Người làm công ăn lương “sắp” đóng thuế TNCN phù hợp thu nhập?

26/04/2022, 11:03

TCDN - Thủ tướng Chính phủ giao ngành Thuế nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng điều chỉnh số lượng và các mức thuế suất thuế TNCN phù hợp với thu nhập chịu thuế, bản chất của từng loại thu nhập, tạo điều kiện đơn giản trong quyết toán thuế cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế.

Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt ra nhiệm vụ cải cách chính sách thuế.

Trong đó, đối với thuế thu nhập cá nhân (TNCN), rà soát bổ sung đối tượng chịu thuế; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng điều chỉnh số lượng và các mức thuế suất phù hợp với thu nhập chịu thuế phù hợp với bản chất của từng loại thu nhập, tạo điều kiện đơn giản trong quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, ngăn chặn các hành vi trốn, tránh thuế; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về miễn, giảm thuế phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn và thông lệ quốc tế.

ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế Toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín.

ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế Toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín.

Hiện nay, thuế TNCN đối với người làm công, ăn lương được chia làm 7 bậc: bậc 1 từ 0 - 5 triệu đồng/tháng thuế suất 0,5%; bậc 2 từ 5 - 10 triệu đồng/tháng thuế suất 10%; bậc 3 từ 10 - 18 triệu đồng/tháng thuế suất 15%; bậc 4 từ 18 - 32 triệu đồng/tháng thuế suất 20%; bậc 5 từ 32 - 52 triệu đồng/tháng thuế suất 25%; bậc 6 từ 52 - 80 triệu đồng/tháng thuế suất 30%; bậc 7 trên 80 triệu đồng/tháng thuế suất 35%.

Thời gian vừa qua, nhiều ý kiến đề xuất cần giảm mức thuế suất ở các bậc tính thuế TNCN đồng thời cho rằng mức giảm trừ gia cảnh là không phù hợp với mặt bằng giá cả nhiều năm nay. Điều này tạo ra sự thiếu công bằng đối với các đối tượng nộp thuế, trong đó có người làm công ăn lương sẽ thiệt thòi hơn cả trong thời kỳ đại dịch Covid-19 do chưa được đề xuất chính sách hỗ trợ nào.

Liên quan đến lộ trình cải cách thuế TNCN và thuế TNDN, ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế Toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín, cho hay thuế TNCN cần nên thay đổi theo hướng đánh thuế đúng đối tượng, đúng bản chất thay vì dựa trên hình thức như hiện nay.

‘Tôi đơn cử như hiện nay nếu lái xe cho công ty vận tải, nộp thuế TNCN theo tiền lương, tiền công nhưng lái xe cho các hãng taxi công nghệ như Uber, Grab lại đánh thuế theo kinh doanh là chưa đúng bản chất và không thống nhất. Đặc biệt cùng một công việc nhưng nếu không đăng ký kinh doanh với tư cách là hộ, cá nhân kinh doanh thì sẽ tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần theo hình thức tiền lương, tiền công, ngược lại thì tính thuế theo thuế suất toàn phần (thu nhập từ kinh doanh) điều này có thể dẫn đến bất bình đẳng về nghĩa vụ thuế và làm méo mó đi bản chất của giao dịch kinh tế”, ông Được dẫn chứng.

thue-tncn-nguoi-lam-cong-an-luong

Cũng theo ông Được, khoảng cách giữa các bậc thuế hiện nay khá dày và chưa phát huy được hết đạo lý của thuế TNCN. Do đó, cần giãn khoảng cách các bậc thuế để tạo sự đồng thuận của người nộp thuế, đặc biệt cần giãn khoảng cách ở bậc 1 và bậc 2 thật lớn để khoan sức dân đối với những đối tượng có thu nhập trung bình sẽ được hưởng lợi. Đồng thời thu hẹp khoảng cách bậc thuế ở các bậc thuế cao nhằm động viên thu ngân sách nhà nước đối với những đối tượng có thu nhập cao, từ đó thực hiện được chính sách phân phối thu nhập.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế Toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín chia sẻ, thuế TNCN hiện nay chia làm 7 bậc là tương đối nhiều nên tính toán phức tạp và khó khăn. Do đó, nên rút ngắn xuống còn 4 - 5 bậc để thuận tiện cho người nộp thuế cũng như cơ quan thuế từ đó giảm chi phí xã hội.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Được cũng cho rằng cần cân nhắc bỏ mức thuế TNCN 35% nhằm tạo sự cạnh tranh giữa các nước trong khu vực để thu hút lao động là chuyên gia có trình độ tay nghề cao đồng thời có thể thu hút nguồn thu khi thuế suất của chúng ta thấp hơn các nước trong khu vực.

Ông Được dẫn chứng: “Một chuyên gia nước ngoài đi làm với cùng điều kiện lao động và cùng mức thu nhập 10.000 USD tại Việt Nam và ở Singapore nhưng tại Singapore thuế TNCN chỉ mức 22% thì họ sẽ lựa chọn Singapore thay vì Việt Nam với mức 35%. Mặc khác, hiện nay cũng có tình trạng chuyên gia nước ngoài được trả thu nhập hai nơi là Việt Nam và nước ngoài. Như vậy, nếu chúng ta giảm mức thuế suất TNCN xuống thấp hơn các nước trong khu vực thì người lao động sẽ có xu hướng chuyển thu nhập về Việt Nam”.

Cuối cùng, Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng thuế TNCN cần được xem xét cẩn trọng về mức giảm trừ gia cảnh, phương pháp xây dựng cũng như các chỉ tiêu xác định sự thay đổi mức giảm trừ gia cảnh… Đơn cử như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thay đổi 5-10% thì chính phủ được phép điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp; mức thu nhập của người phụ thuộc được coi là không có thu nhập là 1.000.000 đồng cũng cần xem xét và mức doanh thu được miễn thuế 100 triệu đồng đối với cá nhân cũng cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế cũng như các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật thuế TNCN hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ (nếu có)… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.

Theo phân tích của Bộ Tài chính, cá nhân có thu nhập dưới 100 triệu đồng/tháng, theo quy định hiện hành số thuế TNCN phải nộp so với thu nhập cũng chưa đến 20%, cụ thể: cá nhân có thu nhập 40 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 6,61%/thu nhập; thu nhập 60 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 11,86%/thu nhập; thu nhập 80 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 15,74%/thu nhập; thu nhập 100 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 18,66%/thu nhập.

Đối với cá nhân có thu nhập ở mức cao trên 100 triệu đồng thì số thuế TNCN phải nộp mới ở tỷ lệ cao hơn 20%/thu nhập, cụ thể: cá nhân có thu nhập 110 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 20,15%/thu nhập; thu nhập 150 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 24,11%/thu nhập...

Về biểu thuế, Bộ Tài chính cho hay, thực tế thực hiện cũng có ý kiến phản ánh cho rằng Biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành là không hợp lý dẫn đến nhiều vướng mắc như: Quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc thấp quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, tăng số lượng phải quyết toán thuế; Thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số lẻ dẫn đến khó nhớ, người nộp thuế khó khăn trong việc tự xác định số thuế phải nộp.

“Về vấn đề này, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu để có điều chỉnh phù hợp khi sửa Luật thuế TNCN”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu rà soát để sửa đổi hoặc bãi bỏ ưu đãi miễn, giảm thuế không còn phù hợp với yêu cầu phát triển, yêu cầu hội nhập quốc tế; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế để áp dụng ổn định trong trung và dài hạn; thực hiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Tôi cho rằng thời gian vừa qua Việt Nam có nhiều ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp nhằm mục đích để kích thích và kêu gọi đầu tư, tuy nhiên những chính sách ưu đãi cũng đã bộc lộ một số bất cập cần xem xét lại để đảm bảo tính trung lập của thuế cũng như các ưu đãi thuế phát huy tác dụng và hạn chế những lạm dụng của chính sách ưu đãi thuế.

Đối với chính sách ưu đãi thuế của doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được sớm ban hành là điều cần thiết để phù hợp với Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017. Đồng thời tạo ra các ưu thế cho sự phát triển của kinh tế tư nhân đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp có nguồn lực và động lực phát triển.

Ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế Toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Người làm công ăn lương “sắp” đóng thuế TNCN phù hợp thu nhập? tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Bộ Tài chính nói về thuế TNCN đối với đội tuyển bóng đá nữ khi giành vé dự World Cup
Theo Bộ Tài chính, trường hợp cá nhân có thu nhập từ nhận tiền thưởng cho giành vé dự World Cup, Liên đoàn bóng đá Việt Nam đảm bảo điều kiện là giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được nhà nước thừa nhận; tiền thưởng theo quy định của Luật thi đua khen thưởng thì không bị tính thuế TNCN.