Nghệ An: Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31% vào năm 2025

20/11/2021, 09:32

TCDN - Để số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, Nghệ An đang phấn đấu đến năm 2025, Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31%.

unnamed (1)

Thực hiện Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 658/KH-UBND về vấn đề này.

Theo đó, tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động: Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31% vào năm 2025 và đạt 36,5% vào năm 2030; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% năm 2025 và 90% năm 2030. Phấn đấu đến năm 2030 duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 1%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%; tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp đến năm 2025 giảm còn dưới 30% và đến năm 2030 dưới 20%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 15%/năm.

Phấn đấu giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo dưới 8%; phấn đấu giải quyết việc làm cho chiến sỹ công an hoàn thành nghĩa vụ, bộ đội xuất ngũ, đối tượng mãn hạn tù, dân tộc thiểu số và miền núi, lao động ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, lao động từ vùng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trở về địa phương đạt từ 85-90% tổng số nhu cầu đối tượng cần tìm kiếm việc làm. Duy trì tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 27% vào năm 2025 và đạt 37% năm 2030, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 10% lực lượng lao động vào năm 2025 và chiếm khoảng 17% lực lượng lao động vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp gồm: Rà soát, đề xuất sửa đổi, cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về cung - cầu lao động, kết nối cung - cầu lao động để phù hợp với quy luật của thị trường lao động và phù hợp với lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động. Đầu tư, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tổ chức giao dịch việc làm.

Cùng với đó, xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề trước khi đi làm cho sinh viên mới tốt nghiệp; các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng cho lao động trong quá trình làm việc, phù hợp với tính chất đặc thù của từng đối tượng lao động. Khuyến khích doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động tham gia vào quá trình giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng số ngắn hạn cho người dân; các lớp đào tạo, đào tạo lại theo hình thức thường xuyên, linh hoạt cho người lao động. Thực hiện các giải pháp về hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động; hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động.

UBND tỉnh giao Sở LĐTB&XH chủ trì, phối hợp xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, phổ biến triển khai thực hiện Kế hoạch; tổ chức triển khai các quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội trên cơ sở rà soát, đánh giá sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ tạo việc làm, khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp tham gia vào đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động...

Các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An, Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt các nội dung được giao.

UBND tỉnh cũng giao UBND các huyện, thành, thị tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch tại địa phương; chủ động bố trí kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch; xây dựng kế hoạch thu thập, phân tích thông tin thị trường lao động hằng năm thực hiện Kế hoạch hỗ trợ phát triển thị trường lao động và đề xuất các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, giảm tỷ lệ nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Trong 1 diễn biến liên quan, trên địa bàn Nghệ An tính đến ngày 15/6/2021: Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới: 878 DN, tăng 20,94% so với cùng kỳ 2020. Tổng số vốn các DN đăng ký: 9.650,757 tỷ đồng, tăng 58,776% so với cùng kỳ 2020.

Số DN tạm ngừng hoạt động: 595 DN, tăng 114 DN so cùng kỳ 2020. Có 432 DN đăng ký hoạt động trở lại, tăng 142 DN so với cùng kỳ 2020. Số DN giải thể: 71 DN, tăng 14 DN so với cùng kỳ 2020.

Ngọc Tuấn
Bạn đang đọc bài viết Nghệ An: Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31% vào năm 2025 tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan