Nhiều tín hiệu khả quan về tăng trưởng kinh tế 2024
TCDN - Từ kết quả phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê cập nhật kịch bản tăng trưởng trong 2 quý còn lại tương ứng với mức tăng trưởng 6,53% trong quý 3 và 6,61% trong quý 4.
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2024 tăng trưởng tích cực. Sự tăng trưởng GDP vượt trội này được thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau.
Cụ thể, tăng trưởng khá cao lên đến 6,42%, vượt xa dự báo. Tiếp theo là tăng trưởng có xu hướng cao lên qua các quý (quý 1 tăng 5,87%, quý 2 tăng 6,93%). Góc độ tiếp theo chính là tăng trưởng khá đạt ở cả 3 nhóm ngành (nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng 3,38%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,51%, dịch vụ tăng 6,64%).
Không những vậy, chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện. Mức tăng GDP theo giá so sánh với cùng kỳ đạt 175.400 tỷ đồng. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tính theo giá thực tế 1.451.300 tỷ đồng, tăng 6,8%. Tốc độ tăng năng suất lao động tính theo giá so sánh 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6%. Đó cũng là tốc độ tăng khá cao so với cùng kỳ những năm gần đây.
Cùng với đó, cơ cấu kinh tế trong GDP 6 tháng đầu năm nay có sự chuyển dịch so với cùng kỳ (nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm 11,55% so với 11,64%, của công nghiệp - xây dựng là 36,44% so với 36,46%, của dịch vụ là 43,35% so với 43,1%).
Những con số thống kê cũng cho thấy, xét theo sử dụng GDP có sự cải thiện so với cùng kỳ. Tiêu dùng cuối cùng - một khâu còn yếu trong những năm trong và sau dịch Covid-19, thì nay tăng khá (5,78%). Đáng lưu ý là, tích lũy tài sản - tiền đề của đầu tư - tăng tới 6,72%, cao hơn tốc độ tăng GDP.
Xuất siêu hàng hóa tiếp tục ở mức cao (11,63 tỷ USD), đạt được khi xuất khẩu và nhập khẩu tăng và là năm thứ 9 liên tục xuất siêu. Nhập siêu dịch vụ tuy vẫn lớn (4.857 triệu USD), nhưng tính chung cả hàng hóa, dịch vụ thì Việt Nam vẫn xuất siêu. Kết quả này không chỉ góp phần vào tăng trưởng GDP sản xuất trong điều kiện tiêu dùng cuối cùng chưa hoàn toàn hồi phục, mà còn góp phần cải thiện cán cân thương mại, cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát…
Điểm sáng cuối cùng chính là sự vượt trội của tăng trưởng GDP không kéo theo lạm phát, mà lạm phát tiếp tục được kiểm soát (CPI bình quân 6 tháng so với cùng kỳ tăng 4,05%, lạm phát cơ bản chỉ tăng 2,75%).
“Căn cứ diễn biến tình hình thế giới, kết quả hoạt động kinh tế trong nước 6 tháng đầu năm và một số nhận định về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm, và nếu không có biến động lớn, Tổng cục Thống kê cho rằng có khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6-6,5”, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Hệ thống tài khoản quốc gia lạc quan nhận định.
Theo kịch bản tăng trưởng GDP đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, Chính phủ đề ra hai kịch bản điều hành tương ứng với các mức tăng trưởng GDP 6% và 6,5% như mục tiêu Quốc hội giao.
Từ kết quả phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê cập nhật kịch bản tăng trưởng trong 2 quý còn lại tương ứng với mức tăng trưởng 6,53% trong quý 3 và 6,61% trong quý 4.
Kỳ vọng này không chỉ xuất phát từ kết quả tích cực của 6 tháng đầu năm, mà còn xuất phát từ tác động của các yếu tố đối với tăng trưởng GDP trong 6 tháng cuối năm.
Các yếu tố tác động tập trung chủ yếu vào xu hướng cao lên của tốc độ tăng trưởng GDP với nhiều điểm dễ nhận thấy. Rõ nhất là ở đầu vào và sản xuất. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách của một số bộ, ngành, địa phương đạt kế hoạch khá (như Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, các tỉnh Thanh Hóa, Bình Định, Nghệ An, Long An, Vĩnh Phúc, An Giang, Đồng Tháp…); một số bộ, ngành, địa phương tăng so với cùng kỳ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, TP. Hà Nội, Tp.HCM, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa, Đồng Nai, Long An, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Hưng Yên…).
Vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất và tăng khá. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tăng cao nhất so với 2 nguồn (tăng 10,3%). Trong 3 nhóm ngành sản xuất, thì công nghiệp - xây dựng, đặc biệt là công nghiệp chế biến - chế tạo tăng cao nhất. Số doanh nghiệp mới tham gia thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp ra khỏi thị trường, làm cho số doanh nghiệp đang hoạt động trong 6 tháng tăng gần 9.300 doanh nghiệp…
Ở đầu ra, cả 2 bộ phận có xu hướng tăng tốc. Ở trong nước, nhờ đợt tăng lương từ ngày 1/7 với lượng tiền lớn sẽ làm cho thương mại bán lẻ tăng cao, có thể trở lại mức 2 chữ số. Tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu tăng cao trở lại 2 chữ số, đặc biệt là xuất siêu lớn năm thứ 10 liên tiếp. Tác động “cộng hưởng” về tiêu thụ trong nước và xuất khẩu là động lực quan trọng để kinh tế phục hồi và tăng trưởng.
Một yếu tố quan trọng để an tâm và ưu tiên tăng trưởng là lạm phát tiếp tục được kiểm soát; cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục được thặng dư; tỷ lệ thất nghiệp giảm…
email: [email protected], hotline: 086 508 6899