Người Việt tẩy chay thời trang H&M
TCDN - Trước hành động của H&M liên quan với “bản đồ có đường lưỡi bò”, nhiều người tiêu dùng Việt đã lên tiếng phản đối thậm chí tẩy chay thương hiệu thời trang này.
Làn sóng tẩy chay mạnh mẽ trên cộng đồng mạng
Sau khi rộ lên thông tin về nghi vấn H&M ủng hộ “đường lưỡi bò” khi đăng hình ảnh bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò vi phạm chủ quyền của Việt Nam, làn sóng tẩy chay các sản phẩm này tràn ngập trên mạng xã hội. Trên trang fanpage Facebook chính thức của H&M tại Việt Nam, các bài đăng của hãng đều nhận được hàng chục nghìn lượt phẫn nộ và bình luận phản đối.
Động thái chung của người tiêu dùng là kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của H&M tại Việt Nam. “Nghe bảo H&M chính thức thay đổi bản đồ sau khi nhận phản ánh một chiều. Nếu là sự thật thì tẩy chay ngay. Tôi ủng hộ các thương hiệu địa phương của người Việt vừa rẻ vừa đẹp còn hơn một hãng Tây mà bênh vực vấn đề bản đồ”, chị Lê Tú Quỳnh cho hay.
Trên Fanpage chính thức của H&M Việt Nam, dưới mỗi bài đăng của thương hiệu này là hàng chục nghìn lượt "phẫn nộ" và bình luận phản đối trước động thái mới nhất của H&M liên quan việc thay đổi bản đồ online, có sự xuất hiện của "đường lưỡi bò" phi pháp ở biển Đông mà Việt Nam bác bỏ. Chưa dừng lại ở đó, nhiều người đã thành lập riêng trang, nhóm trên các trang mạng xã hội để bày tỏ sự phẫn nộ, kêu gọi tẩy chay H&M.
Không chỉ phẫn nộ trên mạng xã hội, nhiều người còn rất bức xúc và kêu gọi bạn bè tẩy chay thương hiệu này vì kinh doanh tại Việt Nam nhưng lại không tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Tài khoản Lương Tuấn Phi bình luận tại bài viết trên trang Fanpage của H&M: “Một thương hiệu lớn nhưng không biết phân biệt phải trái đúng sai. Nếu không đính chính lại thông tin xin mời rời khỏi Việt Nam, đừng kinh doanh trên một đất nước mà bạn không tôn trọng chủ quyền”. Lời bình luận này đã nhận được tới 6.800 ý kiến đồng tình, hàng trăm bình luận ủng hộ.
Nhiều trang Fanpage anti H&M được lập ra trên mạng xã hội Facebook và nhanh chóng nhận được sự tham gia của hàng nghìn lượt tham gia như H&M anti với 1,9 nghìn người tham gia.
Thậm chí, cư dân mạng còn đăng tải loạt hình ảnh, video vứt bỏ, cắt nát sản phẩm được cho là mang thương hiệu H&M. Đến nay, hãng này chưa có động thái gì trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông.
Không chỉ H&M, nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng như : Chanel, Louis Vuitton, Gucci, UNIQLO, YSL… bị phát hiện công khai đăng bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp trên website phiên bản tiếng Trung. Chỉ cần vào website phiên bản tiếng Trung của các nhãn hãng này, người dùng dễ dàng bắt gặp phần bản đồ hiển thị định vị cửa hàng ở đầu trang. Chỉ cần thu quy mô của bản đồ ra khu vực châu Á, người xem dễ dàng nhìn thấy hình ảnh “đường lưỡi bò” sắc nét, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Các cửa hàng vắng khách, H&M vẫn im lặng
Làn sóng tẩy chay H&M của người dùng Việt xuất hiện dày đặc khắp mạng xã hội đã “lan” tới chuỗi cửa hàng của thương hiệu này tại Hà Nội. Dịp nghỉ cuối tuần vừa qua, các cơ sở của H&M vắng khách, dù đặt tại các trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất Thủ đô. Tình cảnh này đối lập hoàn toàn với những gì diễn ra trước đó, khi H&M thu hút nhiều khách Việt tới mua sắm trong những dịp khai trương, giảm giá, nghỉ lễ, cuối tuần.
Tại Việt Nam, H&M mở cửa hàng đầu tiên tại TPHCM vào tháng 9/2017. Chỉ 2 tháng sau, H&M tiếp tục mở cửa hàng tại Hà Nội. Tính đến thời điểm hiện tại, H&M đang có 12 cửa hàng tại Việt Nam, gồm 5 cửa hàng ở Hà Nội, 4 cửa hàng ở TPHCM và 3 cửa hàng ở Cần Thơ, Đà Nẵng và Hạ Long.
Sau 4 tháng kinh doanh từ 9/2017, H&M báo doanh thu năm 2017 đạt 227 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10 tỷ đồng. Các năm 2018, 2019, doanh thu lần lượt đạt 763 và 1.116 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng vọt lên 13 và 57 tỷ đồng. Tính trung bình, năm 2019, người Việt chi hơn 3 tỷ đồng/ngày mua sắm đồ H&M. Đến nay, thương hiệu thời trang Thuỵ Điển này có 11 cửa hàng trên cả nước. Dự kiến, cuối tháng 4/2021, H&M có kế hoạch khai trương cửa hàng thứ 12, đặt tại Gia Lâm (Hà Nội).
Tuy có số lượng cửa hàng áp đảo các thương hiệu cùng phân khúc như Zara, Pull & Bear, Stradivarius… nhưng theo số liệu của Cty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), lợi nhuận của H&M vẫn khiêm tốn hơn nhiều so với các đối thủ.
Trên toàn cầu, năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và lượng hàng tồn kho kỷ lục trị giá 4.2 tỷ USD, H&M buộc phải đóng cửa 300 địa điểm, cho thôi việc 16.000 nhân viên. Trước đó, nhiều cửa hàng của thương hiệu này tại Nam Phi bị đập phá, phải đóng cửa do dính bê bối phân biệt chủng tộc.
Chiều 4/4, báo chí đã liên hệ đại diện H&M tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhưng hãng này cho biết chưa có bất cứ bình luận nào về sự việc.
Khủng hoảng toàn cầu
Tuần trước, H&M thành tâm điểm của làn sóng tẩy chay tại Trung Quốc vì một phát ngôn vào năm ngoái trong đó tuyên bố không dùng bông sản xuất tại tỉnh Tân Cương do lo ngại vấn đề nhân quyền. Thương hiệu bán lẻ thời trang nhấn mạnh, làn sóng tẩy chay hiện nay có thể phủ bóng đen lên hoạt động thị trường của họ tại Trung Quốc – nơi vẫn là một trong bốn thị trường hàng đầu của tập đoàn.
Giữa làn sóng tẩy chay, các sản phẩm của H&M nhanh chóng biến mất khỏi các nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Alibaba và JD.com. Vị trí của hơn 500 cửa hàng bán lẻ H&M tại Trung Quốc bị xóa khỏi dịch vụ bản đồ của Alibaba và Baidu - công cụ tìm kiếm hàng đầu Trung Quốc. Chưa hết, các chủ mặt bằng tại ít nhất 6 thành phố cấp thấp đã buộc H&M đóng cửa hàng.
Theo ghi nhận của người dùng ở Bắc Kinh, bất kỳ tìm kiếm nào về H&M ở cả bản đồ Apple trên iPhone hay ứng dụng bản đồ trên Baidu đều không cho ra bất kỳ kết quả nào. Trong khi đó, khi tìm cửa hàng của những đối thủ cạnh tranh với H&M như Uniqlo, các kết quả hiện lên bình thường.
Đặc biệt, khi tìm kiếm trên Google Maps, khoảng 12 địa điểm cửa hàng H&M ở Bắc Kinh và các vùng lân cận đều hiện lên. Dĩ nhiên việc này được truy cập thông qua sử dụng lưới mạng riêng bởi các sản phẩm của Alphabet hiện đều bị cấm tại Trung Quốc.
Không chỉ vậy, H&M liên tục gặp nhiều vấn đề rắc rối. Đầu tiên là việc phải đóng toàn bộ cửa hàng tại Nam Phi vì lỗi quảng cáo phân biệt chủng tộc. Khi đó, H&M đã tung một quảng cáo trong đó có một cậu bé da màu mặc một chiếc áo nỉ chui đầu có in trước ngực dòng chữ "coolest monkey in the jungle" (tạm dịch: "chú khỉ ngầu nhất rừng xanh"). Quảng cáo này thậm chí đã gây nên một làn sóng biểu tình phản đối nhằm vào H&M.
Không những vậy, H&M trong năm 2018 còn chứng kiến tồn kho quần áo kỷ lục lên tới 4,3 tỷ USD do không bán được hàng. Nhiều ý kiến cho rằng, các thiết kế của H&M lỗi thời và không cạnh tranh được với các đối thủ khác trên thị trường.
Đến năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến H&M phải đóng hàng nghìn cửa hàng trên toàn thế giới, chung cảnh ngộ với các hãng thời trang khác.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899