Nhanh chóng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu giúp tăng thu ngân sách
TCDN - Từ năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% với các công ty lớn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần nhanh chóng đưa ra khung pháp lý, cũng như mức thuế và chính sách ưu đãi để tận dụng được lợi thế từ chính sách này, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Thoả thuận "Thuế tối thiểu toàn cầu" nằm trong không khổ chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS). Việt Nam tham gia BEPS từ năm 2017, đến nay BEPS đã có hơn 140 quốc gia tham gia.
BEPS là hiệp định đa phương nhằm giúp các quốc gia thu hẹp lỗ hổng quản lý thuế quốc tế, giúp ngăn chặn tình trạng lợi nhuận của các công ty đa quốc gia được chuyển đến những vũng lãnh thổ có thuế suất thấp, miễn thuế trong khi thực tế những nơi này có ít hoặc không có các hoạt động kinh tế thực chất. Việc triển khai thực hiện nhanh chóng chương trình hành động BEPS của các nước sẽ đảm bảo môi trường quốc tế bền vững hơn vì lợi ích của tất cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.
BEPS gồm 15 chương trình hành động lớn nhưng Việt Nam chỉ tham gia ở một số cam kết tối thiểu, phù hợp với các nước đang phát triển như: Minh bạch hoá xử lý tranh chấp thuế; trao đổi, chia sẻ thông tin và trong thời gian tới có thể mở rộng đối với thuế giá trị gia tăng, thuế doanh thu, không chỉ thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trụ cột thứ 2 của BEPS là "Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu" đặt ra mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên và ước tính tạo ra khoảng trên 150 tỷ USD thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu hằng năm.
Quy định này là một hệ thống phối hợp về thuế nhằm đảm bảo các công ty đa quốc gia lớn phải trả mức thuế tối thiểu đối với thu nhập phát sinh tại mỗi khu vực pháp lý mà họ hoạt động, chống tình trạng chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế, chống cạnh tranh đầu tư quốc tế bằng biện pháp đua nhau hạ thuế suất cho đến 0% để thu hút đầu tư.
Quy tắc này cho phép các quốc gia được điều chỉnh thuế tối thiểu ở mức 15%. Các doanh nghiệp phải kê khai hoạt động đầu tư quốc tế, nếu mức thuế áp dụng tại các quốc gia mà họ đến đầu tư thấp hơn 15% thì nộp số thuế thiếu về nước đầu tư nơi đóng trụ sở chính, chủ yếu là các nước phát triển xuất khẩu vốn. Điều này giúp vô hiệu hoá chính sách ưu đãi của các "thiên đường thuế".
Theo ông Minh, quy tắc này được lường trước sẽ ảnh hưởng lớn tới cả các nước đang phát triển, thu hút đầu tư như Việt Nam. Tuy nhiên, việc chủ động tham gia BEPS cũng cho phép chúng ta thu thuế tối thiểu của các doanh nghiệp lớn đầu tư ra nước ngoài; mặt khác, ngay cả khi Việt Nam không tham gia thoả thuận thì các nước phát triển, có các tập đoàn đa quốc gia lớn đang đầu tư tại Việt Nam vẫn có quyền đánh thuế tại đó để đảm bảo tuân thủ "Quy tắc Thuế tối thiểu" 15%. Vì vậy, việc Việt Nam có tham gia BEPS hay không thì vẫn chịu tác động từ hiệp định này.
Ngày 15/12/2022, Liên minh Châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch áp thuế suất tối thiểu 15%. Gần đây nhất, ngày 23/12/2022, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua Đạo luật Điều chỉnh Thuế quốc tế, áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024.
Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang rất tích cực, chủ động trước vấn đề này, thậm chí đã có những hành động cụ thể. Những nước đi đầu tư như EU, Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản… đều đã thông qua hoặc đang ráo riết sửa đổi các quy định liên quan để áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu nhằm thu thuế bổ sung từ năm 2024.
Ngược lại, những nước tiếp nhận đầu tư như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… cũng đều đã có các động thái quyết liệt để tìm giải pháp nhằm ứng phó, giữ chân nhà đầu tư trước ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu.
Một trong các giải pháp tối ưu mà các nước đang nghiên cứu áp dụng là cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT). Đây là cơ chế thuế suất tối thiểu nội địa nhằm ngăn chặn việc các quốc gia khác giành quyền đánh thuế và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng đang tích cực khuyến nghị áp dụng cơ chế này.
Cụ thể, khi áp dụng cơ chế QDMT, các nước có thể bảo vệ quyền đánh thuế của mình bằng cách thực hiện việc thu thuế bổ sung bằng chệnh lệch giữa mức thuế tối thiểu nội địa với mức thuế ưu đãi dành cho các công ty con của các tập đoàn đa quốc gia trước khi số thuế này bị nộp về cho chính phủ nơi công ty mẹ đặt trụ sở do thuộc đối tượng áp dụng Thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Tại Việt Nam, ngày 4/8/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 55/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD.
Tại cuộc tiếp ông Park Hark Kyu, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Electronics phụ trách tài chính vào tháng 1/2023, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, hiện nay, Tổ công tác đang được kiện toàn nhân sự để nhanh chóng xây dựng khung pháp lý nội luật về thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, để đảm bảo các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được thực thi hiệu quả.
Chia sẻ về việc nếu Việt Nam chậm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên Nhà đầu tư, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng Việt Nam sẽ có thiệt hại.
Ông Mại dẫn chứng, nếu một tập đoàn của Hàn Quốc đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 7% tại Việt Nam, khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng ở Hàn Quốc năm 2024 mà chưa áp dụng ở Việt Nam, tập đoàn đó sẽ phải nộp ít nhất 8% thuế chênh lệch cho Hàn Quốc, nước đặt trụ sở chính. Như vậy, Việt Nam không thu được phần chênh lệch 8%.
“Tôi tính có khoảng hơn 100 doanh nghiệp phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Như vậy, ngân sách chúng ta sẽ mất vài tỷ USD/1 năm, trong khi tổng thu ngân sách hàng năm chỉ khoảng 100 tỷ USD”, ông Mại nói.
Cũng theo ông Mại, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài muốn Việt Nam thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu càng sớm càng tốt. Vì bất kỳ nước nào thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu trong điều kiện đang áp dụng ưu đãi cho các tập đoàn xuyên quốc gia sẽ phải đàm phán với các tập đoàn này để thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích, và như vậy doanh nghiệp đó có lợi khi Việt Nam và Hàn Quốc thực hiện cùng một thời điểm.
Bên cạnh đó, Chủ tịch VAFIE cũng cho biết, nếu Việt Nam chậm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu môi trường đầu tư cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu đầu tư vào Việt Nam bất lợi vì chưa có thuế tối thiểu toàn cầu, các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng đầu tư sang Indonesia hay Ấn Độ, nơi đã có cơ chế chia sẻ lợi ích liên quan đến quy tắc thuế mới này.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899