Việt Nam cần sớm ban hành thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15%

14/06/2022, 10:57

TCDN - TS. Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, Việt Nam cần sớm ban hành thuế suất thuế TNDN cho doanh nghiệp FDI với mức 15% theo thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.

Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ảnh hưởng tới thu ngân sách

Tại hội thảo: “Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam”, diễn ra sáng 14/6, ông Đặng Ngọc Minh cho biết, Thoả thuận "Thuế tối thiểu toàn cầu" nằm trong không khổ chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS).

BEPS gồm 15 chương trình hành động lớn nhưng Việt Nam chỉ tham gia ở một số cam kết tối thiểu, phù hợp với các nước đang phát triển như: Minh bạch hoá xử lý tranh chấp thuế; trao đổi, chia sẻ thông tin và trong thời gian tới có thể mở rộng đối với thuế giá trị gia tăng, thuế doanh thu, không chỉ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

TS. Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

TS. Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

Trụ cột thứ 2 của BEPS là "Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu" đặt ra mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên và ước tính tạo ra khoảng trên 150 tỷ USD thuế TNDN toàn cầu hằng năm.

Quy định này là một hệ thống phối hợp về thuế nhằm đảm bảo các công ty đa quốc gia lớn phải trả mức thuế tối thiểu đối với thu nhập phát sinh tại mỗi khu vực pháp lý mà họ hoạt động, chống tình trạng chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế, chống cạnh tranh đầu tư quốc tế bằng biện pháp đua nhau hạ thuế suất cho đến 0% để thu hút đầu tư.

Quy tắc này cho phép các quốc gia được điều chỉnh thuế tối thiểu ở mức 15%. Các doanh nghiệp phải kê khai hoạt động đầu tư quốc tế, nếu mức thuế áp dụng tại các quốc gia mà họ đến đầu tư thấp hơn 15% thì nộp số thuế thiếu về nước đầu tư nơi đóng trụ sở chính, chủ yếu là các nước phát triển xuất khẩu vốn. Điều này giúp vô hiệu hoá chính sách ưu đãi của các "thiên đường thuế".

Theo ông Minh, thuế tối thiểu toàn cầu làm giảm hiệu quả ưu đãi thuế cho đầu tư nước ngoài; ảnh hưởng quyết định đầu tư mở rộng hoặc duy trì đầu tư của MNE đang hoạt động tại Việt Nam và các doanh nghiệp vệ tinh khác; giảm tác động đầu tư của các MNE mới đang có kế hoạch vào Việt Nam.

Cùng với đó, chính sách ưu đãi thuế đầu tư nước ngoài giảm hấp dẫn, ảnh hưởng nguồn đầu tư chất lượng cao, quy mô lớn, giảm vị thế cạnh tranh đầu tư và thương mại; ảnh hưởng chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia thu hút doanh nghiệp quy mô lớn, trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã đánh giá tác động cụ thể của trụ cột 2 đối với đầu tư nước ngoài, thu ngân sách nhà nước. Xây dựng lộ trình và kế hoạch hành động. Sửa đổi chính sách thu hút đầu tư, chính sách thuế hiệu quả, đơn giản – chương trình pháp luật.

“Quan điểm của Bộ Tài chính là ở thời điểm hiện tại, Việt Nam cần có tiếng nói để bảo lưu quyền của các nước đang phát triển trong thu hút đầu tư nước ngoài hỗ trợ tăng trưởng kinh tế qua một điều khoản chuyển tiếp”, ông Minh khẳng định.

Theo đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho rằng cần phải điều chỉnh chính sách ưu đãi theo thời gian áp dụng thuế suất 15%, hỗ trợ NCPT (R&D), chi phí được trừ, khấu hao nhanh, cơ chế hoàn thuế GTGT cho đầu tư và xuất khẩu khẩu, ưu đãi tiền thuê đất, tín dụng, đơn giản háo thủ tục để giảm chi phí hành chính, tuân thủ.

Bên cạnh đó, một giải pháp có tính khả thi cao là Việt Nam và các nước đang phát triển - cùng chung hoàn cảnh có thể yêu cầu một điều khoản chuyển tiếp, giãn khoảng thời gian quy tắc có hiệu lực thêm 2-3 năm; song song với đó là các đàm phán song phương giữa Việt Nam và một số quốc gia có hợp tác chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc…

Đặc biệt, ông Đặng Ngọc Minh khẳng định cần phải có đột phá, sớm ban hành thuế suất thuế TNDN tối thiểu, trong nước theo mức 15% bảo vệ nguồn thu thuế TNDN trong nước theo xu hướng chung.

Mong doanh nghiệp FDI đóng thuế tại Việt Nam

Trong khi đó, theo TS Cấn Văn Lực, báo cáo của Bộ Tài chính, số doanh nghiệp FDI báo lỗ lớn nên thuế TNDN toàn cầu ít ảnh hưởng tới Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Lực, khi có hiệu lực, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có một số tác động nhất định (cả tích cực và tiêu cực) tới Việt Nam, cụ thể, việc tham gia triển khai thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế nói riêng.

TS. Cấn Văn Lực.

TS. Cấn Văn Lực.

Ông Lực cho rằng, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nhanh chóng rà soát, đánh giá tác động cụ thể, đề xuất phương án phù hợp: (i) Việt Nam có nên áp mức thuế này hay không? (ii) Có lộ trình, mức thuế nào khác không? (iii) Tổ chức thực hiện thế nào đảm bảo khả thi, hiệu quả và không xảy ra tranh chấp.

“Để không thất thu thuế doanh nghiệp cơ quan thuế cần phải rà soát các chính sách pháp luật", ông Lực nhấn mạnh.

TS Cấn Văn Lực cho hay, Việt Nam cần thay đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài theo 2 phương án: chấp nhận bỏ hết ưu đãi thuế TNDN và áp dụng thuế suất TNDN ở nội địa 15% hoặc cho những công ty bị ảnh hưởng lựa chọn theo hướng tiếp tục hưởng ưu đãi và sẽ nộp thuế tại nước của công ty mẹ.

Phương án chuyên gia Cấn Văn Lực đưa ra cũng là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội thảo như bà Hương Vũ, Tổng Giám đốc YE Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Nguyên Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ.

“Chúng tôi cho rằng nhiều doanh nghiệp FDI tiếp tục lựa chọn phương án 1 nhận ưu đãi thuế TNDN và nộp thuế về công ty mẹ. Nhưng chúng tôi mong muốn doanh nghiệp FDI lựa chọn phương án 2, chấp nhận bỏ hết ưu đãi thuế thu nhập và áp dụng thuế suất TNDN ở nội địa 15%. Để làm được điều đó thì phải thay đổi chính sách theo hướng cho phép doanh nghiệp tăng 1 số chi phí hợp lý như chi phí khấu hao nhanh để họ giảm mức chịu thuế 1 phần nào đó; tăng cường hỗ trợ nhà ở công nhân, quỹ đất sạch, y tế…”, ông Lực nhấn mạnh.

Cũng theo TS Cấn Văn Lực các bộ ngành địa phương nâng cao năng lực quản lý thuế như chống chuyển giá, chống trốn thuế…. Chủ động sửa đổi điều khoản sửa đổi mức thuế.

Lê Thị Nga
Bạn đang đọc bài viết Việt Nam cần sớm ban hành thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

136 quốc gia đạt thỏa thuận về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15%
Theo CNBC, lãnh đạo các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 8/10 đã công bố thỏa thuận mang tính bước ngoặt về thuế doanh nghiệp toàn cầu, sau nhiều năm bất đồng. Theo đó, các quốc gia tham gia thỏa thuận thống nhất mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%.