Các nhân tố ảnh hưởng đến cho vay doanh nghiệp siêu nhỏ của ngân hàng thương mại

29/05/2021, 10:30

TCDN - Trong nghiên cứu này, các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về hoạt động cho vay DNSN của NHTM sẽ được tổng quan, từ đó tổng hợp các nhân tố có thể ảnh hưởng đến hoạt động cho vay DNSN của các NHTM và chiều hướng tác động của các nhân tố.

4-1

1. Đặt vấn đề

Theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ (DNSN) là các doanh nghiệp thoả mãn các tiêu chí sau (1) DNSN trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng (2) DNSN trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng. Các DNSN là bộ phận chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số doanh nghiệp ở tất cả các nền kinh tế trên thế giới. DNSN có vai trò tích cực trong việc tạo công ăn việc làm, tăng nguồn cung hàng hoá, dịch vụ, thúc đẩy tính cạnh tranh trên thị trường, góp phần xoá đói giảm nghèo. Cùng với doanh nghiệp có quy mô nhỏ, DNSN cũng được coi là “động lực của nền kinh tế”. Tuy nhiên các DNSN còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn tín dụng từ bên ngoài, trong đó có các khoản vay từ Ngân hàng thương mại (NHTM). Điều này tạo ra những hạn chế và thách thức cho sự phát triển của các DNSN. Về phía NHTM, rất nhiều NHTM đã bắt đầu quan tâm đến phân khúc doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ. Tuy nhiên hoạt động cho vay DNSN còn nhiều hạn chế. Hơn thế nữa, doanh nghiêp siêu nhỏ có những đặc điểm riêng biệt so với các nhóm doanh nghiệp khác, vì vậy hoạt động cho vay dành cho đối tượng khách hàng này cũng phải được nghiên cứu và đưa ra được những điểm riêng phù hợp.

Xuất phát từ yêu cầu về học thuật và thực tiễn đó, việc nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động cho vay DNSN của các NHTM là điều cần thiết để có thể đưa ra các giải pháp, khuyến nghị nhằm tăng cường hoạt động cho vay DNSN của các NHTM. Trong nghiên cứu này, các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về hoạt động cho vay DNSN của NHTM sẽ được tổng quan, từ đó tổng hợp các nhân tố có thể ảnh hưởng đến hoạt động cho vay DNSN của các NHTM và chiều hướng tác động của các nhân tố.

2. Tổng quan các nhân tố ảnh hưởng tới cho vay doanh nghiệp siêu nhỏ của NHTM

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động cho vay của NHTM có thể được chia thành các nhân tố vĩ mô, và các nhân tố đặc trưng của NHTM.

2.1. Các nhân tố vĩ mô 

Lạm phát

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lạm phát là một trong những nhân tố vĩ mô có ảnh hưởng tới hoạt động cho vay của NHTM. Tuy nhiên, giữa các kết quả nghiên cứu có sự không đồng nhất về chiều tác động của lạm phát đối với tín dụng ngân hàng. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng lạm phát có tác động ngược chiều tới hoạt động cho vay của NHTM. Có nghĩa là lạm phát tăng sẽ làm giảm khối lượng cho vay của các NHTM. Kết quả này được báo cáo trong các nghiên cứu của Huybens và Smith (1999), Chowdhury (2012). Hơn thế nữa, tác động của lạm phát tới khối lượng cho vay của NHTM cũng có độ trễ. Nghiên cứu của Chowdhury (2012) cho thấy mối quan hệ giữa lãi suất cho vay hiện tại và tỷ lệ lạm phát trong quá khứ. Nếu lãi suất cho vay thương mại không được điều chỉnh theo sự thay đổi của lạm phát thì tỷ lệ hoàn vốn thực tế sẽ giảm. Tuy nhiên, cũng có nghiên cứu chỉ ra rằng lạm phát cao sẽ làm tăng khối lượng cho vay danh nghĩa của NHTM (quan hệ thuận chiều), nhưng lại gây bất lợi cho tăng trưởng tín dụng thực tế (Stepanyan và Guo, 2011).

Tăng trưởng kinh tế

Jiménez và cộng sự (2017) đồng ý rằng có sự liên quan giữa tăng trưởng kinh tế và hoạt động cho vay của ngân hàng. Hai tác giả lập luận rằng trong giai đoạn nền kinh tế bùng nổ, các ngân hàng đánh giá cao khả năng thành công của các dự án đầu tư và khả năng trả nợ của khách hàng. Vì vậy các ngân hàng thường tăng trưởng tín dụng rất nhanh và đánh giá quá cao chất lượng các khoản cho vay của mình. Hơn thế nữa, kinh tế bùng nổ thường kéo theo cơn sốt bất động sản cũng là một lý do nữa giải thích cho việc tín dụng ngân hàng tăng lên trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng. Kết luận này phù hợp với kết luận trong nghiên cứu của (Sharma và Gounder, 2012), theo đó các chu kỳ kinh doanh có ảnh hưởng lớn đến sự sẵn có của các khoản tín dụng. Việc cung cấp tài chính có xu hướng giảm dần trong giai đoạn chính sách tiền tệ bị thắt rất chặt. 

Ngược lại với các kết luận trên Akinlo và Oni, 2015 khi nghiên cứu của hai tác giả trên chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế có tác động ngược chiều tới tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, 2 tác giả cũng đã lý giải rằng sự khác biệt trong kết quả của mình so với các nghiên cứu khác có thể xuất phát từ bối cảnh nghiên cứu. Nghiên cứu được thực hiện với các số liệu của Nigeria, một quốc gia mà xuất khẩu dầu chiếm tỷ trọng chính của GDP. Giá trị gia tăng trong khu vực sản xuất này là cực kỳ thấp và có ít liên kết với các phân ngành khác. Vì vậy, tăng trưởng GDP có thể không nhất thiết kéo theo tăng trưởng tín dụng cao hơn trong nền kinh tế.

2.2. Các nhân tố đặc trưng của ngân hàng

Quy mô của NHTM

Quy mô của NHTM cũng có thể có ảnh hưởng tới hoạt động cho vay doanh nghiệp siêu nhỏ của NHTM. Nhiều nghiên cứu cũng đã được thực hiện để đánh giá về tác động của quy mô ngân hàng đối với số tiền cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ. Avery và Samolyk (2004); Berger và cộng sự (2004), Peek và Rosengren (1998); Sapienza, (2002) đã kết luận rằng các ngân hàng lớn hơn ít có khả năng cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ hơn là các ngân hàng có quy mô nhỏ. Lập luận chính cho điều này là các ngân hàng nhỏ có thể cho vay các doanh nghiệp nhỏ với chi phí thấp hơn các ngân hàng lớn. Nếu các ngân hàng lớn chịu chi phí cao hơn khi thực hiện các khoản vay cho khách hàng đã có sẵn quan hệ vay, thì các ngân hàng mới được hình thành từ việc sáp nhập hoặc mua lại sẽ cung cấp ít khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ hơn sau khi hợp nhất.

Tuy nhiên có những nghiên cứu chỉ ra tác động thuận chiều của quy mô ngân hàng tới xu hướng cho vay khách hàng doanh nghiệp nhỏ của các NHTM. Berger và Black (2011) cho rằng các NHTM nhỏ có thể có lợi thế so sánh khi cho vay theo kỹ thuật cho vay dựa trên quan hệ. Tuy nhiên lợi thế này lại phát huy tốt nhất khi cho vay các doanh nghiệp lớn chứ không phải cho các doanh nghiệp nhỏ. Theo hai tác giả, các ngân hàng nhỏ có thể không vượt trội hơn trong việc cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ.

Nợ xấu

Thông qua việc tổng quan các công trình nghiên cứu trước đây, tác giả nhận thấy ảnh hưởng của nhân tố nợ xấu tới hoạt động cho vay doanh nghiệp nhỏ chưa được các nghiên cứu xem xét và đánh gía. Chủ yếu nhân tố nợ xấu được xem xét trong các nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động cho vay nói chung của NHTM. Theo đó, sức khoẻ của một NHTM có thể được đo lường bằng tỷ lệ nợ xấu của NHTM đó. Khi sức khoẻ của NHTM bị suy yếu, khả năng cho vay của NHTM có thể bị giảm sút so với giai đoạn NHTM có chỉ số an toàn tài chính vững vàng. Lập luận này đã được Fukuda và cộng sự (2006) nghiên cứu thông qua việc tìm hiểu những gì tác động đến tình trạng tài chính suy yếu của các ngân hàng ở Nhật Bản. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ an toàn vốn pháp định và tỷ lệ nợ xấu có tác động ngược chiều đến việc cho vay của NHTM. Amidu (2014) cho rằng tỷ lệ nợ xấu cao trên bảng cân đối kế toán ngân hàng sẽ không khuyến khích việc cung cấp tín dụng của ngân hàng, do đó nó gián tiếp làm giảm khối lượng cho vay của ngân hàng.

Khả năng sinh lời của NHTM

Lợi nhuận của ngân hàng có thể là một động lực để các ngân hàng mở rộng các khoản vay của họ sang các doanh nghiệp siêu nhỏ. Kết quả này tương tự với nghiên cứu của (Mousa và Chedia, 2016). Do đó, nghiên cứu dự kiến sử dụng khả năng sinh lời của NHTM làm biến giải thích trong mô hình. 

Mức độ thanh khoản của NHTM

Dự trữ của NHTM càng dồi dào thì khả năng thanh khoản của NHTM càng tốt, nhưng ngược lại sẽ làm giảm nguồn vốn có thể cho vay của các NHTM. Vì vậy mức độ thanh khoản có thể là một nhân tố tác động tới việc cho vay doanh nghiệp siêu nhỏ của NHTM. Kết quả này cũng nhận được sự ủng hộ bởi các công trình nghiên cứu của Abdul Karim và cộng sự (2011; Aisen và Franken (2010); Pilbeam (2018); Rabab’ah (2015); Sarath (2015). Dựa trên các bằng chứng thực chứng tại các quốc gia châu Á, Rabab'ah (2015) đã chỉ ra rằng việc giữ thanh khoản ở mức cao làm giảm khả năng cho vay của các NHTM. Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Sarath (2015) khi nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động cho vay của các NHTM Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ thanh khoản cao sẽ có tác động nghịch chiều tới việc cho vay của NHTM.

Tuy nhiên, một số công trình nghiên cứu lại cho kết quả trái ngược. Nghiên cứu thực chứng của Aisen và Franken (2010) về hoạt động tín dụng của các NHTM trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã cho thấy những NHTM mà phải đối mặt với khả năng mất thanh khoản thì cũng mất khả năng gia tăng các khoản cho vay. Kết quả này cũng tương đồng với nghiên cứu của Abdul Karim và cộng sự (2011). Sử dụng số liệu các NHTM ở Malaysia từ năm 1913 đến năm 2008, tác giả đã cho thấy bằng chứng rằng thanh khoản của NHTM ảnh hưởng tới việc cung cấp các khoản vay của NHTM.

Khả năng huy động vốn của NHTM

Tương tự như đã phân tích ở trên, NHTM càng huy động được nhiều vốn thì khả năng cho vay của NHTM càng tốt hơn vì hoạt động cho vay chỉ có thể thực hiện được khi các NHTM có thể huy động được đủ số lượng vốn cần thiết từ các khách hàng của mình. Do các NHTM phụ thuộc chủ yếu vào các khoản tiền gửi, vì vậy huy động vốn từ tiền gửi và khả năng cho vay của NHTM có mối quan hệ với nhau: Khi lượng tiền gửi tăng lên, dư nợ cho vay của NHTM cũng tăng lên hay nói cách khách sự tăng lên của lượng tiền gửi của NHTM sẽ làm tăng khả năng cho vay của NHTM (Ayieyo, 2016; Sharma và Gounder, 2012).

Cấu trúc sở hữu của NHTM

Đã có khá nhiều công trình nghiên cứu ảnh hưởng của cấu trúc sở hữu tới hoạt động cho vay của các NHTM. Kết quả của các nghiên cứu này khá trái ngược nhau. Nghiên cứu thực chứng của (Sapienza, 2002) đã cho thấy vai trò của các NHTM tư nhân trong việc cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của (Noth, 2011) tại các NHTM ở Đức lại cho thấy kết quả trái ngược. Kết quả nghiên cứu cho thấy các NHTM quốc doanh lại có vai trò lớn hơn các NHTM tư nhân trong việc cung cấp tín dụng cho các DN vừa và nhỏ. Vai trò của các NHTM thuộc sở hữu nhà nước trong việc cho vay DN nhỏ và vừa cũng được chứng minh tại Việt Nam qua nghiên cứu của (Nguyen và Wolfe, 2016).

Mức độ tập trung thị trường của NHTM

Có hai giả thuyết trái ngược nhau về ảnh hưởng của mức độ cạnh tranh giữa các ngân hàng tới hoạt động cho vay DN vừa và nhỏ. Một số nghiên cứu cho rằng các NHTM có sức mạnh thị trường tạo ra nhiều khoản vay cho các DN vừa và nhỏ hơn so với các NHTM khác. Lý do được đưa ra là việc cho vay các DN vừa và nhỏ thường đòi hỏi người ngân hàng và người đi vay phải xây dựng mối quan hệ lâu dài. Tuy nhiên, các NHTM chỉ có thể duy trì chi phí để bắt đầu mối quan hệ với các DN này khi sức mạnh thị trường cho phép họ có thể bù đắp chi phí ở các giai đoạn sau nếu khoản vay thành công (Cetorelli, 2001). 

Tuy nhiên, hướng nghiên cứu của (Cetorelli và Strahan, 2006) lại cho rằng tại các thị tường có mức độ tập trung thị trường cao, hay nói cách khác là có mức độ cạnh tranh thấp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận tín dụng so với các thị trường mà ngân hàng cạnh tranh hơn. Nghiên cứu của (Cetorelli và Strahan, 2006) cho thấy sức mạnh thị trường có thể làm giảm sự gia nhập thị trường của các công ty nhỏ. Các ngân hàng có sức mạnh thị trường sẽ sẵn sàng cho vay đối với những khách hàng đã có của họ hơn là những người đi vay mới.

Kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy có 2 nhóm nhân tố có tác động tới hoạt động cho vay của NHTM: Nhóm nhân tố vĩ mô và nhóm nhân tố thuộc về NHTM. Nhóm nhân tố vĩ mô bao gồm chu kỳ kinh doanh, chính sách tiền tệ được chứng minh thông qua các nghiên cứu của Barajas và Stein (2002), Jiménez và cộng sự (2017). Trong khi đó các nhân tố thuộc về bản thân NHTM bao gồm quy mô ngân hàng, sức mạnh thị trường của NHTM, nợ xấu, tính thanh khoản, khả năng sinh lời của NHTM được chứng minh qua các công trình nghiên cứu của Avery và Samolyk (2004); Berger và cộng sự (1998); Cetorelli (2001); Cetorelli và Strahan (2006); Padilla-Pérez và Fenton Ontanon (2014); Peek và Rosengren (1998); Sapienza (2002).

3. Kết luận

Nhìn chung kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy có 2 nhóm nhân tố có tác động tới hoạt động cho vay của NHTM: Nhóm nhân tố vĩ mô và nhóm nhân tố thuộc về NHTM. Nhóm nhân tố vĩ mô bao gồm chu kỳ kinh doanh, chính sách tiền tệ được chứng minh thông qua các nghiên cứu của Barajas và Stein (2002), Jiménez và cộng sự (2017). Trong khi đó các nhân tố thuộc về bản thân NHTM bao gồm quy mô ngân hàng, sức mạnh thị trường của NHTM, nợ xấu, tính thanh khoản, khả năng sinh lời của NHTM được chứng minh qua các công trình nghiên cứu của Avery và Samolyk (2004); Berger và cộng sự (1998); Cetorelli (2001); Cetorelli và Strahan (2006); Padilla-Pérez và Fenton Ontanon (2014); Peek và Rosengren (1998); Sapienza (2002). Tuy nhiên kết quả nghiên cứu thực chứng lại cho thấy những tác động trái chiều nhau. Sự khác biệt này có thể giải thích bằng sự khác nhau của thể chế chính sách, đặc điểm văn hoá xã hội, đặc điểm nền kinh tế ở các mẫu nghiên cứu khác nhau. Do đó việc kiểm định và đánh giá tác động của các nhân tố này tại Việt Nam là cần thiết để tìm ra các nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động cho vay DNSN của các NHTM Việt Nam. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở, căn cứ để có thể đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm tăng cường, phát triển hoạt động cho vay DNSN của các NHTM tại Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Abdul Karim, Z., Azman-Saini, W. N. W., & Abdul Karim, B. (2011). Bank Lending Channel of Monetary Policy: Dynamic Panel Data Study of Malaysia. Journal of Asia-Pacific Business, 12(3), 225-243. https://doi.org/10.1080/10599231.2011.570618

2. Aisen, A., & Franken, M. (2010). Bank credit during the 2008 financial crisis: A cross-country comparison. IMF Working Papers, 1-25.

3. Akinlo, A. E., & Oni, I. O. (2015). Determinants of bank credit growth in Nigeria 1980-2010. European Journal of Sustainable Development, 4(1), 23.

4. Amidu, M. (2014). What Influences Banks Lending in Sub-Saharan Africa? Journal of Emerging Market Finance, 13(1), 1-42. https://doi.org/10.1177/0972652714534022

5. Avery, R. B., & Samolyk, K. A. (2004). Bank consolidation and small business lending: The role of community banks. Journal of Financial Services Research, 25(2), 291-325.

6. Ayieyo, J. O. (2016). Determinants Of Lending Behavior In Selected Commercial Banks In Kenya. International Journal of Economics, Commerce and Management, 14(9), 767-782.

7. Barajas, A., & Stein, R. (2002). Credit Stagnation in Latin America.

8. Berger, A. N., & Black, L. K. (2011). Bank size, lending technologies, and small business finance. Journal of Banking & Finance, 35(3), 724-735.

NCS. Lê Vân Chi

Viện Ngân hàng Tài chính - Đại học Kinh tế quốc dân

Tạp chí in số tháng 5/2021
Bạn đang đọc bài viết Các nhân tố ảnh hưởng đến cho vay doanh nghiệp siêu nhỏ của ngân hàng thương mại tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan