Các nước thực hiện thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu thế nào?
TCDN - Bà Annett Perschmann-Taubert, Tax Partner PWC cho hay, các quốc gia và Chính phủ trong khu vực và trên toàn cầu đang phân tích các quy định mới để xác định cách họ có thể thay đổi luật thuế trong nước nhằm giảm đến mức tối thiểu sự tác động của thuế tối thiểu toàn cầu và tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài.
Trung Quốc, nơi đã thu hút được rất nhiều đầu tư nước ngoài trong quá khứ. Chính phủ Trung Quốc đã thành lập một Ủy ban Lập pháp. Ủy ban này đã hoàn tất nghiên cứu các tác động của Trụ cột 2 và dự kiến sẽ sớm đưa ra các biện pháp đối với luật trong nước để giảm thiểu tác động của mức thuế tối thiểu toàn cầu mới.
“Chúng tôi cũng dự đoán rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ đảm bảo tiếp tục thu hút đầu tư bằng cách cung cấp các khoản hỗ trợ khác nhau đối với một số ngành nghề quan trọng và nhạy cảm”, bà Annett Perschmann-Taubert cho hay.
Ở Malaysia, vào cuối tháng 1 năm 2022, Bộ Tài chính Malaysia đã thành lập một nhóm đặc biệt để xem xét các biện pháp nhằm phản ứng với tác động của thuế tối thiểu toàn cầu và xây dựng một lịch trình dự kiến để sửa đổi luật thuế có hiệu lực vào năm 2023.
Ở Hồng Kông, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã công bố kế hoạch trình dự thảo luật mới trong nửa cuối năm 2022 để tiến hành áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Đồng thời, ngài Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng ông ấy sẽ cân nhắc áp dụng thuế tối thiểu nội địa tại Hồng Kông.
Tương tự, Singapore dự định điều chỉnh hệ thống thuế doanh nghiệp và đang xem xét một loại thuế đầu vào, sẽ được sử dụng để nâng mức thuế hiệu quả của nhóm các doanh nghiệp đa quốc gia tại Singapore lên 15%.
Các quốc gia khác trong khu vực, như Thái Lan và Indonesia, cũng đã thành lập các nhóm đặc biệt để nghiên cứu các quy định mới và cân nhắc sửa đổi các quy định về thuế trong nước.
“Các cơ quan thuế và Chính phủ trong khu vực đang tích cực làm việc để đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết các tác động của Các quy tắc Trụ cột 2”, bà Annett Perschmann-Taubert khẳng định.
Chia sẻ về chính sách cần thay đổi khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Nguyên Tham tán kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ cho hay, tại Việt Nam, ưu đãi thuế vẫn là công cụ chính sách chính để thu hút đầu tư nước ngoài, vì vậy khi Trụ cột 2 hạn chế khả năng của các nước dùng công cụ ưu đãi thuế để cạnh tranh vốn đầu tư, các công ty đa quốc gia chịu tác động sẽ xem xét các yếu tố khác ngoài thuế như cơ sở hạ tầng, thị trường, môi trường chính sách, ổn định chính trị, lao động và các biện pháp hỗ trợ khác ngoài thuế để quyết định địa điểm đầu tư.
Xét về các biện pháp hỗ trợ ngoài thuế thì Việt Nam hiện vẫn đi sau các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn độ… Chính sách hỗ trợ của các quốc gia này có xu hướng cụ thể, rõ ràng về tiêu chí và lượng hóa được theo qui mô đầu tư hoặc chi phí đầu tư nên cho phép nhà đầu tư dự báo tốt hơn ảnh hưởng của các biện pháp này đối với hiệu quả đầu tư của họ. Xét trên góc độ các biện pháp hỗ trợ đầu tư là công cụ thu hút đầu tư thay thế ưu đãi thuế thì môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ giảm tính cạnh tranh tương đối dưới ảnh hưởng của Trụ cột 2 so với các nước thực thi tốt chính sách này.
Bà Hiền gợi ý áp dụng thuế suất thuế thu nhập tối thiểu nội địa bổ sung 15% (Domestic Minimum Top-up Tax - DMT) nhằm bảo vệ cơ sở thuế của Việt Nam. Vấn đề này đã được Hồng Kong, Singapore, Thái lan thảo luận, cân nhắc và tuyên bố áp dụng. Việt Nam có thể tham khảo. Cụ thể: bỏ ưu đãi, áp dụng DMT 15% đối với các công ty bị ảnh hưởng; hoặc cho các công ty bị ảnh hưởng tự lựa chọn tiếp tục áp dụng ưu đãi đang có (tức sẽ nộp thuế bổ sung tại nước của công ty mẹ) hoặc không áp dụng ưu đãi và áp dụng DMT 15% tại Việt Nam.
Đây cũng là vấn đề được bà Annett Perschmann-Taubert đưa ra. Theo bà Annett Perschmann-Taubert, các quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc hay thậm chỉ các quốc gia Châu Âu hoặc Mỹ, trước Trụ cột 2, đều đã không chỉ cung cấp ưu đãi thuế để thu hút đầu tư nước ngoài, mà họ còn cung cấp hỗ trợ dưới hình thức cấp tiền mặt. Việt Nam nên xem xét một cách tiếp cận tương tự và thiết kế lại các cơ chế khuyến khích đầu tư của mình để đảm bảo quyền thu thuế, đồng thời giữ được sức hấp dẫn và tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài. Đây cũng là cơ hội tốt để xem xét lại những khoản đầu tư mà quốc gia muốn tập trung.
Đơn cử Trung Quốc đã cung cấp một số hỗ trợ về nghiên cứu và phát triển để thu hút sự phát triển trong các ngành công nghiệp tiên tiến, hoặc họ cung cấp các khoản hỗ trợ cho các công ty để giúp các công ty giảm bớt chi phí về điện của mình. Malaysia cũng cung cấp một số nguồn vốn hoặc các khoản vay ưu đãi nhất định để thúc đẩy công nghệ sinh học. Ấn Độ thì đưa ra các biện pháp khuyến khích liên kết sản xuất để thúc đẩy sản xuất trong nước và thu hút các khoản đầu tư lớn vào sản xuất điện thoại di động.
“Thay vì cung cấp các ưu đãi về thuế, các chính sách hỗ trợ tại Việt Nam có thể được thiết kế để áp dụng trực tiếp cho các mục tiêu của đầu tư, chẳng hạn như hỗ trợ đầu tư vào một số thiết bị, tài sản, nghiên cứu và phát triển, đầu tư vào con người, v.v. và những hỗ trợ này sau đó sẽ trực tiếp mang lại lợi ích cho việc đầu tư cho dù công ty đang ở trong tình trạng lãi hay lỗ. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ đơn giản, rõ ràng và dễ tiếp cận sẽ giúp ích trong việc thu hút các nhà đầu tư và cuối cùng nữa là đóng góp vào sự phát triển lâu dài của đất nước”, bà Annett Perschmann-Taubert khuyến nghị.
Trụ cột 2: hướng tới cạnh tranh công bằng về thuế thu nhập doanh nghiệp giữa các quốc gia. Theo đó, thống nhất đặt ra mức thuế suất tối thiểu cho các tập đoàn toàn cầu là 15% trên cơ sở đối với từng quốc gia. Nghĩa là, nếu một tập đoàn và các công ty con nộp thuế nước ngoài dưới mức tối thiểu, họ sẽ tiếp tục phải nộp khoản chênh lệch so với mức tối thiểu tại chính quốc gia của họ để bảo đảm về cơ sở thuế của mình. Từ đó, việc chuyển lợi nhuận sang các quốc gia khác có mức thuế thấp hơn mức tối thiểu sẽ không còn hấp dẫn với các doanh nghiệp nữa. Mức thuế tối thiểu sẽ được áp dụng cho các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu Euro (868 triệu USD).
(Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Nguyên Tham tán kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)
email: [email protected], hotline: 086 508 6899