Hiệu quả sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp

21/12/2020, 09:17

TCDN - Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) như Luật KH&CN số 29/2013/QH13 ngày 18/6/2013; Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN.

Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) như Luật KH&CN số 29/2013/QH13 ngày 18/6/2013; Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN. Bộ trưởng Bộ KH&CN và Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn số 12/2016/TTLT-BKH&CN-BTC ngày 28/6/2016 (Thông tư liên tịch số 12) hướng dẫn về nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Đây là một trong những cơ chế chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của KH&CN tại các doanh nghiệp.

Tuy nhiên từ khi Thông tư liên tịch số 12 có hiệu lực, chưa có đánh giá một cách cụ thể hiệu quả việc sử dụng Quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp. Do đó, Nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát tình hình sử dụng Quỹ tại các doanh nghiệp có trích lập, sử dụng Quỹ, hiệu quả sử dụng Quỹ và khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp.

1. Thực trạng sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp

1.1. Tổng hợp kết quả khảo sát

Nhóm nghiên cứu đã gửi phiếu khảo sát đến 544 doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Kết quả Nhóm thu về được 178 phiếu trả lời, đạt tỷ lệ trả lời 32,7%. 

1.2. Đánh giá ảnh hưởng giữa số tiền sử dụng từ Quỹ và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Theo tìm hiểu của Nhóm nghiên cứu hiện nay chưa có một phương pháp đánh giá hoạt động R&D với một bộ tiêu chí thống nhất phù hợp với tất cả các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề, có quy mô khác nhau, mục tiêu hoạt động khác nhau. Nhằm đánh giá một cách cơ bản nhất hiệu quả sử dụng Quỹ tại doanh nghiệp giai đoạn 2016-2019, Nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích mối tương quan giữa số tiền sử dụng từ Quỹ phát triển KH&CN và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

1.3. Mô tả dữ liệu

Ngoài dữ liệu khảo sát trực tiếp của 178 doanh nghiệp, Nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu tổng hợp của 84 doanh nghiệp từ Tổng cục Thuế, tổng cộng nghiên cứu mối tương quan tại 262 doanh nghiệp trong giai đoạn 2016-2019. Số liệu về doanh thu, chi phí, lợi nhuận của các doanh nghiệp này là số liệu tuyệt đối, không thể sử dụng cho việc nghiên cứu, phân tích của nhóm, do đó Nhóm nghiên cứu tiến hành tính toán chỉ số tăng trưởng về doanh thu, chi phí, biên lợi nhuận gộp giai đoạn 2016-2019. Về cơ bản, việc đầu tư vào phát triển KH&CN sẽ có tính trễ trong thời gian và hiện nay không có nghiên cứu chính xác độ trễ đó là bao nhiêu, do đó Nhóm nghiên cứu sử dụng bình quân trong cả giai đoạn đối với các chỉ tiêu nêu trên để tiến hành phân tích cho cả giai đoạn.

Các biến độc lập Nhóm nghiên cứu sử dụng là SD2016, SD2017, SD2018, SD2019 lần lượt là số sử dụng Quỹ phát triển KH&CN trong năm 2016, 2017, 2018, 2019; biến phụ thuộc là bình quân tăng trưởng doanh thu, chi phi, lợi nhuận gộp giai đoạn 2016-2019.

1.4. Kết quả đánh giá tương quan

Nhóm nghiên cứu phân tích tương quan giữa các biến độc lập (số sử dụng Quỹ phát triển KH&CN qua từng năm) và biến phụ thuộc (là tăng trưởng doanh thu, chi phí hoặc biên lợi nhuận gộp). Có nhiều hệ số tương quan, Nhóm nghiên cứu sử dụng hệ số tương quan thông dụng nhất là hệ số tương quan Pearson.

Bảng tổng hợp kết quả phân tích hệ số tương quan

Biến số   Sử dụng 2016 Sử dụng 2017 Sử dụng 2018 Sử dụng 2019
TT biên LN BQ Pearson Correlation     -.047 -.035 -.045 -.062
Sig. (2-tailed) .586 .685 .605 .473
N 134 134 137 136
TT Doanh thu BQ Pearson Correlation -.007 -.017 -.008 -.017
Sig. (2-tailed) .930 .828 .915 .828
N 170 167 171 170
TT Chi phí BQ Pearson Correlation -.014 -.019 -.009 -.017
Sig. (2-tailed) .851 .811 .908 .822
N 172 169 173 172

Qua kết quả trên, ta có thể thấy giữa tăng trưởng biên lợi nhuận gộp bình quân và các biến độc lập (số sử dụng Quỹ trong các năm) không có tương quan với nhau do Sig. của hệ số Pearson giữa biến số này và các biến độc lập đều lớn hơn 0,05. Tức là với độ tin cậy 95% thì giả thuyết H0 bị bác bỏ và giữa tăng trưởng biên lợi nhuận gộp bình quân và các biến độc lập không có sự tương quan.

Tương tự, kết quả phân tích tương quan giữa tăng trưởng doanh thu và các biến độc lập và tương quan giữa tăng trưởng chi phí và các biến độc lập không cho thấy sự tương quan giữa các biến với nhau. Như vậy nếu xét sự tương quan tuyến tính các biến trong mẫu dữ liệu mà Nhóm nghiên cứu định phân tích, kết quả phân tích cho thấy không có sự tương quan lẫn nhau giữa các biến số và Nhóm nghiên cứu không thể tiến hành phân tích hồi quy.

1.5. Phân tích ANOVA

Trong số 262 doanh nghiệp, có 153 doanh nghiệp sử dụng Quỹ và 96 doanh nghiệp không sử dụng Quỹ. Nhóm Nghiên cứu sử dụng phân tích phương sai một yếu tố (one-way ANOVA) để đánh giá sự khác biệt tiềm năng của việc sử dụng Quỹ bằng việc tạo biến giả sử dụng Quỹ (có hoặc không) từ đó xác định ảnh hưởng của việc sử dụng Quỹ đối với kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bình quân tăng trưởng biên lợi nhuận gộp giai đoạn 2016-2019 của doanh nghiệp được Nhóm sử dụng làm thước đo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Kết quả phân tích Levene test (dùng kiểm định phương sai bằng nhau) tại Bảng Test of Homogeneity of Variances.

  Levene Statistic df1. df2. Sig.
BienBQ Based on Mean 2.217 1 247 .138
Based on Median 1.927 1 247 .166
Based on Median and with adjusted df 1.927 1 155.494 .167
Based on trimmed mean 2.094 1 247 .149

Kết quả cho thấy Sig. >0,05. Như vậy phương sai của cả hai nhóm bằng nhau và đủ điều kiện để tiếp tục phân tích ANOVA.

Đến với kết quả phân tích ANOVA tại Bảng tổng hợp kết quả phân tích ANOVA đối với tăng trưởng biên lợi nhuận gộp bình quân, Sig. của giá trị p là 0,463 cho thấy với dữ liệu quan sát được không có sự khác nhau giữa hiệu quả hoạt động của nhóm sử dụng Quỹ và nhóm không sử dụng Quỹ, tức là không kết luận được việc sử dụng Quỹ có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Bảng tổng hợp kết quả phân tích ANOVA đối với tăng trưởng biên lợi nhuận gộp bình quân

  Sum of Squares df Mean Square F Sig.
Between Groups 2.307 1 2.307 .539 .463
Within Groups 1056.657 247 4.278    
Total 1058.964 248      

1.6. Nhận xét

Qua kết quả của hai phân tích hồi quy và phân tích ANOVA, Nhóm nghiên cứu thấy rằng, không kết luận được mối tương quan giữa việc sử dụng Quỹ phát triển KH&CN và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, có thể do khoảng thời gian của dữ liệu mà Nhóm nghiên cứu thu thập là quá ngắn (chỉ trong giai đoạn 2016-2019).

Graham K. Morbey (1989) nghiên cứu về mối quan hệ giữa chi tiêu R&D và tăng trưởng lợi nhuận trong doanh nghiệp đã chỉ ra rằng Chi tiêu cho nghiên cứu KH&CN sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của công ty trong tương lai. Tức là xuất hiện độ trễ trong việc chi tiêu vào nghiên cứu KH&CN. Độ trễ thời gian có thể khác nhau giữa các các ngành, giữa các công ty trong một ngành, và giữa các dự án R&D trong một công ty. Bởi vì sự khác biệt này, việc so sánh mức tăng trưởng tuyệt đối của một công ty hoặc một ngành hoặc tốc độ tăng trưởng trong một giai đoạn với bình quân mức chi tiêu cho nghiên cứu KH&CN trong giai đoạn trước đó. Tác giả chỉ ra rằng kết quả phân tích có thể có ý nghĩa nếu thời gian phân tích đủ dài.

2. Khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng Quỹ

Trên kết quả khảo sát ý kiến tại các doanh nghiệp, Nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp rút gọn và phân tích theo chủ đề để sắp xếp lại dữ liệu đã thu thập theo từng nhóm từ khóa. Trên cơ sở các từ khóa rút ra, Nhóm tiến hành phân loại các vướng mắc theo các chủ đề lớn làm cơ sở để có bức tranh toàn cảnh về vướng mắc trong việc sử dụng Quỹ tại doanh nghiệp.

Các nhóm vướng mắc được chia thành 3 nhóm là cơ chế chính sách chưa rõ ràng, chưa có cơ chế chính sách và nhóm khác. Trong đó, 02 nhóm đầu tiên có số vướng mắc nhiều nhất và chiếm chủ yếu. Các vướng mắc cụ thể của từng nhóm được phân tích chi tiết và nêu cụ thể trong bảng 2.1. như sau:

2.1. Nhóm vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách chưa rõ ràng (Nhóm V1):

Tên vướng mắc Số lần xuất hiện Các từ khóa
Thủ tục sử dụng phức tạp V1.1 38 Quy trình, thủ tục, quá trình, trình tự, không đủ điều kiện
Nội dung chi Quỹ chưa rõ ràng V1.2 21 Nội dung chi
Nộp thuế và lãi chậm nộp V1.3 14 Hoàn nhập, phạt, chậm nộp, truy thu
Giới hạn thời gian trích lập ngắn V1.4 10 Thời gian ngắn, dài hạn

Mặc dù Quỹ phát triển KH&CN doanh nghiệp đã xuất hiện từ năm 2000, tuy nhiên chính sách hướng dẫn sử dụng Quỹ không tránh khỏi còn nhiều nội dung chưa rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng, ảnh hưởng đến việc sử dụng hiệu quả nguồn Quỹ phục vụ cho công tác phát triển KH&CN. Các từ khóa xuất hiện xuyên suốt đối với nhóm vướng mắc này thường là “chưa rõ”, “chưa cụ thể”, “chưa đầy đủ”. Một số vướng mắc cụ thể của các doanh nghiệp đã được Nhóm nghiên cứu khảo sát tổng hợp gồm:

a) Thủ tục sử dụng phức tạp

Vướng mắc về quy trình, thủ tục có tần suất xuất hiện nhiều nhất trong các câu trả lời khảo sát với các từ khóa như “thủ tục”, “trình tự”, “quy trình”. Đây là vấn đề xuyên suốt trong quá trình quản lý, sử dụng Quỹ mà chủ yếu là tập trung vào hai nhóm thủ tục trích lập Quỹ và thủ tục sử dụng Quỹ.

Về nhóm thủ tục trích lập Quỹ, các doanh nghiệp chủ yếu nhắc đến các vấn đề “nhiều văn bản hướng dẫn chồng chéo, không rõ ràng và chưa sát thực tế”, “Các định nghĩa, quy định trong các văn bản pháp luật về hoạt động khoa học và công nghệ (ví dụ Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKH&CN-BTC ngày 28/06/2016) chưa rõ ràng và chưa sát với thực tế”. Nhóm nghiên cứu thấy rằng nguyên nhân chủ yếu của nhóm vướng mắc này là do sự thiếu thống nhất trong hệ thống văn bản hướng dẫn Quỹ phát triển KH&CN, không được quy định thống nhất trong 1 văn bản cụ thể mà thể hiện rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, dẫn đế việc áp dụng quy định của các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Về nhóm thủ tục sử dụng Quỹ, đây là vấn đề ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sử dụng Quỹ. Các từ khóa hay gặp phải trong ý kiến của các doanh nghiệp thường là: “sử dụng thông qua nhiều thủ tục phức tạp”, “việc sử dụng Quỹ phải tuân theo những thủ tục kiểm soát chi hết sức chặt chẽ, khó sử dụng nguồn Quỹ đã trích theo quy định của pháp luật”, “các nội dung chi khác có các quy định về thủ tục hồ sơ chứng từ để sử dụng Quỹ khá phức tạp”, “hồ sơ quyết toán chi phí chưa rõ ràng thành phần”, “không đủ thành viên để lập hội đồng nghiệm thu”, “không có lãi suất thu hồi”. Có thể thấy, hầu hết vướng mắc trong quá trình này liên quan đến việc doanh nghiệp không được sử dụng Quỹ một cách chủ động, mà phải tuân theo các thủ tục quy định tại Thông tư. Ngoài ra, khi doanh nghiệp đã sử dụng được Quỹ và tiến hành các thủ tục quyết toán với cơ quan Thuế để được trừ vào chi phí hợp lý thì hồ sơ không đầy đủ sẽ dẫn đến chi phí đó không được trừ và doanh nghiệp sẽ bị coi là không sử dụng hết nguồn Quỹ, dẫn đến nguy cơ bị phạt lãi thuế chậm nộp trong các năm sau.

Ngoài các nguyên nhân được các doanh nghiệp nêu ra như cơ chế, chính sách chưa thống nhất về mặt giải thích từ ngữ, chưa áp sát thực tế thì một trong những nguyên nhân Nhóm nghiên cứu rút ra là các bước để quyết toán chi phí sử dụng Quỹ còn nhiều, dẫn đến việc áp dụng rắc rối, ví dụ doanh nghiệp phải lập hồ sơ, thành lập Hội đồng thẩm định đánh giá tính khả thi của đề tài từ khâu đầu đến khâu cuối, không có đủ thông tin về tổ chức, cá nhân nào đủ khả năng, trình độ thẩm định lẫn nghiệm thu đề tài, tiêu chí đánh giá đề tài…

b) Nội dung chi Quỹ chưa rõ ràng

Đây là vướng mắc đứng thứ 2 trong nhóm vướng mắc “Cơ chế, chính sách chưa rõ ràng”. Từ khóa xuất hiện ở đây khá rõ ràng và được các doanh nghiệp sử dụng thống nhất là “nội dung chi” và “chưa rõ ràng”. Việc nội dung chi không được quy định trong Thông tư định nghĩa và hướng dẫn sử dụng một cách rõ ràng dẫn đến hai vấn đề chính mà các doanh nghiệp thường nêu ra: (i) Thứ nhất doanh nghiệp không nắm rõ mục đích chi của Quỹ dẫn đến việc sử dụng sai mục đích và không được quyết toán thuế; (ii) Thứ hai là cách hiểu về nội dung chi của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước là khác nhau dẫn đến việc khó khăn trong quá trình thanh quyết toán số tiền đã sử dụng từ Quỹ.

Nguyên nhân của vướng mắc này có thể xuất phát từ yếu tố khách quan là nội dung đề cập doanh nghiệp được phép sử dụng Quỹ rất rộng, liên quan đến nhiều văn bản quy phạm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau do đó quy định về nội dung chi trong Thông tư chưa thể cụ thể và dự liệu các tình huống cụ thể trong thực tế được. Nhóm nghiên cứu thấy rằng việc không rõ ràng trong nội dung chi cùng với thủ tục sử dụng không rõ ràng có sự liên quan chặt chẽ, móc nối với nhau và có sự cộng hưởng tiêu cực đến hiệu quả sử dụng Quỹ của doanh nghiệp.

c) Nộp thuế và lãi chậm nộp

Mặc dù vướng mắc này không xuất hiện nhiều trong các phần khảo sát của các doanh nghiệp như 2 vướng mắc trên, Nhóm nghiên cứu đánh giá đây là một nguyên nhân trọng yếu ảnh hưởng đến sự tích cực của các doanh nghiệp trong việc trích lập và sử dụng Quỹ. Theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 14 Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKH&CN-BTC thì tùy theo loại hình doanh nghiệp, số tiền trích lập Quỹ khi doanh nghiệp không sử dụng, sử dụng không hết 70% trong thời hạn 05 năm trích lập hoặc sử dụng không đúng mục đích sẽ phải nộp một phần Quỹ chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hoặc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các Bộ chủ quản, tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế, ngoài ra doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước phần tính thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên số tiền Quỹ còn lại và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó. Như vậy, trong thời hạn 05 năm kể từ năm trích doanh nghiệp phải thực hiện nộp một phần Quỹ, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nguyên nhân của vướng mắc này xuất phát từ tâm lý không muốn chịu rủi ro của doanh nghiệp và cơ chế, chính sách chưa rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp có ý kiến không muốn chịu rủi ro (nộp phạt thuế) và không muốn trích lập và sử dụng Quỹ để tránh trường hợp doanh nghiệp đã sử dụng nhưng không được cơ quan thuế chấp thuận là chi phí sử dụng từ Quỹ phát triển KH&CN và bị tính lãi chậm nộp.

d) Giới hạn thời gian trích lập và sử dụng ngắn

Đây là vướng mắc liên quan đến thời gian trích lập và sử dụng Quỹ. Đa số các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có các dự án nghiên cứu dài hạn đều gặp phải các vướng mắc này. Ví dụ trong quá trình áp dụng KH&CN bằng cách trồng thí điểm những giống cây lâm nghiệp mới thì thường chu kì của cây từ 05 đến 10 năm mới đánh giá được và dự toán chi phí phải phân bổ cho chu kỳ cây từ 05 đến 10 năm. Ngoài ra, hiện nay việc xây dựng một Dự án đổi mới công nghệ cần thời gian tương đối dài từ các giai đoạn nghiên cứu, đề xuất, thẩm định tính hiệu quả của đề tài đến giai đoạn triển khai đề tài để mang lại lợi ích kinh tế tốt nhất. Do đó, việc áp dụng một giới hạn thời gian sử dụng Quỹ (05 năm) cho tất cả doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau theo nhiều doanh nghiệp là không hợp lý, gây khó khăn trong việc áp dụng của nhiều doanh nghiệp.

Về tổng thể, Nhóm nghiên cứu thấy rằng các vướng mắc trong nêu trên không có sự tách bạch rõ ràng mà liên quan, ảnh hưởng lẫn nhau, giảm hiệu quả của việc sử dụng Quỹ tại các doanh nghiệp, thậm chí khiến các doanh nghiệp có tâm lý né tránh việc trích lập, sử dụng Quỹ.

2.2. Nhóm vướng mắc liên quan đến chưa có quy định pháp luật (Nhóm V2):

Tên vướng mắc Số lần xuất hiện Các từ khóa
Chưa có hướng dẫn cụ thể V2.1 14 Chưa có, không có, không được hướng dẫn
Doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng V2.2 7 Không phù hợp, không trích lập, không có nhu cầu.
Nguồn trích lập Quỹ ít, không đảm bảo nhu cầu V2.3 3 Ít, chưa đủ.

Ngoài nhóm vướng mắc liên quan đến việc đã có cơ chế nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng thì một nhóm vướng mắc lớn là việc chưa có cơ chế, chính sách quy định cụ thể. Mặc dù hai nhóm vướng mắc này có sự trùng lặp nhất định, Nhóm nghiên cứu thấy rằng cần tách riêng 2 nhóm vướng mắc này làm cơ sở nghiên cứu các đề xuất cho phần tiếp theo. Các từ khóa chủ yếu giúp Nhóm nghiên cứu nhận dạng là “chưa có”, “không có”.

a) Chưa có hướng dẫn cụ thể:

Nhìn chung, các doanh nghiệp có ý kiến rằng cơ chế chính sách có nhiều lỗ hổng trong nhiều nội dung, từ đối tượng hướng dẫn, quy chế quản lý sử dụng Quỹ, quy trình trích lập, sử dụng Quỹ. Trong đó, các đối tượng chưa được quy định trong Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKH&CN-BTC bao gồm các doanh nghiệp hoạt động đặc thù, các đơn vị sự nghiệp công lập. Đi kèm với các đối tượng trên là các khoản chi đặc thù, gắn liên với tính chất của lĩnh vực hoạt động của các đối tượng đó. Nhóm nghiên cứu thấy rằng nguyên nhân chủ yếu vẫn là cơ chế chính sách chưa dự liệu hết được các tình huống xảy ra trên thực tế, tuy nhiên quy định trong cơ chế, chính sách là quy định đóng (không có quy định mở) nên khi không có quy định thì các doanh nghiệp không thể chủ động triển khai được.

b) Doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng

Trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu phát triển KH&CN, do đó việc quy định trích lập Quỹ phát triển KH&CN theo các doanh nghiệp này là không cần thiết. Các từ khóa dùng để nhận dạng vướng mắc này là “không có nhu cầu”, “không phù hợp”, “không trích lập”. Qua tổng hợp ý kiến của các đơn vị khảo sát, một số lĩnh vực mà doanh nghiệp thấy không cần trích lập là địa ốc, doanh nghiệp công ích, xổ số…

Đối với các doanh nghiệp tư nhân, việc không có nhu cầu trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN thì có thể không cần trích lập, tuy nhiên đối với các DNNN, Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKH&CN-BTC đang quy định cứng mức trích tối thiểu hàng năm là 03%. Điều này dẫn đến vướng mắc cho các DNNN mà thực tế trong giai đoạn 2016-2019 không có nhu cầu trích Quỹ nhưng vẫn phải thực hiện trích lập, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong dịch vụ công ích. Những doanh nghiệp này bắt buộc phải trích Quỹ phát triển KH&CN, không sử dụng và đợi hết 05 năm phải thực hiện hoàn nhập. Việc này theo các doanh nghiệp là lãng phí nguồn lực về cả thời gian và chi phí khi doanh nghiệp phải tiến hành theo dõi chi tiết hàng năm nhưng lại không sử dụng.

c) Nguồn trích lập Quỹ ít, không đủ

Trong khi một số doanh nghiệp không có nhu cầu trích lập sử dụng Quỹ thì cũng tồn tại những doanh nghiệp thấy rằng mức quy định trích lập tối đa 10% là không đủ để doanh nghiệp sử dụng. Từ khóa để nhận diện vướng mắc này chủ yếu là “ít”, “không đủ”. Thực tế đối với nhiều doanh nghiệp số trích lập của Quỹ chỉ đáp ứng được một phần nghiên cứu sản phẩm, chưa đủ để đầu tư mua sắm thiết bị và xây dựng cơ sở vật chất cho nghiên cứu.

Nhìn chung, hai vướng mắc nêu tại điểm b) và điểm c) đều do quy định hiện nay đã quy định cứng tỷ lệ tối đa và tối thiểu, doanh nghiệp không được phép chủ động sử dụng theo nhu cầu của mình.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Khoa học và Công nghệ (2019), Khoa học và công nghệ Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.

2. Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (2019), Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ

đến năm 2020.

3. Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (2017, 2018, 2019), Báo cáo tình hình hoạt động của các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Hà Nội.

4. Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia (2019), Báo cáo kết quả điều tra đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, Hà Nội.

5. Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (2017), Tổng luận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

6. Lương Văn Thường (2020), Quản lý nhà nước về phát triển thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam, Báo cáo chuyên đề, Hà Nội.

ThS. Trần Thị Mỹ Linh

Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính

Tạp chí in số tháng 12/2020
Bạn đang đọc bài viết Hiệu quả sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Hoàn thiện công tác tài chính công đoàn
Để công tác tài chính công đoàn công khai, minh bạch và ngày càng hiệu quả, bài viết cập nhật thực trạng tài chính công đoàn, một số nội dung của dự thảo Luật Công đoàn năm 2012, qua đó đề xuất giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.