Nợ thuế hàng chục tỷ đồng, Công ty Đường Bình Định bị đề nghị rút giấy phép
TCDN - Cục Thuế tỉnh Bình Định vừa có công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh yêu cầu thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận, giấy phép hoạt động của Công ty Cổ phần Đường Bình Định do còn nợ đọng tiền thuế.
Theo đó, Cục Thuế Bình Định yêu cầu trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cưỡng chế của cơ quan thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề của Công ty Cổ phần Đường Bình Định hoặc thông báo cho cơ quan thuế về lý do không thu hồi.
Được biết, Công ty Cổ phần Đường Bình Định hiện đang còn nợ đọng trên 25 tỷ đồng tiền thuế.
Đại diện Cục Thuế Bình Định cho biết, Công ty Cổ phần Đường Bình Định là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Công ty này có dự án ở Campuchia nhưng không đưa vào sử dụng được, người dân không bán nguyên liệu cho nhà máy, dẫn đến nhà máy không có nguyên liệu để hoạt động.
Cùng với đó, công ty này cũng xả nước thải gây ô nhiễm môi trường và đã bị UBND tỉnh Bình Định đình chỉ hoạt động, hiện tại giám đốc doanh nghiệp đã bỏ trốn về nước. Đến nay, ngoài nợ tiền thuế, doanh nghiệp này còn nợ lương công nhân, nợ tiền bảo hiểm xã hội khoảng 18 – 19 tỷ đồng.
Liên quan đến ngành thuế, báo cáo mới đây của Tổng cục Thuế cho biết tổng số tiền nợ thuế tính đến 31/7/2019 là 83.158 tỷ đồng, giảm 5,7% (tương đương gần 5.000 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2018; giảm 0,3% so với thời điểm 30/6/2019. Trong đó, tiền nợ thuế đến 90 ngày và trên 90 ngày (tức nợ thuế có khả năng thu) là 44.148 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 53% tổng số tiền nợ, giảm 16,9% (tương đương gần 9.000 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2018.
Các khoản nợ thuế, phí là 16.539 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 20% tổng số tiền thuế nợ, giảm 38,8% (tương đương gần 10.500 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2018. Các khoản nợ liên quan đến đất là 10.931 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,1% tổng số tiền nợ thuế. Các khoản nợ do phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp là 16.678 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,1% tổng số tiền nợ thuế.
Báo cáo cũng cho thấy số tiền nợ thuế không còn khả năng thu hồi (người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) là 39.010 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46,9% tổng tiền nợ thuế, tăng 11,4% (tương đương 3.992 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2018, tăng 0,3% so với thời điểm 30/6/2019.
Tính đến 31/7/2019, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ đọng. Tại thời điểm 31/12/2018 thu đạt 19.440 tỷ đồng, bằng 50,2% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2018, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 12.553 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 6.887 tỷ đồng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899