Nhìn lại 30 Năm phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế tại Việt Nam

22/06/2021, 15:30

TCDN - Sau 30 năm đi vào hoạt động, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế tại Việt Nam thời gian qua chưa thực sự bền vững, chưa tạo sự cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường.

8-1

Phát triển nhưng chưa bền vững

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến nay, cả nước đã có 369 khu công nghiệp được thành lập (bao gồm cả các khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu) tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 113,3 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt khoảng 73,6 nghìn ha (chiếm khoảng 65% diện tích đất tự nhiên). Trong số 369 khu công nghiệp được thành lập có 280 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 82,8 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 56,6 nghìn ha, đã cho các nhà đầu tư thuê/thuê lại khoảng 39,8 nghìn ha (đạt tỷ lệ lấp đầy 70,1%) và 89 khu công nghiệp đang xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 30,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 16,3 nghìn ha. Bên cạnh đó, cả nước còn có 26 khu kinh tế cửa khẩu tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới đất liền với tổng diện tích khoảng 766 nghìn ha và 18 khu kinh tế ven biển tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực ven biển, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853 nghìn ha. Việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam thời gian qua đã tạo điều kiện để thu hút một khối lượng lớn vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội nói chung; đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước; tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động; sản xuất nhiều hàng hoá tiêu dùng nội địa và sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh cao... Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Trong đó:

Về vốn đầu tư: Vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế và vốn đầu tư của dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế hiện chiếm khoảng 30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, đối với vốn đầu tư nước ngoài, ước tính trong 10 tháng năm 2020, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước thu hút được 591 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 8,3 tỷ USD. Lũy kế đến nay các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được 10.055 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 198 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 70% vốn đăng ký. Đối với các dự án đầu tư trong nước, trong 10 tháng năm 2020, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước thu hút được 555 dự án với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 125,4 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến nay có 9.845 dự án thuộc các nhà đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 2,34 triệu tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 46% vốn đầu tư.

Về đóng góp cho ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn 2016 - 2019, khu công nghiệp, khu kinh tế nộp Ngân sách nhà nước trên 400 nghìn tỷ đồng. Tại một số địa phương, tỷ lệ thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng trên 60% tổng thu Ngân sách nhà nước của địa phương như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hải Phòng...

Về tạo việc làm, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã tạo việc làm hơn 3,8 triệu lao động trực tiếp, chiếm khoảng 7% lực lượng lao động của cả nước, qua đó góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho các địa phương có khu công nghiệp, khu kinh tế.

Ngoài ra, việc hình thành các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu; phát triển đô thị; thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng; bảo vệ môi trường sinh thái; mở rộng quan hệ đối ngoại… Cùng với đó, việc phát triển mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế cũng góp phần tích cực trong việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích đổi mới thủ tục hành chính.

Mặc dù vậy, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế thời gian vừa qua chưa bền vững, bộc lộ một số tồn tại hạn chế hạn chế như quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế chưa thể hiện rõ được tầm nhìn chiến lược, tổng thể; tại một số nơi quy hoạch và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút đầu tư, chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường; việc tập trung các khu công nghiệp tại một số địa phương, tuyến quốc lộ gây áp lực lớn về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực xung quanh khu công nghiệp; mô hình phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế còn chậm đổi mới so với các nước trên thế giới; chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư và hiệu quả sử dụng đất tại khu công nghiệp, khu kinh tế còn chưa cao. Bên cạnh đó, khu công nghiệp và khu kinh tế phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong và ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế còn thấp so với nhu cầu. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng như số nhà máy xử lý nước thải trong khu công nghiệp mới đạt 88% thấp hơn so với chỉ tiêu đặt ra năm 2020 là 100%. Nhiều địa phương, các quy định về môi trường, công nghệ còn lỏng lẻo, tiêu chí “lấp đầy” được đặt lên hàng đầu để giải quyết lao động thất nghiệp.

Những tồn tại, hạn chế này xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản như các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về khu công nghiệp, khu kinh tế (hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, khung pháp lý cho sự phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế; mô hình tổ chức bộ máy cơ quan đầu mối quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế; sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương; mô hình phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế…) và tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư của các khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt Nam so với các nước khác (chính sách ưu đãi đầu tư, lao động, thủ tục…).

Hướng đi mới cho gian đoạn tới

Các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển tiếp tục coi khu công nghiệp, khu kinh tế là mô hình hiệu quả để phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, các mô hình khu công nghiệp truyền thống hướng đến xuất khẩu và dựa chủ yếu vào ưu đãi về tài chính đang được chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình quản lý tiên tiến; hợp tác, cộng sinh công nghiệp để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên, chia sẻ dịch vụ dùng chung. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy chuyển đổi mô hình sản xuất, hợp tác kinh doanh, chuỗi giá trị toàn cầu; phương thức điều hành, tổ chức và huy động nguồn lực của doanh nghiệp, chuyển đổi doanh nghiệp từ số hóa đơn giản sang hình thức đổi mới sáng tạo dựa trên sự kết hợp nhiều loại công nghệ;… đã và đang đặt ra những yêu cầu mới trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế thời gian qua, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian tới cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hơn nữa thể chế, chính sách và điều chỉnh mục tiêu, định hướng phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế để thích ứng với bối cảnh mới, góp phần đưa Việt Nam trở thành một đất nước phát triển và hiện đại, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực. Trong đó:

Một là, cần hoàn thiện khung pháp lý về khu công nghiệp, khu kinh tế. Theo đó, Chính phủ cần sớm xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế để xác định rõ vị tri, chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của các Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế “một cửa tại chỗ” tại các ban quản lý do chồng chéo giữa các Nghị định chuyên ngành;

Hai là, xây dựng quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế mang tầm nhìn tổng thể. Cụ thể, cần xây dựng bộ công cụ quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế; đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới quy hoạch nhằm xây dựng các mô hình đô thị - công nghiệp, khu dịch vụ - công nghiệp - đô thị, khu công nghiệp sinh thái (tiết kiệm năng lượng, phát thải thấp); tích hợp hệ thống khu công nghiệp với hệ thống đô thị mới và các điểm dân cư công nghiệp trong Quy hoạch tổng thể Quốc gia, Quy hoạch hệ thống đô thị - nông thôn. Bên cạnh đó, quy hoạch sử dụng đất trong khu công nghiệp và khu công nghiệp- đô thị cần đổi mới tạo ra tính chiến lược và linh hoạt phù hợp nhu cầu biến đổi nhanh chóng của thị trường bất động sản công nghiệp;… Ngoài ra, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về Quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế theo hướng phát triển bền vững, hội nhập quốc tế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, bổ sung hướng dẫn quy hoạch thiết kế bền vững về quy hoạch xây dựng khu công nghiệp trong quy hoạch vùng, quy hoạch khu chức năng, quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết 1/500 các khu công nghiệp theo mô hình công nghiệp sinh thái, công nghiệp mới.

Ba là, xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư hấp dẫn để thúc đẩy thu hút đầu tư trong và ngoài nước... Trong đó, việc xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, xây dựng chương trình và kế hoạch xúc tiến đầu tư cần thực hiện thống nhất giữa các tỉnh, thành phố; ưu tiên trọng điểm cho một số nhà đầu tư chiến lược đối với những ngành nghề là lợi thế so sánh của các khu công nghiệp;…

Bốn là, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy việc chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng khu công nghiệp sinh thái cũng như khuyến khích việc thành lập các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái; đa dạng các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

Năm là, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về khu công nghiệp, khu kinh tế ở cả Trung ương và địa phương theo hướng tinh gọn, một đầu mối, đủ thẩm quyền, đủ năng lực để triển các mô hình mới, tiếp cận phương thức quản lý nhà nước hiện đại.

Sáu là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong đó, cần nghiên cứu, rà soát, đơn giản hóa, rút gọn và minh bạch thủ tục hành chính áp dụng trong khu công nghiệp, khu kinh tế; tăng cường phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhằm xây dựng Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế là cơ quan “đầu mối, tại chỗ” với thủ tục hành chính đơn giản; áp dụng chuyển đổi số trong việc quản lý đối với khu công nghiệp, khu kinh tế,…

ThS. Lê Minh Hương

Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính

Tạp chí in số tháng 6/2021
Bạn đang đọc bài viết Nhìn lại 30 Năm phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế tại Việt Nam tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan