Người dân Myanmar đua nhau rút tiền và mua hàng sau binh biến

01/02/2021, 16:32

TCDN - Những cây ATM và cửa hàng tạp trở thành nơi tập trung của người dân Myanmar sau khi quân đội binh biến và bắt các nhà lãnh đạo dân sự vào sáng sớm ngày 1/2.

Hôm 1/2, hàng nghìn người dân ở Yangon đã tới các cây ATM để rút tiền. Ngay sau đó, Hiệp hội Ngân hàng Myanmar thông báo rằng các ngân hàng đã đồng ý tạm dừng tất cả dịch vụ trong ngày do kết nối Internet yếu. Các ngân hàng sẽ xin phép ngân hàng trung ương ngừng giao dịch tạm thời, cũng như thông báo thời điểm có thể mở lại dịch vụ.

Mạng điện thoại ở Yangon đã ngắt do một số nhà mạng ngừng hoạt động. Vào buổi trưa ngày 1/2, người dân Myanmar đổ xô đến chợ để mua thực phẩm và nhu yếu phẩm dự trữ.

Những hiện tượng đó xảy ra trong bối cảnh quân đội thực hiện binh biến ở Myanmar và bắt các nhà lãnh đạo đất nước, bao gồm Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.

Người dân Myan xếp hàng trước một chi nhánh ngân hàng ở Yangon để chờ rút tiền vào ngày 1/2. Ảnh: Reuters.

Người dân Myan xếp hàng trước một chi nhánh ngân hàng ở Yangon để chờ rút tiền vào ngày 1/2. Ảnh: Reuters.

Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing đã giành quyền điều hành đất nước và Văn phòng Tổng thống Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong một năm.

Vụ binh biến nổ ra sau nhiều tuần quân đội Myanmar cáo buộc cuộc bầu cử tháng 11/2020 là gian lận. Đảng NLD của bà Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử.

Bà Aung San Suu Kyi có mối quan hệ phức tạp với quân đội. Trước khi lên nắm quyền, bà từng bị quân đội quản thúc tại gia trong 15 năm, và từng được quốc tế ca ngợi vì cuộc đấu tranh bền bỉ cho dân chủ ở Myanmar.

Trong những năm gần đây, sau khi lên nắm quyền kể từ cuộc bầu cử năm 2015, chính bà lại trở thành một trong những tiếng nói lớn nhất bảo vệ cho quân đội trước các cáo buộc quốc tế về chính sách đối với người Hồi giáo thiểu số Rohingya. Từ cuối năm 2017, hàng trăm nghìn người Rohingya đã phải đi tị nạn vì những chính sách phân biệt của Myanmar đối với họ, theo New York Times.

Đến cuộc bầu cử cách đây vài tháng, khi bà vẫn duy trì mức ủng hộ cao và NLD tiếp tục chiếm cảm tình của người dân Myanmar. Các tướng lĩnh đã công khai thể hiện mất kiên nhẫn với chính cơ chế lãnh đạo dân sự mà họ cho phép dựng nên.

Myanmar mới chỉ có lãnh đạo dân sự khoảng gần một thập kỷ nay, sau gần 50 năm dưới chính quyền quân sự. Nền dân chủ non trẻ của họ dựa theo bản Hiến pháp do quân đội soạn thảo, theo đó chia sẻ quyền lực giữa các tướng lĩnh và một chính phủ dân sự.

Nhiều ngày nay, tin đồn về đảo chính đã râm ran ở Myanmar. Hơn chục phái đoàn ngoại giao, bao gồm Mỹ và EU, vào ngày 29/1 đã kêu gọi quân đội và các đảng phái ở nước này “hãy tuân theo các thông lệ dân chủ”.

“Chúng tôi phản đối mọi nỗ lực thay đổi kết quả cuộc bầu cử và ngăn cản quá trình chuyển đổi dân chủ ở Myanmar” các phái đoàn ngoại giao tuyên bố. Nhà sử học Thant Myint-U, tác giả cuốn The Hidden History of Burma, cho rằng mọi người dân Myanmar cần phải “bảo vệ con đường vô cùng hẹp tới dân chủ của Myanmar”.

Nhã Vy/ Reuters
Bạn đang đọc bài viết Người dân Myanmar đua nhau rút tiền và mua hàng sau binh biến tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thaco xuất khẩu 120 xe du lịch Kia sang Myanmar
Ngày 24/12/2019, Thaco đã tiến hành xuất khẩu sang Myanmar 120 xe du lịch Kia Cerato phiên bản Deluxe được sản xuất tại Nhà máy Thaco Kia ở Khu công nghiệp Thaco Chu Lai - Quảng Nam.