Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi NATO đối phó Trung Quốc
TCDN - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh cam kết hợp tác với NATO, một ngày sau khi các nước phương Tây đồng loạt áp lệnh trừng phạt Trung Quốc.
Tờ SCMP đưa tin, ngày 23/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại cuộc họp với Ngoại trưởng các nước thành viên NATO: ""NATO nên tập trung vào một số thách thức mà Trung Quốc đặt ra cho trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".
Theo ông Blinken, dù phải đối mặt với bất kỳ thách thức mới nào như vấn đề khí hậu, an ninh mạng, hay sự trỗi dậy của một số quốc gia cũng như thách thức mà các quốc gia đó mang lại, NATO cũng cần hành động "cùng nhau", "hành động tập thể" và "dựa trên an ninh tập thể".
Phát biểu sau cuộc gặp của các Ngoại trưởng NATO, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết các Ngoại trưởng đã nhất trí xây dựng "quan hệ đối tác mới" với các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gồm Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc nhằm "đối phó với những hệ quả từ sự trỗi dậy của Trung Quốc".
Sau cuộc gặp với các Ngoại trưởng NATO, Ngoại trưởng Mỹ sẽ có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 24/3.
Trước đó ngày 23/3, Mỹ, Anh, Canada và EU đồng loạt áp lệnh trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì các vấn đề tại Tân Cương.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiếp tục chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề Tân Cương. Ông Bliken dự kiến sẽ có cuộc họp với các quan chức Liên minh châu Âu (EU) và NATO trong tuần này tại Brussels, Bỉ.
Ngoại trưởng Blinken cho biết động thái áp lệnh trừng phạt Trung Quốc thể hiện cam kết của các nước phương Tây trong việc hợp tác đa phương nhằm thúc đẩy quyền con người và buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
EU ngày 22/3 công bố lệnh trừng phạt đầu tiên nhằm vào 4 quan chức và một tổ chức nhà nước Trung Quốc. Đây là lệnh trừng phạt đầu tiên của EU nhằm vào các quan chức Trung Quốc kể từ năm 1989.
Trung Quốc đã có động thái đáp trả EU ngay lập tức khi áp lệnh trừng phạt đối với 10 cá nhân và 4 tổ chức của EU, bao gồm các nhà ngoại giao, quan chức, học giả và chính trị gia. Nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell cho biết lệnh trừng phạt của Bắc Kinh là "không thể chấp nhận được".
Hà Lan đã triệu tập đại sứ Trung Quốc sau khi Bắc Kinh thông báo lệnh trừng phạt. Nghị viện châu Âu, cùng các Bộ trưởng Đức, Hà Lan, Bỉ và một số nước khác, cũng lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh.
Theo Hãng tin AFP, biện pháp trừng phạt của Trung Quốc đồng nghĩa 10 cá nhân EU trên và gia đình họ bị cấm tới Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau.
Các nhóm nhân quyền và các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho rằng có ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và người thuộc các nhóm thiểu số Hồi giáo khác đã bị đưa vào các trại tập trung ở Tân Cương.
Truyền thông phương Tây gọi đây là các trại cải huấn/cải tạo chính trị, nhưng phía Trung Quốc nói đây chỉ là các trung tâm đào tạo nghề. Bắc Kinh đã bác bỏ các cáo buộc của phương Tây, nói rằng họ đang thực hiện những biện pháp để chống khủng bố và đào tạo nghề tại đây.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899