Tình hình trích và sử dụng Quỹ khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp ở nước ta hiện nay

27/04/2021, 15:15

TCDN - Sự chênh lệch về vốn đầu tư cho phát triển KH&CN với các nước tiên tiến cũng là một thách thức lớn cho nền KH&CN Việt Nam. Vậy đâu là thực trạng chung về tình hình trích và sử dụng Quỹ KH&CN tại doanh nghiệp ở nước ta hiện nay?

3-1

Việc đầu tư phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) ở nước ta trong những năm gần đây đã có nhiều bước tiến mới, Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp chú trọng đầu tư cho nghiên cứu phát triển, tuy nhiên mới chỉ đạt 2% tổng chi NSNN - đây là một con số thấp so với nhu cầu của hoạt động KH&CN. Ở các nước đã phát triển, việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển KH&CN, đặc biệt là các sản phẩm khoa học ứng dụng luôn đạt từ 3-5% NSNN. Sự chênh lệch về vốn đầu tư cho phát triển KH&CN với các nước tiên tiến cũng là một thách thức lớn cho nền KH&CN Việt Nam. Vậy đâu là thực trạng chung về tình hình trích và sử dụng Quỹ KH&CN tại doanh nghiệp ở nước ta hiện nay? Tác giả đưa ra các số liệu và nhận định về thực trạng theo các số liệu thống kê từ Tổng cục thuế và các phiếu khảo sát các doanh nghiệp.

1. Đánh giá tổng thể

- Dựa vào số liệu thống kê của Tổng cục thuế:

+) Số doanh nghiệp có trích lập Quỹ KH&CN giai đoạn từ 2011-2019 là: 662 doanh nghiệp, số tiền trích: 21.961 tỷ đồng. (Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước là 780.107 doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp trích lập Quỹ KH&CN là 0,085%).

+) Số doanh nghiệp có sử dụng Quỹ KH&CN là: 142 doanh nghiệp, số tiền sử dụng: 6.605 tỷ đồng. (Doanh nghiệp không trích mà có số sử dụng là 13 doanh nghiệp, do các doanh nghiệp này có số nhận điều chuyển Quỹ KH&CN với số sử dụng là 1.663 tỷ đồng; Doanh nghiệp sử dụng trên số Quỹ KH&CN trích là 129 doanh nghiệp, số tiền sử dụng 4.942 tỷ đồng, số tiền Quỹ KH&CN của 129 doanh nghiệp trích là 16.658 tỷ đồng, tỷ lệ sử dụng trên số trích là 19,48% số doanh nghiệp và 29,67% số tiền sử dụng trên số trích của 129 doanh nghiệp).

+) Số doanh nghiệp trích nhưng không sử dụng Quỹ KH&CN là: 533 doanh nghiệp, số tiền trích tương ứng của các doanh nghiệp này là: 5.303 tỷ đồng (bằng 80,51% số doanh nghiệp và 24,15% số tiền).

- Nhận xét:

+) Với những chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với việc trích lập Quỹ KH&CN trong mục tiêu phát triển đất nước thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng KH&CN trong sản xuất kinh doanh thì qua 13 năm từ khi chính sách về Quỹ KH&CN được ban hành (Quyết định số 36/2007/QĐ-BTC) thì số doanh nghiệp trích lập Quỹ KH&CN là quá thấp trên số doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay. Điều đó cho thấy đa số các doanh nghiệp vẫn hoạt động theo hướng truyền thống mà chưa tìm hiểu cũng như chưa thực sự chú trọng vào việc đầu tư đổi mới KH&CN.

bai3_bang1

+) Về tổng số trích Quỹ KH&CN qua các năm luôn lớn hơn số sử dụng rất nhiều và đến năm 2018, 2019 thì số sử dụng đã tăng lên và bằng ½ số trích lập về số tương đối; tuy nhiên về số tuyệt đối số Quỹ KH&CN chưa được sử dụng vẫn lớn hơn 1.500 tỷ. Điều này cho thấy hiệu quả sử dụng Quỹ KH&CN là thấp kém, doanh nghiệp chưa thực sự hiểu về mục đích thật sự của các ưu đãi về thuế đối với Quỹ KH&CN để nhằm khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học chứ không phải là công cụ để trốn thuế.

+) Số lượng doanh nghiệp trích Quỹ KH&CN nhưng có sử dụng rất thấp cả về số lượng doanh nghiệp và số tiền sử dụng trên tổng số tiền trích qua các năm. Trong đó, qua số liệu thống kê có thể thấy, có rất nhiều doanh nghiệp hiện trích nhưng chưa sử dụng là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến khoa học và công nghệ nên việc đổi mới KH&CN là hết sức cần thiết và thường xuyên.

Tóm lại, qua số liệu tổng thể thấy các doanh nghiệp có trích Quỹ KH&CN nhưng lại chưa quan tâm đến việc sử dụng Quỹ KH&CN để đổi mới KH&CN, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm và tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

2. Phân tích các doanh nghiệp lớn

Căn cứ số liệu thống kê, việc trích lập Quỹ KH&CN chủ yếu tập trung vào 10 doanh nghiệp lớn như bảng 2.

Bai3_bang2

Tổng số trích lập qua các năm của 10 doanh nghiệp trên là 16.099 tỷ đồng trên tổng số trích lập là 21.961 tỷ đồng, chiếm 73,3% tổng số trích lập quỹ của cả nước. Tỷ lệ trích lập trung bình của các doanh nghiệp trên là 3% thu nhập tính thuế hàng năm. Tuy nhiên, trong 10 doanh nghiệp trích lập Quỹ KH&CN lớn thì chỉ có 6/10 doanh nghiệp là có sử dụng Quỹ KH&CN qua các năm (4/10 doanh nghiệp dù trích lớn nhưng chưa sử dụng Quỹ, cụ thể là: TCT Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi, Ngân hàng thương mại cổ phần Á châu, 4 doanh nghiệp này có số trích là 2.149 tỷ đồng), 6 doanh nghiệp còn lại có tổng số sử dụng qua các năm là 3.939 tỷ đồng trong khi số Quỹ KH&CN được trích lập tương ứng là 13.949 tỷ đồng (chênh lệch 10.010 tỷ đồng và số Quỹ KH&CN sử dụng chỉ bằng 28,24% số trích lập).

Nhận xét:

Về tình hình trích lập Quỹ KH&CN của các doanh nghiệp lớn ở mức thấp so với thu nhập tính thuế hàng năm. Thêm vào đó, việc sử dụng Quỹ KH&CN lại càng thấp. Điều này cho thấy tổng quan việc trích lập và sử dụng Quỹ KH&CN ngay cả đối với các doanh nghiệp lớn là chưa được quan tâm đúng mức, tận dụng nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như việc trích lập chưa có kế hoạch sát sao, gắn liền với kế hoạch sử dụng, gây lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp cũng như thâm hụt ngân sách nhà nước (thuế TNDN).

3. Phân tích theo địa phương

Dựa vào số liệu thống kê thì các địa phương có số tiền trích lập Quỹ KH&CN nhiều như: Thành phố Hà Nội (14.311,75 tỷ đồng), Thành phố Hồ Chí Minh (3.670,99 tỷ đồng), Quảng Ngãi (1.790,92 tỷ đồng), Tỉnh Bình Phước (318,04 tỷ đồng), Tỉnh Bình Phước (300,97 tỷ đồng).

Các địa phương có số tiền sử dụng Quỹ KH&CN nhiều như: Thành phố Hà Nội (5.711,23 tỷ đồng, đạt tỷ lệ sử dụng trên số trích lập là 39,91%; số sử dụng trên số trích lập là 4.062,38 tỷ đồng đạt tỷ lệ 28,38%), Thành phố Hồ Chí Minh (491,02 tỷ đồng, đạt tỷ lệ sử dụng trên số trích lập là 13,38%, số sử dụng trên số trích lập cũng là 491,02 tỷ đồng), Tỉnh Đồng Tháp (78,45 tỷ đồng, đạt tỷ lệ sử dụng trên số trích lập là 63,72%, số sử dụng trên số trích lập cũng là 78,45 tỷ đồng), Tỉnh Cà Mau (37,75 tỷ đồng, đạt tỷ lệ sử dụng trên số trích lập là 18,63%, số sử dụng trên số trích lập cũng là 37,75 tỷ đồng).

Như vậy, ngay cả các địa phương lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thì số trích lập và sử dụng đều rất thấp, trong khi đó tại Việt Nam hiện nay có 3 khu công nghệ cao là Thành phố Hồ Chí Minh, Hòa Lạc - Hà Nội và Đà Nẵng thì việc trích lập và sử dụng rất thấp. Như vậy, thực tế hiện nay cần tính đến vấn đề các doanh nghiệp chưa nắm bắt được đầy đủ các quy định về phát triển khoa học và công nghệ dựa trên các ưu đãi của Đảng và Chính phủ thông qua các chính sách ưu đãi khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ KH&CN.

4. Phân tích theo khu vực kinh tế

Bai3_bang3

Nhìn vào bảng 3 có thể thấy, ngoại trừ khu vực kinh tế khác thì khu vực kinh tế hỗn hợp ngoài quốc doanh có số lượng doanh nghiệp và số tiền trích lập Quỹ KH&CN lớn, số trích lập trung bình 1 doanh nghiệp là 12 tỷ đồng, tuy nhiên số lượng sử dụng cả về số lượng và số tiền đều thấp hơn rất nhiều so với số trích lập (chỉ đạt 18.31% số lượng doanh nghiệp và 5.43% số tiền trích lập, số tiền sử dụng trung bình 1 doanh nghiệp chỉ bằng 3.56 tỷ đồng).

Các đơn vị có vốn nhà nước có tổng số doanh nghiệp và tổng số tiền trích lập ít hơn, tuy nhiên số tiền trích lập trung bình 1 doanh nghiệp là 12.17 tỷ đồng. Tỷ lệ số doanh nghiệp sử dụng trên trích lập đạt 32.41% về số lượng và 44.6% về số tiền, số tiền sử dụng trung bình 1 doanh nghiệp bằng 16.75 tỷ đồng.

Điều này cho thấy, tuy các doanh nghiệp có vốn nhà nước mặc dù có tỷ lệ sử dụng nhiều hơn các khu vực kinh tế khác nhưng số lượng doanh nghiệp và số tiền trích lập vẫn còn ít, tỷ lệ sử dụng tuy là cao nhất nhưng vẫn chưa đạt trên 50% so với số trích lập. Tóm lại, việc trích lập và sử dụng Quỹ KH&CN chưa đạt được kỳ vọng của chính sách đưa ra. Để nâng cao về số lượng cũng như tỷ lệ sử dụng, điều cần thiết là phải có sự hiểu biết sâu sắc về quy định, phương án sử dụng sát sao đối với Quỹ KH&CN từ ngay các doanh nghiệp có vốn nhà nước, sự phát triển vượt bậc của các doanh nghiệp có vốn nhà nước là động lực thúc đẩy các khu vực kinh tế khác áp dụng việc trích lập và sử dụng Quỹ KH&CN đối với doanh nghiệp của mình.

5. Phân tích theo ngành nghề

Bai3_bang4

Về số lượng doanh nghiệp trích lập Quỹ KH&CN thì ngành nghề sản xuất có số lượng doanh nghiệp trích nhiều là 175 doanh nghiệp (số tiền trích trung bình trên 1 doanh nghiệp là 25.06 tỷ đồng) nhưng số tiền trích lập thì ngành nghề công nghệ thông tin có số tiền trích lập lớn nhất 28 doanh nghiệp, số tiền trích lập 9,865.96 tỷ đồng (số tiền trích trung bình trên 1 doanh nghiệp là 352.36 tỷ đồng). Ngành nghề nghiên cứu khoa học và phát triển có số doanh nghiệp trích lập ít là 22 doanh nghiệp và số tiền trích lập cũng ít là 20.68 tỷ đồng (chỉ đạt số tiền trích trung bình trên 1 doanh nghiệp là 0.94 tỷ đồng). 

Về số lượng doanh nghiệp sử dụng Quỹ KH&CN thì ngành nghề sản xuất có số lượng doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất là 40 doanh nghiệp nhưng số tiền sử dụng chỉ là 515.91 tỷ đồng (số tiền sử dụng trung bình trên 1 doanh nghiệp là 12.9 tỷ đồng, số doanh nghiệp sử dụng bằng 22.86% và số tiền sử dụng bằng 11.76% số trích lập). Ngành nghề công nghệ thông tin có số doanh nghiệp sử dụng là 8, số tiền sử dụng là 3,816.38 tỷ đồng (số tiền sử dụng trung bình trên 1 doanh nghiệp là 477.05 tỷ đồng, số doanh nghiệp sử dụng bằng 28.57% và số tiền sử dụng bằng 38.68% số trích lập). Ngành nghề nghiên cứu khoa học và phát triển có số doanh nghiệp sử dụng là 3, số tiền sử dụng là 9.77 tỷ đồng (số tiền sử dụng trung bình trên 1 doanh nghiệp là 3.26 tỷ đồng, số doanh nghiệp sử dụng bằng 13.63% và số tiền sử dụng bằng 47.24% số trích lập).

Như vậy, ngành sản xuất tuy có số doanh nghiệp trích lập, sử dụng nhiều nhưng số tiền trích lập trung bình thấp cùng với tỷ lệ sử dụng trên số trích lập thấp. Ngành công nghệ thông tin có số doanh nghiệp trích lập, sử dụng ít nhưng số tiền trích lập trung bình cao cùng với tỷ lệ sử dụng trên số trích lập cao trong các ngành nghề. Ngành nghiên cứu khoa học và phát triển có số doanh nghiệp trích lập, sử dụng ít, số tiền trích lập trung bình thấp. Có thể thấy ngành công nghệ thông tin là ngành nghề có khả năng sử dụng Quỹ KH&CN áp dụng vào kế hoạch sản xuất kinh doanh là cao nhất, nhưng số lượng doanh nghiệp trích lập và sử dụng vẫn chỉ nằm trong các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tiếp cận được nguồn Quỹ KH&CN; các doanh nghiệp thuộc ngành nghiên cứu khoa học và phát triển gần như chưa tiếp cận đến nguồn Quỹ KH&CN vận dụng cho việc nghiên cứu khoa học.

Tóm lại, dựa vào việc phân tích theo ngành nghề thì chỉ các doanh nghiệp lớn theo các ngành nghề liên quan trực tiếp đến khoa học và công nghệ mới tiếp cận đến nguồn Quỹ KH&CN nhưng hiệu quả vận dụng để sử dụng Quỹ là chưa cao, còn các doanh nghiệp nhỏ cùng ngành nghề liên quan trực tiếp đến khoa học và công nghệ gần như chưa tiếp cận đến nguồn Quỹ KH&CN; còn đối với các ngành nghề khác thì các doanh nghiệp có số lượng trích lập và sử dụng là ít.

Qua phân tích thực trạng trên, có thể thấy các doanh nghiệp nói chung chưa thể nắm bắt được để vận dụng và phát huy được hiệu quả của Quỹ KH&CN theo những chính sách ưu đãi đã được ban hành cũng như tạo bánh đà cho bản thân doanh nghiệp mình phát triển mạnh mẽ và lâu dài.

Nguyễn Tuấn Linh

Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính

Bạn đang đọc bài viết Tình hình trích và sử dụng Quỹ khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp ở nước ta hiện nay tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Hiệu quả sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp
Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) như Luật KH&CN số 29/2013/QH13 ngày 18/6/2013; Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN.
Ứng dụng thương mại điện tử trong phát triển du lịch
Theo nghiên cứu, 80% khách du lịch Việt Nam là khách quốc tế, họ có nhu cầu tìm kiếm thông tin trên internet trước khi lựa chọn khách sạn. Một nửa số đó có nhu cầu đặt phòng trực tuyến, vì vậy việc sở hữu một website có tích hợp phần mềm đặt phòng trực tuyến là diều vô cùng cần thiết.