Nhà nước có thể tiếp tục nắm 100% vốn tại EVN

24/02/2023, 09:47
báo nói -

TCDN - Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa trình Thủ tướng Chính phủ về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2021-2025.

evnthapsang201220

Một trong những mục tiêu của đề án là phát triển EVN thành tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi... Đề án lên kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại công ty mẹ và tỷ lệ nắm giữ, thoái vốn tại các đơn vị thành viên. 

Theo đó, công ty mẹ - EVN tiếp tục là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Các đơn vị giữ nguyên tổ chức, cơ chế hoạt động và nằm trong cơ cấu Công ty mẹ - EVN gồm 15 đơn vị. Đó là Công ty Thủy điện Sơn La; Công ty Thủy điện Hòa Bình; Công ty Thủy điện Ialy; Công ty Thủy điện Trị An; Công ty Thủy điện Tuyên Quang; Công ty Phát triển Thủy điện Sê San; Công ty Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát; các Ban Quản lý dự án điện 1, 2, 3; Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Công nghệ EVN; Công ty Mua bán điện; Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin; Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN; Trung tâm Thông tin Điện lực.

Doanh nghiệp do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia; Tổng công ty Điện lực miền Bắc; Tổng công ty Điện lực miền Trung; Tổng công ty Điện lực miền Nam; Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội; Tổng công ty Điện lực TP.HCM; Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Thủ Đức...

Ngoài ra, với Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, đề án đưa ra lộ trình tiếp tục thực hiện các thủ tục cần thiết để thành lập công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia; chấm dứt hoạt động của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia.

Các doanh nghiệp do EVN nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3; Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh - CTCP; Công ty cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3.

Theo Ủy ban Quản lý vốn, việc EVN đề xuất thành lập công ty TNHH MTV giai đoạn này là để đáp ứng tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh Việt Nam và tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về kinh doanh, EVN cho biết, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN lỗ 27.685 tỷ đồng. Nếu chưa được điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, dự kiến năm 2023 EVN sẽ tiếp tục lỗ 71.620 tỷ đồng.

PV
Bạn đang đọc bài viết Nhà nước có thể tiếp tục nắm 100% vốn tại EVN tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan