Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các khu công nghiệp TP. Hải Phòng

02/06/2021, 10:35

TCDN - Theo Ban Quản lý (BQL) Khu Kinh tế (KKT) Hải Phòng, nhu cầu lao động trong các KCN, KKT tại Hải Phòng liên tục tăng nhanh với mức tăng bình quân 15,7%. Nguyên nhân do số lượng doanh nghiệp đầu tư tại các KCN, KKT ngày càng tăng.

Tóm tắt

Thành phố Hải Phòng xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá chiến lược phát triển. Trong đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo nhân lực có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu của các khu công ghiệp (KCN) có vai trò quan trọng để xây dựng Hải Phòng là thành phố công nghiệp, dịch vụ, đô thị loại I trung tâm cấp quốc gia, một cực tăng trưởng của vùng kinh tế động lực phía Bắc, một trọng điểm phát triển kinh tế biển - đảo. Bài viết đánh giá thực trạng nguồn nhân lực tại các KCN ở TP. Hải Phòng và đề xuất một số giải pháp cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

6-1

Nhu cầu nguồn nhân lực các khu công nghiệp TP. Hải Phòng

Theo quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 01/10/2018 của UBND thành phố Hải Phòng về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp (CCN) thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, năm 2020, diện tích CCN của địa phương sẽ đạt 1.079,62 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN đạt trên 70% diện tích đất công nghiệp. Đến năm 2025, diện tích CCN tăng thêm 297,3 ha, nâng tổng diện tích đất CCN của thành phố lên thành 1.376,62 ha; tỷ lệ lấp đầy các CCN đạt khoảng 80-90% diện tích đất công nghiệp.

Cũng theo quy hoạch, đến năm 2020, đối với CCN đã hình thành, giữ nguyên diện tích đối với 3 CCN đã lấp đầy với tổng diện tích 113,06 ha (CCN Vĩnh Niệm, quận Lê Chân; CCN Tàu thủy An Hồng, huyện An Dương và cụm công nghiệp Tân Liên A, huyện Vĩnh Bảo).

Điều chỉnh, mở rộng diện tích của 6 CCN đã được UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, 1/2.000 và 1/10.000 với tổng diện tích là 291 ha (CCN Quán Trữ, quận Kiến An; CCN thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng; CCN An Lão, huyện An Lão; CCN Kiền Bái - Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên và CCN Dũng Tiến - Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo).

Đồng thời, quy hoạch mới hạ tầng kỹ thuật cho phù hợp với hiện trạng, đưa vào mạng lưới 5 CCN đã được hình thành trước năm 2008 (đã cho nhiều doanh nghiệp thuê đất và đang hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định). Đó là, CCN Đường 355 và CCN Hải Thành, quận Dương Kinh; CCN Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên; CCN An Tràng 1 và CCN An Tràng 2 tại huyện An Lão.

Như vậy, đến năm 2020, thành phố Hải Phòng sẽ quy hoạch mới 12 CCN, với tổng diện tích 456,9 ha; đưa ra khỏi quy hoạch 18 CCN không phù hợp với quy mô và điều kiện phát triển, với tổng diện tích 2,710 ha. Định hướng đến năm 2025, mở rộng diện tích đối với 2 CCN thêm 45 ha là CCN Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên và CCN Tân Trào, huyện Kiến Thụy. Quy hoạch mới 7 CCN với tổng diện tích 252 ha là CCN Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên; CCN An Thọ và CCN Cửa Hoạt - Quán Thắng, huyện An Lão; CCN Tiên Cường I, CCN Tiên Cường III, huyện Tiên Lãng; CCN Nam Am và CCN làng nghề Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo.

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng (HEZA) cho biết, sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, Hải Phòng hiện có 12 KCN đang triển khai đầu tư, xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng. Trong đó, có 8 KCN nằm trong Khu Kinh tế (KKT) Đình Vũ - Cát Hải diện tích 4.175 ha và 4 KCN nằm ngoài Khu kinh tế với diện tích 762 ha.

Các KCN và KKT trên địa bàn thành phố Hải Phòng thu hút được 570 dự án trong và ngoài nước (403 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 17,1 tỷ USD và 167 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 145.885 tỷ đồng tương đương 6,2 tỷ USD). Các dự án đã tạo ra việc làm cho hơn 158.000 lao động, trong đó, lao động Việt Nam là 153.500 người, lao động nước ngoài là 4.500 người. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 10,5 triệu đồng/người/tháng. Theo kế hoạch, thành phố sẽ tiếp tục phát triển mới 15 khu KCN với diện tích 6.418 ha.

Theo Ban Quản lý (BQL) Khu Kinh tế (KKT) Hải Phòng, nhu cầu lao động trong các KCN, KKT tại Hải Phòng liên tục tăng nhanh với mức tăng bình quân 15,7%. Nguyên nhân do số lượng doanh nghiệp đầu tư tại các KCN, KKT ngày càng tăng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động rất lớn như các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn LG tại KCN Tràng Duệ, Công ty Regina Miracle tại KCN VSIP Hải Phòng... Hiện các KCN, KKT Hải Phòng có 288 doanh nghiệp với 122.300 lao động (lao động Việt Nam là 119.745 người; lao động nước ngoài 2.555 người, lao động trong doanh nghiệp FDI là 101.783 người, trong doanh nghiệp trong nước là 17.962 người). Tổng thu nhập bình quân của người lao động trong các KCN, KKT 8,1 triệu đồng/người/tháng.

Tình trạng thiếu lao động, doanh nghiệp phải đi nhiều nơi tuyển dụng diễn ra khá phổ biến. Cũng vì thiếu lao động mà có nhiều người lao động “nhảy việc” từ doanh nghiệp nọ sang doanh nghiệp kia do sự cạnh tranh của các doanh nghiệp, mời gọi người lao động thiếu minh bạch, bình đẳng. Tình trạng thiếu lao động chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa và ở các công ty dệt may, da giày vì không cạnh tranh được với các công ty có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Cũng theo BQL Khu Kinh tế Hải Phòng, nhu cầu lao động ngày càng tăng trong những năm tới nhưng nguồn lao động ngày càng khan hiếm, dẫn tới mất cân đối về cung- cầu lao động. Dự báo đến năm năm 2025 số lao động trong các KCN, KKT là 200.000 người; năm 2030 là 250.000 người. Trong các cuộc làm việc, tiếp xúc với các nhà đầu tư lớn đang tìm hiểu để đầu tư vào Hải Phòng, việc cung cấp lao động luôn được đề cập với sự quan tâm rất cụ thể.

Để tăng cường chất lượng lao động cho các doanh nghiệp của thành phố Hải Phòng nói chung và các KCN nói riêng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp căn cơ nhất nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ tại Kết luận số 72-KL/W ngày 10/10/2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 5/8/2003 của Bộ Chính trị khoá IX "Về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"; Giai đoạn 2016-2020, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một nội dung “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn” trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trong giai đoạn này, chương trình đã đào tạo 263.500 lao động nông thôn các cấp trình độ, có 39.539 người được hỗ trợ đào tạo, đạt 111,4% so với mục tiêu 35.500 người được hỗ trợ tại Quyết định số 1342/QĐ-UBND, Quyết định số 2172/QĐ-UBND; trong đó 27.817 người được hỗ trợ từ chính sách của Quyết định số 1342/QĐ-UBND, 11.722 người được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và các chính sách khác của thành phố.

Trong số 27.817 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo từ ngân sách thành phố, số lao động nữ là 16.801 người, chiếm 60,4% số người được hỗ trợ đào tạo; số học viên đối tượng chính sách được hưởng hỗ trợ tiền ăn là 5.048 người, chiếm 18% số người được hỗ trợ.

Ngoài hỗ trợ đào tạo, người học được hỗ trợ vay vốn từ các chương trình, dự án như: Chương trình tín dụng đối với học sinh - sinh viên, Chương trình cho vay tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm. Chương trình vay vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội, Trung ương Đoàn ủy thác cho Đoàn Thanh niên quản lý; chương trình cho vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố Hải Phòng. Các chính sách này đã góp phần hỗ trợ học sinh sinh viên, thanh niên, lao động nông thôn học nghề, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế và giải quyết việc làm.

Thực hiện Đề án, có 12 cơ sở GDNN được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo với tổng kinh phí 59 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, gồm 02 trường trung cấp nghề, 10 trung tâm dạy nghề (nay là Trung tâm GDNN- GDTX) công lập quận, huyện. Trong đó, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vĩnh Bảo được phê duyệt là Trung tâm Dạy nghề kiểu mẫu, được đầu tư 25 tỷ đồng, Trung tâm được Ủy ban nhân dân huyện giao 9.988 m2 đất để phát triển mở rộng.

Danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng của thành phố Hải Phòng được cụ thể hóa với 182 nghề phi nông nghiệp, 91 nghề nông nghiệp, 04 nghề đào tạo dưới 03 tháng được phê duyệt mức hỗ trợ đào tạo. Trên cơ sở đó các cấp, các ngành, các huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện đưa các chế độ chính sách đào tạo nghề đi vào cuộc sống, 100% đối tượng lao động nông thôn được tiếp cận và hỗ trợ đầy đủ các chế độ, chính sách đào tạo nghề, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đến nay, đã có 3.605 lượt giảng viên, giáo viên, người dạy nghề được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, kỹ năng dạy học, đào tạo kỹ năng thực hành nghề, nghiệp vụ triển khai thực hiện Đề án; 100% Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện có cán bộ thực hiện nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp tuy nhiên hầu hết là công chức kiêm nhiệm, không có chuyên trách theo dõi giáo dục nghề nghiệp.

Có 220 lượt chương trình đào tạo nghề phi nông nghiệp, nông nghiệp được các cơ sở đào tạo xây dựng, chỉnh sửa, biên soạn, phê duyệt. Trong đó, số chương trình đào tạo nghề nông nghiệp là 72 nghề, nghề phi nông nghiệp là 148 nghề. Chương trình đào tạo được cập nhật, chỉnh sửa phù hợp với điều kiện, yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và nhu cầu của người học; thường xuyên cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới. Thực hiện lồng ghép các vấn đề về giới, môi trường, văn hóa xã hội, kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp trong nội dung chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Riêng Trường Trung cấp Khu kinh tế Hải Phòng, triển khai thực hiện Quyết định số 1342/QĐ-UBND ngày 10/8/2010 của UBND thành phố phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành phố Hải Phòng đến năm 2020”, sau 11 năm thực hiện Đề án, đã có 2.220 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề tại Trường, trong đó nghề phi nông nghiệp là 1.100 lao động, nghề nông nghiệp là 1.120 lao động, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt từ 85% trở lên, đặc biệt từ 2015 khi trường được chuyển về Ban Quản lý Khu kinh tế, cơ bản 100% lao động đào tạo nghề phi nông nghiệp được giới thiệu vào làm việc tại các khu công nghiệp, Khu kinh tế qua đó góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực công nghiệp, dịch vụ của huyện Thủy Nguyên từ 71,26% năm 2010 lên 82,84% năm 2020.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực trạng nguồn nhân lực, cách thức tuyển dụng và sử dụng nhân lực tại các doanh nghiệp của Hải Phòng lại đang bộc lộ không ít những hạn chế:

Một là, trên địa bàn Thành phố hiện nay có khá nhiều các cơ sở đào tạo và dạy nghề, tuy nhiên, số cơ sở đào tạo những nghề mà các doanh nghiệp thực sự cần là thiếu, chưa đồng bộ và dàn trải; nội dung đào tạo chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Chương trình đào tạo còn thiếu các kỹ năng chuyên sâu, nhiều nội dung bị coi nhẹ hoặc bỏ qua như tác phong làm việc, kỷ luật lao động, kiến thức pháp luật. Thiếu sự đánh giá thực tiễn trong chương trình, kế hoạch đào tạo dẫn đến nơi thừa, nơi thiếu, gây lãng phí nguồn nhân lực. Công tác đào tạo của nhiều trường đại học, trường chuyên nghiệp nặng về lý thuyết, yếu kém về ngoại ngữ, không sát với thực tế nhu cầu của thị trường lao động.

Hai là, nhiều doanh nghiệp tự tuyển dụng lao động rồi tự tổ chức đào tạo riêng theo tiêu chí của họ cũng là một vấn đề bất cập. Điều này dẫn đến tình trạng tiêu cực và dễ phát sinh mất an ninh trật tự và gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp.

Ba là, sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp còn thiếu gắn kết, tạo nên những khoảng cách lớn giữa đào tạo và thực tiễn. Tình trạng các doanh nghiệp vẫn chưa tin tưởng các học viên tại các cơ sở đào tạo còn phổ biến, khiến cho cơ hội thực tập của học viên tại các doanh nghiệp bị hạn chế…

Một số giải pháp

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực của các KCN tại thành phố Hải Phòng, vấn đề trước tiên cần thực hiện chiến lược liên kết đào tạo và giải quyết việc làm:

Liên kết đào tạo:

- Ban quản lý phối hợp với Hội đồng khoa học thành phố tổ chức khảo sát cơ cấu lao động, quá trình đào tạo lao động tại một số doanh nghiệp có động lao động trong KCX, KCN để đưa ra tiêu chí đào tạo cho phù hợp. Các tiêu chuẩn tuyển chọn của các doanh nghiệp là cơ sở nghiên cứu để các đơn vị đào tạo (các trường Ðại học, Cao đẳng, trường nghề, v.v..) có hướng đào tạo phù hợp cho các doanh nghiệp chuẩn bị cho nhu cầu nguồn nhân lực của KCX, KCN và của cả thành phố Hải Phòng.

- Xây dựng cơ sở liên kết giữa các đơn vị đào tạo nghề của KCX, KCN các Trường Ðại học, Cao đẳng, Trung học Chuyên nghiệp, Trường nghề, v.v.. của thành phố trong việc khảo sát nhu cầu các ngành nghề cần tuyển dụng tại KCX, KCN để từ đó có kế hoạch cho việc đào tạo theo địa chỉ và phù hợp với những tiêu chuẩn mà doanh nghiệp đặt ra như kỹ sư cơ khí, điện tử, kỹ sư về công nghệ thông tin, kỹ thuật viên vi tính, cử nhân ngoại ngữ, quản trị, trung cấp, v.v.. nhằm đào tạo đội ngũ sinh viên có tay nghề để đáp ứng cho các KCX, KCN và các khu vực lân cận. Thực hiện mô hình các doanh nghiệp mà học viên thực tập. Tiến tới thực hiện việc tư vấn và các dịch vụ mang tính pháp lý giữa người lao động và các doanh nghiệp.

- Trong chương trình liên kết đào tạo nghề theo kế hoạch dài hạn, các đơn vị đào tạo phải thường xuyên xây dựng một số chương trình đào tạo nghề có tính chất chiến lược và bền vững, các đơn vị đào tạo một mặt đẩy mạnh công tác dạy nghề. Mặt khác kết hợp nâng cao trình độ học vấn cho người lao động, mở rộng trường nghề, đào tạo nghề có định hướng để phấn đấu đáp ứng khoảng 30% lao động có tay nghề cho các xí nghiệp KCX, KCN trong một vài năm tới.

- Ban quản lý đã thực hiện ký kết chương trình hợp tác với một số địa phương về một số lĩnh vực thu hút đầu tư, môi trường, quản lý lao động, đào tạo nguồn nhân lực, v.v.. Qua chương trình hợp tác này, vấn đề nguồn nhân lực rất được quan tâm, nhất là hiện nay tại thành phố đang khan hiếm nguồn lao động may công nghiệp thuận lợi cho người lao động đỡ tốn chi phí học nghề, trước mắt đào tạo thực hiện chương trình đào tạo qua 2 giai đoạn; Giai đoạn một: các học viên sẽ được đào tạo nghề tại địa phương, giai đoạn 2: Ban quản lý phối hợp với các doanh nghiệp tiếp tục đào tạo và tuyển chọn nếu người lao động đạt yêu cầu.

- Ðặc biệt có chương trình riêng đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt trong KCX, KCN như cán bộ quản lý nhân sự, quản đốc xưởng, chuyền trưởng, tổ trưởng nắm được luật pháp Việt Nam, phong tục tập quán từng quốc gia đầu tư trong KCX, KCN, hiểu biết thêm về một số nét văn hóa của người nước ngoài nhằm tạo mối quan hệ tốt trong công việc, cũng như tạo ấn tượng tốt đẹp giữa các doanh nghiệp với người lao động Việt Nam. Tăng cường và khuyến khích việc dạy và học ngoại ngữ cho lực lượng lao động chủ yếu là tiếng Anh, Hoa, Nhật, Hàn, v.v..

- Thực hiện chương trình đạo tạo một số ngành nghề đặc thù mà hiện nay trong nước chưa đào tạo hoặc chưa có khả năng đào tạo, phải sử dụng chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật nước ngoài.

- Trong hợp tác với người nước ngoài, ngoài việc quan hệ các trường Ðại học Quốc gia ở các nước Tư bản phương Tây, cần Hiết sức chú trọng hợp tác đào tạo với các trường Ðại học, Cao đẳng ở Liên Bang Nga. Ðây là yêu cầu rất chiến lược dài lâu.

Giải quyết việc làm:

- Thiết kế nối mạng hệ thống thông tin thị trường lao động, mà Trung tâm dịch vụ việc làm KCX, KCN thành phố thuộc Ban quản lý là đầu mối tiếp nhận nguồn nhân lực đã qua đào tạo để đáp ứng kịp thời cho các doanh nghiệp KCX, KCN. Qua mạng lưới thông tin kết nối, phân loại số lao động theo các ngành nghề chuyên môn để chủ động trong việc giới thiệu lao động.

- Ban quản lý phối hợp với Sở lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng thông qua việc triển khai công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cho KCX, KCN thông qua hệ thống các Phòng lao động Thương binh và Xã hội tại các Quận, Huyện đặc biệt là các quận huyện có KCX, KCN, qua đó nắm rõ nguồn nhân lực tại địa phương để lập kế hoạch đào tạo theo các ngành nghề phù hợp cho KCX, KCN thành phố. Phòng Lao động Thương binh Xã hội tại địa phương có trách nhiệm rà soát và lập danh sách các đối tượng chưa có việc làm còn trong độ tuổi lao động, bộ đội xuất ngũ để bồi dưỡng văn hóa, đào tạo nghề và các lao động bị mất việc do doanh nghiệp thay đổi công nghệ có cơ hội tìm được việc làm.

- Thông qua các ngày hội việc làm tại thành phố cũng như các tỉnh bạn, làm đầu mối gắn kết giữa Ban quản lý với các cơ quan lao động địa phương có lao động trong độ tuổi làm việc để bổ sung nguồn lao động cho KCX, KCN thành phố.

- Ban quản lý sẽ bàn bạc đề xuất với một số doanh nghiệp KCX, KCN có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động, tiếp nhận lao động chưa qua đào tạo vào công ty để đào tạo lại và chính thức tuyển dụng số lao động này.

Để đạt được kết quả khả quan, tác giả kiến nghị:

- Nhà nước có chính sách phân luồng đào tạo liên thông để tạo ra cơ cấu hợp lý giữa đào tạo nghề với đào tạo Ðại học, Cao đẳng.

- Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép hình thành trường chuyên đào tạo công nhân kỹ thuật cao bên cạnh một số KCX, KCN để đào tạo lao động có trình độ kỹ thuật cung cấp cho các KCX, KCN. Qua đó bồi dưỡng cho các học viên nâng cao kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp và pháp luật lao động trước khi cung cấp cho các doanh nghiệp, đào tạo lao động có chất lượng phù hợp với những doanh nghiệp có sự thay đổi cơ cấu công nghệ. Trong đó có một số giáo viên dạy nghề lấy từ nguồn gốc cán bộ kỹ thuật tại các doanh nghiệp đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý và điều hành công ty sẽ tham gia đào tạo giảng dạy thông qua chương trình liên kết đào tạo giữa đơn vị đào tạo và chủ doanh nghiệp.

- Trong công tác dạy nghề Nhà nước cần quan tâm hơn nữa chất lượng dạy nghề. Hình thành hệ thống đào tạo kỹ thuật thực hành, trung học chuyên nghiệp, trung học nghề để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, trong đó chú trọng phát triển đào tạo nghề ngắn hạn về đào tạo công nhân kỹ thuật. Ðáp ứng nguồn nhân lực cho quá trình phát triển KCX, KCN dự báo có thể từ nay đến năm 2025 sẽ cần đến 200.000 lao động cho KCX, KCN thành phố Hải Phòng.

- Có chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực với trình độ cao phù hợp với cơ cấu kinh tế xã hội của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và hợp tác bình đẳng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ða dạng hóa chương trình đào tạo trên cơ sở xây dựng một hệ thống liên thông đào tạo phù hợp với cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vùng của nhân lực và năng lực của các cơ sở đào tạo.

- Nhà nước quan tâm, trang bị cho các đơn vị đào tạo có những trang thiết bị hiện đại để giúp cho học viên có thể làm quen với công nghệ hiện đại, thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng cho các giáo viên làm công tác dạy nghề kết hợp với đội ngũ chuyên gia ở các doanh nghiệp KCX, KCN để hình thành đội ngũ giảng dạy có trình độ chuyên môn cao đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo.

- Nhà nước có chủ trương khuyến khích các chủ đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm, tiềm lực và trình độ tiên tiến thành lập cơ sở đào tạo 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam để đào tạo nguồn nhân lực cho KCX, KCN nói riêng và thành phố nói chung. Mở các khóa đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ có trình độ khu vực và quốc tế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nhà nước thường xuyên cải cách chương trình đào tạo trong trường nghề, tăng thời lượng giảng dạy các kiến thức xã hội như: luật lao động, luật giao thông, văn hóa ứng xử, kỷ luật công nghiệp, phong tục tập quán lối sống cho các đối tượng lao động. Bên cạnh đó Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng, chính sách giảm miễn thuế, ưu tiên xây dựng quỹ đất xây dựng trường dạy nghề, đổi mới các trang thiết bị máy móc đã cũ kỹ, lạc hậu sao cho phù hợp với quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố và các cơ quan lao động tại địa phương phối hợp với Ngành giáo dục và đào tạo và các đơn vị có liên quan tăng cường khảo sát, phân loại lao động thất nghiệp để nâng cao trình độ học vấn của nhân dân ở khu vực vùng sâu vùng xa, để tạo nguồn bổ sung cho lực lượng lao động thành phố.

Tài liệu tham khảo:

1. UBND thành phố Hải Phòng (2010), Quyết định số 1342/QĐ-UBND ngày 10/8/2010 của UBND thành phố phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành phố Hải Phòng đến năm 2020”.

2. UBND thành phố Hải Phòng (2018), Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 01/10/2018 của UBND thành phố Hải Phòng về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp (CCN) thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

3. https://baodautu.vn/hai-phong-cac-kcn-phan-dau-moi-nam-thu-hut-khoang-5-ty-usd-von-fdi-d137781.html

4. https://haiphong.gov.vn/Chuyen-de/Dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-nam-2020/Dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-phuc-vu-nhu-cau-lao-dong-trong-Khu-cong-nghiep-54612.html

5. https://haiphong.gov.vn/tin-tuc-su-kien/27817-lao-dong-nong-thon-duoc-ho-tro-dao-tao-tu-ngan-sach-thanh-pho-55810.html

6. https://giadinh.net.vn/thi-truong/hai-phong-giai-quyet-viec-lam-song-song-voi-phat-trien-nguon-nhan-luc-20191101144904284.htm

7. http://tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/hai-phong-dao-tao-nhan-luc-co-tay-nghe-cao-124503

8. http://www.hpic.edu.vn/?page=thongbaodetail&idNews=1681

NCS. Phạm Văn Quang

Trường Cao đẳng Công nghệ, Kinh tế và Thủy sản

Tạp chí in số tháng 5/2021
Bạn đang đọc bài viết Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các khu công nghiệp TP. Hải Phòng tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan