Nhiều doanh nghiệp lớn ở Nghệ An nợ thuế

19/08/2019, 14:48

TCDN - Theo Cục Thuế tỉnh Nghệ An, tổng nợ thuế đến 31/7/2019 trên 1.585 tỷ đồng, trong đó, có một số doanh nghiệp lớn chây ỳ nộp thuế như Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức nợ 347 tỷ đồng; Công ty Cổ phần xi măng Sông Lam nợ 23,6 tỷ đồng...

Công ty Cổ phần xi măng Sông Lam nợ thuế lên tới 23,6 tỷ đồng - Ảnh: Internet.

Công ty Cổ phần xi măng Sông Lam nợ thuế lên tới 23,6 tỷ đồng - Ảnh: Internet.

Theo báo cáo của Cục thuế tỉnh Nghệ An, nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn có nhiều khó khăn, nhất là công tác thu hồi nợ thuế. Tổng nợ đến 31/7/2019 vẫn còn 1.585 tỷ đồng. Nếu so với nợ thuế đến thời điểm 30/6/2019 (1.512 tỷ đồng) con số này đã tăng 73 tỷ đồng, còn so với ở thời điểm 31/12/2018, nợ thuế đã tăng 508 tỷ đồng.

Dẫn đầu danh sách nộp thuế không không đúng thời hạn là: Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức nợ 347 tỷ đồng; Công ty CP xi măng Sông Lam nợ 23,6 tỷ đồng; Công ty CP xi măng Sông Lam 2 nợ 6,2 tỷ đồng.

Nhưng nhìn chung, hầu hết các khoản thu ở Nghệ An đều đạt khá so với dự toán giao, như thu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trung ương đạt 61%; DNNN địa phương 62%; DN có vốn đầu tư nước ngoài 55%; thu ngoài quốc doanh 61%; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 78%; lệ phí trước bạ 76%; TNCN 74% và cấp quyền khai thác khoáng sản 116%.

Có 5 Chi cục Thuế có số thu đột biến về cấp quyền sử dụng đất là Anh Sơn, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Cửa Lò, Nam Đàn. Nếu tính riêng thu ngoài quốc doanh, thì Chi cục Thuế Cửa Lò, Thanh Chương đạt 87%, Nam Đàn 86% và Tương Dương 81%.

Mục tiêu phấn đấu của Cục Thuế Nghệ An là thu tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong tháng 8, bên cạnh đó  Cục Thuế sẽ triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ DN; theo dõi diễn biến tình hình thu, nắm chắc cácnguồn thu và số lượng người nộp thuế trên địa bàn; phân tích cụ thể nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu theo từng địa bàn, từng lĩnh vực thu, từ đó có giải pháp điều hành phù hợp.

Thời gian qua, Tổng cục thuế đã yêu cầu các cục thuế địa phương đẩy mạnh chống thất thu ngân sách theo các chuyên đề liên quan đến bất động sản, khai thác khoáng sản, ăn uống, xe máy, xăng dầu; đồng thời nghiên cứu cải tiến và triển khai các chương trình chống thất thu mới như quản lý thuế với lưu trú, kinh doanh thương mại điện tử, DN có dấu hiệu chuyển giá.

Ngoài ra, Cục Thuế cũng đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử, dịch vụ thuế điện tử; giám sát chặt chẽ hồ sơ hoàn thuế GTGT, nhất là các trường hợp hoàn thuế do xuất khẩu qua Lào và các đơn vị có phát sinh thuế nhà thầu nước ngoài, thuế GTGT vãng lai ngoại tỉnh để kịp thời đôn đốc các DN thực hiện nghĩa vụ theo quy định.

Hoàng Hà
Bạn đang đọc bài viết Nhiều doanh nghiệp lớn ở Nghệ An nợ thuế tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Hà Nội bêu tên 228 đơn vị nợ thuế, phí
Cục Thuế Hà Nội vừa công khai lại 40 đơn vị nợ 84 tỷ đồng thuế, phí, các khoản liên quan đến đất, tiền phạt và tiền chậm nộp. Trong đó có tới 39 doanh nghiệp nợ 82,7 tỷ đồng thuế, phí, tiền phạt, tiền chậm nộp.
TP. HCM: Hơn 2.400 tỷ đồng nợ thuế liên quan đến đất
“Nợ thuế 6 tháng đầu năm tăng cao tập trung chủ yếu ở ngành xây dựng và bất động sản với số tuyệt đối là hơn 2.400 tỷ đồng, tức chiếm 51,72% tổng nợ có khả năng thu tăng thêm”, đại diện Cục Thuế TP. HCM cho hay.