Ngành Thuế, Hải quan đối thoại với doanh nghiệp về chính sách và thủ tục hành chính
TCDN - Ngày 22/11, Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2022.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, đây là cơ hội để củng cố quan hệ giữa cơ quan thuế - hải quan với cộng đồng doanh nghiệp trong chia sẻ thông tin, cùng nhau thảo luận các cơ chế hợp tác phù hợp, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của cả hai bên.
Theo ông Phạm Tấn Công các nỗ lực cải cách của Bộ Tài chính đã mang lại những kết quả quan trọng và tác động lớn đến môi trường hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, vào thời điểm chương trình đối thoại được thực hiện cách đây 16 năm, một trong những chỉ số theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2006 về Việt Nam thì chỉ số nộp thuế của Việt Nam đứng sau nhiều nước trong khu vực, sau cả Lào và Campuchia.
Song, đến nay ngành Tài chính đã quyết tâm thực hiện cải cách, với nỗ lực và phương châm hành động quyết liệt để thực hiện quy trình cải tiến thủ tục hành chính thuế, hải quan, bền bỉ, thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại bằng các hình thức khác nhau nhằm lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.
Qua đó từng bước nâng cao thứ hạng của ngành trong xếp hạng quốc tế và đem lại những cải tiến tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp cả về quy trình thủ tục, chính sách, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong cung ứng dịch vụ công, tự động hóa một số quy trình thủ tục, tư duy và phong cách làm việc ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại của cán bộ thuế - hải quan, giảm bớt sự chồng chéo trong giải quyết quy trình, thủ tục…
Bên cạnh giời thiệu chính sách, thủ tục hành chính mới về thuế, hải quan, các vướng mắc của doanh nghiệp được đại diện Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan trả lười thấu đáo. Cụ thể, đại diện Honda Việt Nam cho biết, mỗi tháng công ty xuất khoảng 150.000 hoá đơn điện tử. Các hoá đơn này liên quan nhiều hệ thống khác của doanh nghiệp như quản trị sản xuất, đại lý, mua hàng. Khi Nghị định 15/2022/NĐ-CP có hiệu lực, một số mặt hàng có thuế giá trị gia tăng giảm từ 10% xuống 8% và doanh nghiệp không thể sửa ngay hoá đơn điện tử. Hiện nay, Honda Việt Nam có khoảng 260.000 hoá đơn chưa điều chỉnh.
Honda Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn tháo gỡ theo các phương án: Một là, Honda Việt Nam phải điều chỉnh số lượng hoá đơn này và phải mất nhiều thời gian, nhân lực. Hai là, trong số 260.000 hoá đơn này chỉ xuất cho khoảng 1.500 đơn vị là đại lý bán hàng của Honda và mong muốn được điều chỉnh theo hướng một mẫu hoá đơn áp dụng cho các đại lý.
Trả lời kiến nghị của Honda Việt Nam, ông Vũ Chí Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay, thời gian qua nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc khi điều chỉnh thuế VAT từ 10% xuống 8% theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP.
Ông Hùng cho biết, căn cứ theo quy định về xử lý hoá đơn sai sót, doanh nghiệp tự điều chỉnh, kê khai. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, ông Hùng yêu cầu Cục Công nghệ thông tin (Tổng Cục Thuế) phối hợp với Cục thuế Vĩnh Phúc cùng Honda Việt Nam nhanh chóng có phương án xử lý dứt điểm.
Cùng xoay quanh vấn đề hoá đơn điện tử, ông Đỗ Phương Nam - Kế toán trưởng Công ty CP nước sạch Hà Nội - nêu thắc mắc về việc sử dụng hoá đơn có bảng kê. Theo quy định hướng dẫn bảng kê để kiểm tra, hoá đơn theo kỳ phát sinh được sử dụng bảng kê. Nhưng khái niệm “hoá đơn theo kỳ phát sinh” chưa rõ ràng nên công ty thắc mắc chi phí như chi hội nghị, hội thảo, chi phí ăn uống có được ghi theo bảng kê hay không? Doanh nghiệp mong được hướng dẫn để tránh việc sai sót khi đoàn kiểm tra.
“Công ty chúng tôi gặp vướng mắc trong hoá đơn điện tử vì không biết doanh nghiệp đầu vào có kê khai đúng hay không? Khi ngành thuế kiểm tra phát hiện, hoá đơn của doanh nghiệp đầu vào không đúng. Là doanh nghiệp nhà nước, nếu chỉ sai sót một vài lỗi sẽ ảnh hưởng xếp hạng doanh nghiệp. Chúng tôi rất mong ngành thuế có công cụ để kiểm tra hoá đơn doanh nghiệp đã chuẩn chỉnh hay chưa để chúng tôi truy cập”, ông Nam gửi thắc mắc tới đại diện Bộ Tài chính.
Trả lời câu hỏi này của doanh nghiệp, ông Vũ Chí Hùng cho biết, doanh nghiệp được phép dùng bảng kê và quy định cụ thể dịch vụ phát sinh như điện, nước, viễn thông, báo cáo chuyển phát, bảo hiểm…. Những dịch vụ phát theo kỳ phát sinh của công ty là nước được xuất kèm bảng kê.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, doanh nghiệp ngành điện nước không tiềm ẩn thất thu thuế VAT nên được kê theo bảng kê. Thứ trưởng Tuấn cũng hoan nghênh ý kiến công ty nước sạch về rà soát hoá đơn rủi ro. Theo ông Tuấn, từ 1/7/2022 cả nước chuyển sang hoá đơn điện tử với 2 loại có mã và không mã. Hoá đơn có mã, doanh nghiệp có thể tra cứu luôn trên cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để quản trị rủi ro.
“Công ty nước sạch quản trị tốt đầu vào, công khai minh bạch với đối tác hàng thật, dịch vụ thật và quản trị nội bộ rủi ro tốt sẽ xử lý tình trạng này. Chúng tôi đang tiếp tục xây dựng phần mềm quản trị rủi ro để giúp cảnh báo cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn chia sẻ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899