng mai (23/11), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ chủ trì cuộc họp về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.

Cuộc họp sẽ được tổ chức vào lúc 8h30 ngày 23/11/2022 tại trụ sở của Bộ Tài chính.

Cuộc họp còn có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, các lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Các lãnh đạo các Công ty chứng khoán và lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu cũng tham gia trong cuộc họp này.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 10 tháng năm 2022 đạt 328.900 tỷ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý. Cụ thể, quý 1/2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 134.800 tỷ đồng, quý 2 là 122.400 tỷ đồng, quý 3 là 65.900 tỷ đồng, tháng 10/2022 là 5.800 tỷ đồng.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

46,48% trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành có tài sản đảm bảo; 53,52% không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là trái phiếu của tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng là nhóm phát hành lớn nhất với 41,3% tổng khối lượng phát hành. Theo sau là các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng chiếm lần lượt 28,9% và 7,8% lượng phát hành.

Liên quan đến trách nhiệm doanh nghiệp trong phát hành trái phiếu, Bộ trưởng Bộ Tài chính từng khẳng định, chất lượng phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phụ thuộc rất lớn vào hành vi của các chủ thể tham thị trường.

Theo đó, trách nhiệm đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là chủ thể phát hành. Do đó, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chủ yếu là niềm tin, là “chữ tình” với doanh nghiệp. Doanh nghiệp phát hành về nguyên tắc phải là chủ thể chịu trách nhiệm toàn bộ về các đợt phát hành. Thống kê cho thấy, các ngân hàng đang nắm giữ tới 42% lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; kế đến là doanh nghiệp bất động sản với 29%;…

Có thể thấy, hai nhóm chủ thể phát hành này đã chiếm tới 71% lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Khi các chủ thể phát hành tuân thủ pháp lý cao, đề cao tính minh bạch, công bố thông tin đầy đủ và giữ chữ tín với nhà đầu tư, thanh toán đầy đủ, đúng hạn trái phiếu doanh nghiệp đến hạn; nhà đầu tư hiểu biết pháp luật, cẩn trọng xem xét thị trường khi mua trái phiếu doanh nghiệp… thì chắc chắn chất lượng phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ được nâng lên.

Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 14/11 về hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các khuyến nghị cho nhà đầu tư, Bộ Tài chính nêu rõ, trái phiếu doanh nghiệp không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Trái phiếu thường có độ rủi ro cao hơn các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng và phần chênh lệch cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chính là rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận khi mua trái phiếu doanh nghiệp.

Với đặc điểm trên, nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Nam Yên
Bạn đang đọc bài viết Ngày mai, Bộ Tài chính họp về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Cơ hội giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp “gạn đục, khơi trong”
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, chính sách mới về chào bán trái phiếu doanh nghiệp sẽ cần thời gian để thị trường làm quen, nhưng đây là cơ hội để thị trường sàng lọc, “gạn đục, khơi trong” tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyên nghiệp chân chính.