Nghịch lý doanh nghiệp ngành thép kinh doanh ảm đạm, giá cổ phiếu vẫn bật tăng

05/08/2023, 08:34

TCDN - Ngược lại với kết quả kinh doanh ảm đạm của các doanh nghiệp ngành thép trong quý 2, trên sàn chứng khoán, nhóm cổ phiếu của ngành này đang trên đà hồi phục mạnh mẽ sau khi giảm sâu trong năm 2022. Các công ty chứng khoán khuyến nghị, nhà đầu tư chưa nên kỳ vọng vào lợi nhuận của các doanh nghiệp thép.

Bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép trong quý 2 không mấy sáng sủa. Nhìn chung, ngoài những ông lớn như Hòa Phát, Nam Kim có dấu hiệu hồi phục, đa số các doanh nghiệp thép vẫn đang gồng mình bù lỗ. 

Cụ thể, trong quý 2/2023, doanh thu của Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục đi xuống, lợi nhuận sau thuế đạt 1.448 tỷ đồng, giảm 64%. Trong kỳ này, HPG đạt doanh thu 29.800 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù giảm so với cùng kỳ năm 2022, song lợi nhuận trong quý 2 năm nay của HPG vẫn gấp 3,7 lần so với kết quả quý 1.

Các công ty chứng khoán cho rằng, nhà đầu tư chưa nên kỳ vọng vào lợi nhuận của các doanh nghiệp thép trong thời điểm này.

Các công ty chứng khoán cho rằng, nhà đầu tư chưa nên kỳ vọng vào lợi nhuận của các doanh nghiệp thép trong thời điểm này.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, HPG ghi nhận 56.665 tỷ đồng doanh thu, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế hơn 1.830 tỷ đồng, giảm 85%. 

Trong nhóm doanh nghiệp ngành thép có lợi nhuận âm quý này, thua lỗ nặng nhất là Đầu tư thương mại SMC với khoản lỗ gần 400 tỷ đồng và khoản trích lập dự phòng khoản phải thu 180 tỷ đồng, phần lớn từ Novaland. Đây là khoản lỗ lớn thứ hai trong lịch sử của SMC, chỉ sau khoản lỗ của quý 4/2022 (515 tỷ đồng). 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, SMC ghi nhận doanh thu thuần 7.200 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ, đồng thời lỗ ròng 371 tỷ đồng. Theo đó, mục tiêu có lãi 150 tỷ đồng trong năm 2023 của doanh nghiệp trở lên khó khăn hơn. 

Theo sau là khoản lỗ của Thép Pomina. Do kinh doanh dưới giá vốn khiến Pomina lỗ đậm 350 tỷ đồng trong quý 2. Lũy kế nửa đầu năm 2023, doanh thu của Pomina giảm đến 70% so với cùng kỳ. Chi phí tăng cao khiến Pomina lỗ 537 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm 2022 vẫn lãi sau thuế hơn 8 tỷ đồng. 

Cùng cảnh ngộ, việc ghi nhận khoản lỗ gần 324 tỷ đồng trong công ty liên doanh - liên kết đã khiến VNSteel báo lỗ sau thuế 284 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ 40 tỷ đồng trong quý 2/2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của VNSteel đạt 15.097 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản lỗ trước thuế ghi nhận hơn 200 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi tới 202 tỷ đồng. Kết quả này còn cách rất xa mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất 235 tỷ đồng được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. 

Trong khi đó, CTCP Gang thép Thái Nguyên (TIS) lỗ kỷ lục 98 tỷ đồng trong quý 2/2023, đánh dấu quý thứ 4 thua lỗ liên tiếp. Tính chung 6 tháng đầu năm, công ty lỗ sau thuế 117 tỷ đồng. 

Còn Tập đoàn Hoa Sen (HSG) thì chỉ lãi ròng hơn 14 tỷ đồng trong quý 3/2023 (niên độ tài chính của công ty từ 1/10-30/9), giảm mạnh so với quý 2/2023 lãi 251 tỷ đồng. Nguyên nhân là do doanh thu bán hàng và doanh thu tài chính đều sụt giảm. Lũy kế 9 tháng, công ty vẫn lỗ ròng 410 tỷ đồng. 

CTCP Gang thép Cao Bằng (CBI) công bố tình hình kinh doanh quý 2 bết bát với doanh thu thuần đạt 568 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Tuy vậy lợi nhuận sau thuế lại ghi âm hơn 11 tỷ đồng dù quý 2 năm ngoái vẫn lãi gần 17 tỷ đồng. Nguyên  nhân được lý giải do giá nguyên liệu đầu vào bao gồm cả giá quặng sắt, giá than... tăng, giá bán giảm.  

Trên sàn chứng khoán, sau khi giảm sâu trong năm 2022, giá nhiều cổ phiếu nhóm ngành thép có diễn biến đi ngang trong 5 tháng đầu năm 2023. Từ đầu tháng 6 đến nay, nhiều mã cổ phiếu như HPG, HSG, NKG, TVN  đã bật tăng đáng kể. 

Giới phân tích đánh giá, ngành thép vẫn còn nhiều khó khăn khi giá bán giảm, nhưng nhu cầu tiêu thụ có tín hiệu tích cực trở lại, giúp cổ phiếu nhóm ngành này tăng giá mạnh so với thị trường chung. Thực tế, nhu cầu thép trên thế giới gần đây có dấu hiệu hồi phục, dù mức tăng còn chậm.

Hiệp hội Thép thế giới dự báo, nhu cầu thép toàn cầu năm 2023 có thể đạt 1,82 tỷ tấn, sau khi giảm 3,2% trong năm 2022 xuống 1,78 tỷ tấn. Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, khối lượng tiêu thụ thép thành phẩm là 12,481 triệu tấn, giảm 17,5%, trong đó xuất khẩu 3,881 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, nhìn chung nhu cầu thép vẫn chưa có tín hiệu hồi phục bền vững.

Trên cơ sở đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra báo cáo “cảnh báo” nhà đầu tư chưa nên kỳ vọng vào lợi nhuận của các doanh nghiệp thép. VDSC cho rằng, tốc độ sản xuất thép thô của các nhà máy tại Việt Nam đang chững lại trong vài tháng gần đây, dù cao hơn mức đáy cuối năm ngoái nhưng vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. 

VDSC khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục theo dõi sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp để có mức kỳ vọng hợp lý về mức độ hồi phục lợi nhuận, đặc biệt khi quý 3 là mùa mưa và tháng Ngâu, trong đó mùa thấp điểm rơi vào tháng 8 và 9 năm nay.

Cùng quan điểm trên, trong báo cáo chiến lược đầu tư 6 tháng cuối năm mới cập nhật, VNDirect nhận định, thời điểm khó khăn nhất của ngành thép dường như đã ở lại phía sau. Nhưng nhu cầu tiêu thụ yếu vẫn sẽ phủ bóng lên triển vọng phục hồi của các công ty thép nửa cuối năm 2023. 

Theo VNDirect, ngành bất động sản dân dụng ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu ngành thép Việt Nam khi chiếm khoảng 60-65% nhu cầu toàn ngành và ảnh hưởng đến hầu hết các mặt hàng thép thành phẩm. Vì vậy, vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường bất động sản có “rã đông” được hay không, khi nhiều điểm nghẽn vẫn chưa được giải quyết.  

Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết Nghịch lý doanh nghiệp ngành thép kinh doanh ảm đạm, giá cổ phiếu vẫn bật tăng tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan