Bộ trưởng Bộ Tài chính: VTCA cần đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong thực thi chính sách thuế
TCDN - Tại buổi làm việc với Hội tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) ngày 29/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, chính sách thuế gắn với quyền lợi của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân, VTCA với vai trò là “cánh tay nối dài” của ngành Thuế cần đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong thực thi.
Dự buổi làm việc còn có Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng, lãnh đạo Văn phòng Bộ, Vụ Hành chính sự nghiệp, Vụ Pháp chế, Cục Quản lý giám sát Kế toán và Kiểm toán, Vụ Chính sách Thuế...
Nâng cao tuân thủ pháp luật, giảm chi phí xã hội
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch VTCA cho biết, qua gần 15 năm hình thành và phát triển, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam ngày càng lớn mạnh kể cả về tổ chức bộ máy, số lượng hội viên cũng như chất lượng hoạt động. Hội đã từng bước khẳng định là cầu nối tin cậy, vững chắc, là cánh tay nối dài của ngành Thuế đến người nộp thuế. Điều này thể hiện rõ nét qua công tác tổ chức, phát triển Hội, hội viên. Từ 100 hội viên sáng lập năm 2008, nay đã có 910 hội viên (trong đó 190 hội viên tập thể).
Năm 2018, Hội đã có Tạp chí Tài chính doanh nghiệp, là cơ quan ngôn luận. Đến tháng 6/2019 Tạp chí điện tử https://taichinhdoanhnghiep.net.vn ra đời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, thủ tục hành chính thuế và các tin tức về tính hình thu NSNN, tuân thủ nghĩa vụ thuế của cộng đồng doanh nghiệp do được cập nhật thường xuyên kịp thời hàng ngày, hàng giờ.
Hệ thống đại lý thuế phát triển nhanh, góp phần cho công tác tổ chức Hội, phát triển hội viên, đồng thời giúp cho người nộp thuế nâng cao tuân thủ pháp luật, giảm chi phí xã hội. Tính đến hết năm 2021, trên toàn quốc có 818 đại lý thuế được cấp phép hoạt động tại 50/63 tỉnh, thành phố. Trong đó tập trung tại các tỉnh, thành lớn như: Hà Nội: 266, TP. Hồ Chí Minh: 275, Bình Dương: 19, Cần Thơ: 18, Đồng Nai: 17, Khánh Hòa và Quảng Ninh: 16, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc: 12.
Công tác tuyên truyền chính sách thuế được Hội thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, vừa hướng dẫn trực tiếp cho doanh nghiệp vừa tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin, hội nghị, hội thảo trong nước, quốc tế.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các lớp/khóa đào tạo cập nhật chính sách thuế mới, phát hành sách, tài liệu hướng dẫn được Hội thực hiện hiệu quả. Hàng năm, Hội mở từ 10 - 15 khóa đào tạo cập nhật về chính sách và quản lý thuế cho cộng đồng doanh nghiệp, các đại lý thuế và cá nhân có chứng chỉ hành nghề làm thủ tục về thuế. Hội cũng phối hợp hoặc hỗ trợ các Cục Thuế địa phương, các đối tác, hội viên... thực hiện triển khai chính sách thuế mới, đối thoại giải đáp cho người nộp thuế, thời gian năm 2021, 2022 theo hình thức trực tuyến cho hàng nghìn doanh nghiệp, doanh nhân.
Thực hiện vai trò phản biện xã hội, Hội luôn coi việc tham gia đóng góp hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật nói chung và chính sách thuế nói riêng được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Theo đó, Hội đã tích cực tham gia xây dựng, góp ý các dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn liên quan đến chính sách thuế, quản lý. Hội trực tiếp thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu các giải pháp kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa cơ quan BHXH và cơ quan thuế”.
Cùng với việc tổng hợp các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi, phản ánh về cơ quan có thẩm quyền để xem xét, nghiên cứu, hoàn thiện, Hội đã mở rộng quan hệ hợp tác song phương, đa phương với các Hiệp hội nghề nghiệp trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể như: Hiệp hội Tư vấn Thuế Châu Á – Châu Đại dương (AOTCA); Hiệp hội Kế toán thuế công Nhật Bản (JFCPTAA), Hiệp hội Đại lý thuế nữ Nhật Bản, Hiệp hội Xúc tiến phổ cập kế toán ghi sổ kép Nhật Bản tại Việt Nam (ABPV), Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA), CPA Australia.
Chia sẻ khó khăn, hạn chế trong quá trình hoạt động, Chủ tịch Nguyễn Thị Cúc nhấn mạnh, số hội viên chiếm tỷ lệ thấp so với người hành nghề thực tế (số lượng Đại lý thuế đăng ký hoạt động đến đầu năm 2022 là 818, nhưng đại lý thuế là hội viên của Hội chỉ có 127 đơn vị).
Nguyên nhân quan trọng khiến các đại lý thuế chưa tham gia Hội vì cộng đồng doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về vai trò của các đại lý thuế, chưa sử dụng nhiều dịch vụ làm thủ tục về thuế của đại lý thuế, doanh thu về dịch vụ làm thủ tục về thuế vẫn còn khiêm tốn. Các đại lý thuế phải làm thêm nhiều hoạt động khác ngoài dịch vụ thủ tục về thuế để duy trì, phát triển. Trong lúc đó ở các nước như Nhật bản, Hàn Quốc, Đức, số doanh nghiệp, người nộp thuế khai thuế qua Đại lý thuế trên 90%.
Về quy định miễn thi lấy chứng chỉ hành nghề, tại Thông tư số 10/2021/TT-BTC về quản lý hành nghề đại lý thuế quy định miễn môn thi kế toán đối với người dự thi chứng chỉ hành nghề đại lý thuế, nếu đã tốt nghiệp đại học, sau đại học thuộc ngành, chuyên ngành kế toán, kiểm toán và có thời gian làm kế toán, kiểm toán 60 tháng liên tục trở lên tính đến thời điểm đăng ký xét miễn môn thi.
Trong khi, quy định tại Thông tư số 91/2017/TT-BTC về việc thi, cấp, quản lý chứng chỉ kiểm toán viên và chứng chỉ kế toán viên, người dự thi lấy chứng chỉ kế toán viên, chứng chỉ kiểm toán viên phải có môn thi bắt buộc là thuế và quản lý thuế nâng cao. Để đảm bảo sự thống nhất trong các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ Tài chính và bình đẳng giữa những người hành nghề dịch vụ tài chính, kế toán, tư vấn thuế, đề nghị Bộ chỉ đạo nghiên cứu quy định miễn thi môn thuế và quản lý thuế nâng cao cho đối tượng đã có thời gian làm việc trong ngành thuế tối thiểu 10 năm liên tục tính đến thời điểm nghỉ hưu, nghỉ việc.
Để tăng cường và phát huy vai trò của Hội và hệ thống đại lý thuế, bà Nguyễn Thị Cúc đề xuất, các Vụ chức năng liên quan đến chính sách, quản lý thuế thuộc Bộ Tài chính cần tích cực chia sẻ, tạo mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết hơn trong quá trình trao đổi thông tin, tham gia xây dựng, sửa đổi bổ sung chính sách thuế, quản lý thuế; công tác tuyên truyền hỗ trợ thuế… để Hội và các đại lý thuế thực sự là cầu nối giữa cơ quan quản lý và người nộp thuế.
Theo bà Hà Thị Thu Thanh, Phó chủ tịch VTCA, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam, tại các thị trường phát triển, các tổ chức trung gian, bao gồm hội kiểm toán viên nghề nghiệp, hiệp hội kế toán, tư vấn thuế, quản trị công ty đều có những chuẩn mực toàn cầu, từng quốc gia. Hoạt động của các tổ chức trung gian được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền các chính sách đến các đối tượng trên thị trường.
Tại Việt Nam, VTCA đã làm tốt vai trò phản biện chính sách, thể hiện tiếng nói độc lập trong tham vấn chính sách thuế. Với tư cách của Hội nghề nghiệp, VTCA đã góp phần cộng hưởng với tiếng nói của Tổng cục thuế, tuyên truyền chính sách mạnh hơn, minh bạch hơn.
“Hiện VTCA và Tổng cục Thuế đã có quy chế phối hợp, để tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai bên, trong thời gian tới, Tổng cục Thuế nên có cơ chế giao một phần kinh phí để VTCA thực hiện truyên truyền chính sách thuế, qua đó thể hiện cam kết trách nhiệm cao hơn của VTCA” – bà Thanh nói.
Tổng cục Thuế “đặt hàng”, bố trí kinh phí tuyên truyền
Sau ý kiến của Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cùng lãnh đạo các Cục, Vụ tham gia buổi họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch Covid – 19 ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của nền kinh tế nói chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khôi phục kinh tế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, năm 2021, Chính phủ giảm 233 nghìn tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là Chính phủ vừa phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, vừa đảm bảo kích cầu, mua vaccine tiêm phòng cho người dân. Tuy nhiên, vẫn không ít ý kiến đề xuất phải giảm hết thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu, trong khi đó, các nước trên thế giới đang duy trì thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này để phát triển năng lượng tái tạo.
“Chính sách thuế gắn với quyền lợi của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân. Thuế là nguồn thu quan trọng để duy trì bộ máy nhà nước, đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo vệ anh ninh quốc gia. Đây là nhiệm vụ quan trọng, VTCA với vai trò là “cánh tay nối dài” của ngành Thuế cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phản biện chính sách để tạo sự đồng thuận trong thực thi chính sách thuế” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng ghi nhận, đóng góp của Hội đối với ngành Tài chính nói chung, ngành Thuế nói riêng rất lớn. Thông qua các hoạt động của mình, Hội đã tập huấn nghiệp vụ, truyên truyền, giải đáp chính sách thuế, đào tạo những cán bộ am hiểu chính sách thuế. Đây chính là hoạt động nâng cao nhận thức của xã hội về thuế, góp phần chấp hành pháp luật về thuế hiệu quả hơn.
Bộ trưởng yêu cầu, trong thời gian tới, VTCA cần đẩy mạnh tuyên truyền chính sách thuế. Bởi theo kế hoạch, trong 02 năm tới, Bộ Tài chính sẽ ban hành 13 bộ luật, trong đó có 06 bộ luật về thuế. Do vậy, vai trò phản biện chính sách của VTCA rất quan trọng trong việc hoàn thiện các bộ luật này. Để làm tốt vấn đề này, Tổng cục Thuế có thể “đặt hàng”, bố trí kinh phí để VTCA thực hiện.
Bênh cạnh đó, Tổng cục Thuế cần có kế hoạch phối hợp với Hội trong công tác tập huấn chính sách thuế cho các đại lý thuế, cộng đồng doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp hiểu sẽ chấp hành đầy đủ pháp luật về thuế.
Thông tin thêm về việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, Bộ trưởng chia sẻ, hiện ngành Thuế đã triển khai hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước, xây dựng cổng thông tin điện tử xuyên biên giới, cổng thông tin điện tử nộp thuế từ sàn thương mại điện tử và kinh doanh online trên nền tảng số. Riêng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, ngành Thuế đang xây dựng phần mềm kiểm soát hoạt động này, trong đó các công ty công chứng phải kết nối với cổng thông tin điện tử. Cổng thông tin điện tử này có thể kiểm soát giá của tất cả các vùng trên cả nước.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng giao Cục Quản lý, giám sát kế toán và kiểm toán, Vụ Chính sách Thuế, Tổng cục thuế nghiên cứu các tiêu chuẩn để "công nhận lẫn nhau" giữa các kỳ thi đại lý thuế, kế toán. Điều này vừa giảm thủ tục hành chính, giảm tiêu cực, đảm bảo chất lượng.
Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng cho hay, Tổng Cục Thuế và Hội đã thống nhất ký bản Quy chế phối hợp số 1016/QCPH/TCT-HTVT quy định về việc phối hợp công tác giữa Tổng cục Thuế và Hội. Quy chế góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của chính sách thuế và công tác quản lý thuế, hỗ trợ và phát triển hoạt động hành nghề làm thủ tục về thuế. Do vậy, những ý kiến, phản hồi của VTCA sẽ được Tổng cục rà soát kịp thời, hạn chế ảnh hưởng đến công tác nộp thuế của người nộp thuế nói chung, công tác điều hành của ngành Thuế nói riêng.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc
email: [email protected], hotline: 086 508 6899