Nhiều bất ổn trong đấu thầu tại Phòng GD&ĐT thành phố Sơn La
TCDN - Nhiều gói thầu do Phòng GD&ĐT TP Sơn La làm chủ đầu tư có mức tiết kiệm ngân sách hạn hẹp; đấu thầu qua mạng nhưng chỉ có duy nhất một nhà thầu tham dự và dễ dàng được phê duyệt trúng thầu do không có thêm đối thủ cạnh tranh; không công khai ký hiệu nhãn mác của sản phẩm.
Một nhà thầu tham gia và nghiễm nhiên trúng thầu
Tháng 8/2021 tại gói thầu Mua sắm Sách sách giáo khoa, thiết bị lớp 2, lớp 6 phục vụ công tác dạy và học của các đơn vị trường học thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sơn La, năm học 2021-2022, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Full House Việt Nam được phê duyệt trúng thầu với giá 1.065.242.000 đồng (giá gói thầu 1.068.675.000 đồng) theo quyết định số 64/QĐ-GD&ĐT ngày 13/08/2021 do bà Nguyễn Thị Hương Giang - Trưởng Phòng GD&ĐT TP Sơn La ký, tiết kiệm ngân sách chỉ vỏn vẹn 3 triệu đồng.
Điều đáng nói, dù đấu thầu rộng rãi qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhưng sau khi mở thầu chỉ có duy nhất 1 đơn vị dự thầu và dễ dàng được phê duyệt trúng thầu do không có đốI thủ cạnh tranh nào khác khiến tính cạnh tranh bị triệt tiêu.
Trước đó tại gói thầu Mua sắm trang bị sách giáo khoa, thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 théo chương trình giáo dục phổ thông mới năm học 2020-2021 cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập cấp tiểu học trực thuộc thành phố Sơn La, Công ty CP sách và thiết bị trường học Sơn La được phê duyệt trúng thầu với giá 451.432.000 đồng (giá gói thầu 453.738.000 đồng) theo quyết định số 12/QĐ-GD&ĐT ngày 27/01/2021 do bà Nguyễn Thị Hương Giang - Trưởng Phòng GD&ĐT TP Sơn La ký, tiết kiệm ngân sách chỉ vỏn vẹn 2 triệu đồng. Đây vẫn là gói thầu tổ chức qua mạng và chỉ có duy nhất một đơn vị dự thầu rồi nghiễm nhiên được trúng thầu do không có thêm đối thủ nào cạnh tranh nào khác.
Điệp khúc trúng thầu sát giá
Theo khảo sát, nhiều gói thầu do Phòng GD&ĐT TP Sơn La làm chủ đầu tư có mức tiết kiệm ngân sách nhỏ giọt, gần như không đáng kể.
Cụ thể tại gói thầu Mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn cho các đơn vị trường học thuộc phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sơn La năm học 2019 - 2020, Công ty CP thiết bị công nghiệp và giáo dục Đại Phát được phê duyệt trúng thầu với giá 1.475.656.000 đồng (giá gói thầu 1.476.560.000 đồng) theo quyết định số 179/QĐ-GD&DT ngày 18/09/2019 do bà Nguyễn Thị Hương Giang - Trưởng Phòng GD&ĐT TP Sơn La ký, tiết kiệm chưa được 1 triệu đồng.
Tương tự, tại gói thầu Thi công xây dựng công trình Nhà lớp học điểm trường mầm non bản Dầu, xã Chiềng Cọ thành phố Sơn La, Công ty TNHH xây dựng Tiến Đạt Tây Bắc trúng thầu với giá 1.355.227.000 đồng (giá gói thầu 1.360.009.000 đồng) theo quyết định số 09/QĐ-GĐ&ĐT ngày 15/01/2019 của Phòng GD&ĐT TP Sơn La, mức tiết kiệm ngân sách cũng chưa nổi 5 triệu đồng.
Trước đó tại gói thầu Mua sắm Sách giáo khoa, thiết bị dạy học cho các đơn vị trường học thuộc phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sơn La năm học 2018 - 2019, Công ty CP sách và thiết bị trường học Sơn La được phê duyệt trúng thầu với giá 1.474.968.000 đồng (giá gói thầu 1.475.903.000 đồng) theo quyết định số 80/QĐ-GD&ĐT ngày 22/8/2018 do bà Nguyễn Thị Hương Giang - Trưởng Phòng GD&ĐT TP Sơn La ký, tiết kiệm được gần 1 triệu đồng cho ngân sách nhà nước.
Chưa dừng lại, ở gói thầu Mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn cho các đơn vị trường học thuộc phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sơn La năm học 2018 - 2019, Công ty CP thiết bị công nghiệp và giáo dục Đại Phát được phê duyệt trúng thầu với giá 1.472.243.000 đồng (giá gói thầu 1.476.670.000 đồng) theo quyết định số 79/QĐ-GD&ĐT ngày 22/8/2018 do bà Nguyễn Thị Hương Giang - Trưởng Phòng GD&ĐT TP Sơn La ký, tiết kiệm ngân sách khoảng 4 triệu đồng.
Không công khai ký hiệu nhãn mác
Thông tin đăng tải trên cổng đấu thầu quốc gia cho thấy một số gói thầu do Phòng GD&ĐT TP Sơn La làm chủ đầu tư không được công khai nhãn mác của sản phẩm trong gói thầu.
Cụ thể tại gói thầu: Mua sắm trang bị sách giáo khoa, thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 théo chương trình giáo dục phổ thông mới năm học 2020-2021 cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập cấp tiểu học trực thuộc thành phố Sơn La, nhiều thiết bị, sản phẩm cần mua có ký hiệu nhãn mác được đánh theo số thứ tự tăng dần từ TBTT01 đến TBTT034; hay từ SGK001 đến SGK010.
Trong đó đồng hồ bấm dây được ký hiệu nhãn mác là TBTT024, còi là TBTT025. Tuy nhiên, theo một số nhà phân phối, những sản phẩm với nhãn mác như trên không hề tồn tại trên thực tế.
Tương tự, gói thầu Mua sắm Sách sách giáo khoa, thiết bị lớp 2, lớp 6 phục vụ công tác dạy và học của các đơn vị trường học thuộc Phòng GD&ĐT TP Sơn La, năm học 2021-2022 cũng bị che giấu thông tin nhãn mác sản phẩm cung cấp. Theo đó, phần ký hiệu nhãn mác của nhiều sản phẩm thay vì ghi rõ thông số kỹ thuật lại chỉ ghi Việt Nam, trong khi thông tin này đã có ở phần xuất xứ của sản phẩm.
Hành vi che giấu thông tin ký hiệu nhãn mác của sản phẩm cung cấp trong gói thầu có dấu hiệu vi phạm quy định về công khai sản phẩm trong gói thầu.
Cụ thể theo quy định tại Khoản 3, Điều 22, Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 8/9/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính: Đối với mỗi chủng loại hàng hóa, thiết bị trong gói thầu mua sắm hàng hóa, bên mời thầu phải đăng tải các thông tin: Tên hàng hóa; Công suất; Tính năng, thông số kỹ thuật; Xuất xứ; Giá (hoặc đơn giá trúng thầu).
Khoản 3, Điều 17, Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng cũng quy định: "Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa phải công khai chi tiết thông tin vể các hạng mục hàng hóa thuộc gói thầu".
email: [email protected], hotline: 086 508 6899