Nhiều câu hỏi về tiến độ các dự án giao thông tại Thanh Hóa

11/11/2024, 10:49
báo nói -

TCDN - Dự án xây dựng tuyến đường giao thông từ trung tâm xã Dân Quyền đến Quốc lộ 47, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, dù được kỳ vọng sẽ cải thiện hạ tầng giao thông và thúc đẩy kinh tế, hiện đối mặt với nhiều bất cập về tiến độ và quản lý vốn, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân địa phương.

Tiến độ trì trệ 

Dự án kết nối giao thông từ trung tâm xã Dân Quyền đến Quốc lộ 47 là một trong những công trình trọng điểm của huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuyến đường mới không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân mà còn mở ra cơ hội tăng trưởng cho các hoạt động thương mại, dịch vụ tại địa phương, góp phần giảm áp lực cho hạ tầng giao thông hiện có và nâng cao mức sống của người dân trong khu vực.

Dự án hiện nay đang vấp phải nhiều dư luận, đặc biệt về nguồn vốn giải ngân cho dự án.

Dự án hiện nay đang vấp phải nhiều dư luận, đặc biệt về nguồn vốn giải ngân cho dự án.

Dự án được UBND xã Dân Quyền phê duyệt từ năm 2023, sau đó, hợp đồng thi công số 09/2023/HĐ-XD được ký kết giữa UBND xã và Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Trường Thịnh vào ngày 18/09/2023. Theo hợp đồng, dự án sẽ có thời gian thi công 12 tháng, bắt đầu từ ngày 20/10/2023 và dự kiến hoàn thành vào ngày 20/10/2024. Đây là một căn cứ pháp lý quan trọng để triển khai dự án và giúp người dân nắm rõ được tiến độ thực hiện.

Dù vậy, sau một năm kể từ ngày khởi công, dự án gặp nhiều trở ngại trong việc thực hiện và phải gia hạn thêm 2 tháng thông qua phụ lục hợp đồng số 02/2024/PLHĐ-XD ký vào ngày 18/10/2024, nâng thời gian hoàn thành lên ngày 20/12/2024. Việc gia hạn này làm dấy lên nhiều lo ngại về tính khả thi của dự án cũng như sự hiệu quả trong quản lý và thực hiện. Khi một dự án hạ tầng trọng điểm bị trì hoãn, không chỉ là tiến độ xây dựng bị ảnh hưởng mà còn là sự tin tưởng của người dân vào năng lực triển khai của địa phương và khả năng mang lại hiệu quả thực sự của dự án.

Theo ý kiến nhiều hộ dân, Đơn vị thi công đã bỏ dự án từ lâu.

Theo ý kiến nhiều hộ dân, Đơn vị thi công đã "bỏ" dự án từ lâu.

Những bất cập trong quản lý vốn đối ứng và dòng tiền

Dự án được thiết lập với tổng giá trị hợp đồng là 10.534.975.000 đồng, trong đó, UBND xã Dân Quyền đã tạm ứng 3.160.200.000 đồng cho nhà thầu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khối lượng công việc đã nghiệm thu mới chỉ đạt 1.840.525.000 đồng, tương đương khoảng 17,5% tổng giá trị hợp đồng. Điều này cho thấy tiến độ thi công chưa đạt yêu cầu, khiến dư luận lo ngại về năng lực triển khai của đơn vị thi công.

Đặc biệt, trong số tiền tạm ứng 3.160.200.000 đồng, UBND xã mới chỉ thu hồi được 1.000.000.000 đồng, còn lại 2.160.200.000 đồng chưa hoàn ứng được. Tình trạng tạm ứng cao nhưng khối lượng nghiệm thu thấp gây ra sự nghi ngại về tính hợp lý và minh bạch trong quản lý tài chính của dự án. Tỷ lệ vốn đối ứng được tạm ứng vượt quá 30% tổng giá trị hợp đồng, trong khi khối lượng công việc nghiệm thu chỉ đạt gần 1/5, điều này dẫn đến nguy cơ thiếu hụt vốn trong các giai đoạn tiếp theo, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ và chất lượng công trình.

Sự thiếu kiểm soát trong việc sử dụng vốn đối ứng và tình trạng không thu hồi được tạm ứng là những vấn đề quản lý tài chính cần được xử lý triệt để. Nếu không có biện pháp giám sát chặt chẽ và kế hoạch tài chính cụ thể hơn, dự án có thể tiếp tục gặp khó khăn về dòng tiền và rủi ro tài chính tăng cao. Để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của nguồn vốn, việc điều chỉnh trong quản lý vốn đối ứng là cấp thiết nhằm tránh những bất cập tài chính tiếp diễn.

Ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng và đời sống dân sinh

Tuyến đường từ trung tâm xã Dân Quyền đến Quốc lộ 47 không chỉ là một công trình hạ tầng thông thường mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Sự chậm trễ trong quá trình thi công đã gây ra nhiều bất tiện trong đời sống của người dân xã Dân Quyền, làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh, thương mại và sinh hoạt hàng ngày.

Hiện trạng thi công dở dang khiến việc đi lại trở nên khó khăn, tình trạng ngập lụt, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Đặc biệt, đối với các hộ gia đình sống dọc tuyến đường, công trình chưa hoàn thiện cũng gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường do bụi bẩn, tiếng ồn và rác thải xây dựng.

Ban chỉ huy công trình vắng bóng người. Ảnh chụp ngày 07/11/2024.

Ban chỉ huy công trình vắng bóng người. Ảnh chụp ngày 07/11/2024.

Theo anh Lê Trọng Ba, xóm 10, xã Dân Quyền, Triệu Sơn, chia sẻ:  Đoạn đường này dài hơn 1 km, thi công đã hơn một năm nhưng tiến độ lại rất chậm. Mỗi lần chỉ làm được vài tuần là ngừng, rồi máy móc lại bị đưa đi nơi khác, để lại đường sá bụi bặm, lồi lõm. Gia đình anh đã chịu cảnh ngã xe, hàng xóm cũng đã tự nguyện hiến đất làm cống, rãnh, đập bỏ tường rào nhưng công trình vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Theo anh, hiện tại không còn bất cứ máy móc nào trên công trường, làm dở dang rồi bỏ lại khiến bà con vô cùng bức xúc.

Còn Chú Đức, (trưởng xóm 8) xã Dân Quyền, Triệu Sơn, cho biết: "Người dân đã đồng lòng hiến đất để làm hệ thống thoát nước, nhiều gia đình sẵn sàng phá dỡ tường rào, cửa hàng để tạo điều kiện cho công trình. Nhưng cho đến nay, đường sá vẫn tan hoang, không ai ngó ngàng tới. Theo chú, cách đây khoảng nửa tháng vẫn còn vài máy móc ở công trường, nhưng hiện tại không thấy cái nào, công nhân cũng không có mặt. Chú mong chính quyền sớm có biện pháp để hoàn thiện công trình, tránh lãng phí công sức và lòng tin của người dân."

Những tác động này không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn làm gia tăng sự bất mãn của cộng đồng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với các dự án phát triển hạ tầng của địa phương. Để giảm thiểu các tác động tiêu cực này, việc đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình là yếu tố vô cùng quan trọng, giúp người dân an tâm hơn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Trao đổi về vấn đề này với ông Lê Cảnh Tiến – Chủ tịch xã Dân Quyền, ông Tiến cho biết: Hiện nay dự án đang bị chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là vấn đề giải phóng mặt bằng, thời tiết. Còn về khoản vốn tạm ứng, hiện nay phía đơn vị thi công cũng đang tiến hành nghiệm thu giai đoạn hai?

Dự án giao thông từ trung tâm xã Dân Quyền đến Quốc lộ 47 là một công trình có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, với những bất cập trong quản lý vốn và tiến độ thi công, dự án đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Để đảm bảo dự án hoàn thành đúng thời hạn và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, các bên liên quan cần thực hiện các biện pháp quản lý tài chính chặt chẽ, giám sát tiến độ nghiêm ngặt và duy trì tính minh bạch trong suốt quá trình triển khai. Chỉ khi đó, dự án mới có thể thực sự mang lại hiệu quả và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương, đồng thời tạo dựng niềm tin vào các công trình hạ tầng của địa phương.

Lê Doãn Tài
Bạn đang đọc bài viết Nhiều câu hỏi về tiến độ các dự án giao thông tại Thanh Hóa tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thanh Hoá: Sau thanh tra thuế, Công ty S&H Vi Na phải nộp gần 500 triệu đồng
Qua Thanh tra thuế đối với Công ty TNHH S&H Vi Na (Công ty S&H Vi Na) là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài do Công ty TNHH Thương mại SAE-A (Hàn Quốc) góp vốn 100% đóng trên địa bàn huyện Thạch Thành, Cục Thuế Thanh Hóa đã yêu cầu đơn vị này nộp 496.981.888 đồng vào ngân sách nhà nước.
Thanh Hoá 'thúc' giao đất cho dự án Khu đô thị gần 13.000 tỷ đồng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa chỉ đạo các cơ quan giải quyết các vướng mắc, hướng dẫn Công ty Eurowindow Light City hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh trong việc giao đất cho dự án KĐT mới tại xã Hoằng Quang và Hoằng Long, có vốn đầu tư gần 13.000 tỷ đồng.