9 tháng CPI tăng 2,73%, lạm phát tăng 1,88%

29/09/2022, 12:14

TCDN - Tổng cục Thống kê cho biết, bình quân 9 tháng năm 2022, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 1,88%.

Tháng 9, CPI tăng 0,4% so với tháng trước chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023. So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI bình quân quý 3/2022 tăng 3,32% so với quý 3/2021.

CPI bình quân 9 tháng năm 2022 tăng 2,73% so với bình quân cùng kỳ năm 2021. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, CPI 9 tháng năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước do giá xăng dầu trong nước tăng 41,07% so với cùng kỳ năm trước (tác động làm CPI chung tăng 1,48 điểm phần trăm); giá gas tăng 18,75% (làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm).

9 tháng CPI tăng 2,73%, lạm phát tăng 1,88%. (Ảnh minh họa)

9 tháng CPI tăng 2,73%, lạm phát tăng 1,88%. (Ảnh minh họa)

Giá ăn uống ngoài gia đình tăng 4,38% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm) do dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng.

Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 9 tháng tăng 7,88% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.

Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,11 điểm phần trăm); giá gạo tăng 1,14% (làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm).

Cũng theo Tổng cục Thống kê, để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, lạm phát cơ bản tháng 9/2022 tăng 0,47% so với tháng trước, tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,73%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết 9 tháng CPI tăng 2,73%, lạm phát tăng 1,88% tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

CPI tăng 2,6% trong 8 tháng
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 ước tăng 0,006% so với tháng trước. Bình quân 8 tháng năm 2022 ước tính tăng khoảng 2,58% - 2,6% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,4-3,7%.
CPI tháng 7 tăng do giá thịt lợn tăng, thời tiết nắng nóng
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng là do giá thịt lợn tăng cao, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển.
Giá cả leo thang, CPI tháng 5/2022 tăng mạnh
Giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm và hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,38% so với tháng trước.