Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trước tác động dịch COVID-19

27/11/2020, 16:04

TCDN - Việc triển khai thực hiện và tác động hỗ trợ của các chính sách tài chính trợ giúp doanh nghiệp tư nhân, trọng tâm là DNVVN vẫn chưa như kỳ vọng.

Tóm tắt:

Đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN). Nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, mất khả năng cân đối dòng tiền…

Các chính sách tài chính trợ giúp doanh nghiệp tư nhân, trọng tâm là DNVVN đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện và tác động hỗ trợ của các chính sách này vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại.

Từ khóa: Doanh nghiệp nhỏ và vừa; chính sách tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động dịch COVID-19.

ha-noi-to-chuc-dem-doanh-nghiep-2018

DNVVN trước tác động của dịch COVID-19

Báo cáo Giám sát DNVVN châu Á (ASM) 2020 được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố mới đây cho thấy, các doanh nghiệp siêu nhỏ, DNVVN là một động lực then chốt trong các nền kinh tế Đông Nam Á - chiếm trung bình 97% số doanh nghiệp và 69% lực lượng lao động quốc gia trong giai đoạn từ năm 2010 tới 2019. Họ đã đóng góp trung bình 41% tổng sản phẩm quốc nội trong cùng thời kỳ.

Theo các chuyên gia kinh tế của ADB, những doanh nghiệp siêu nhỏ, DNVVN trong các nền kinh tế Đông Nam Á chủ yếu dựa vào thị trường trong nước, tinh thần kinh doanh của họ vẫn chưa đạt mức tối ưu. Hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ và tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ góp phần vào tăng trưởng đồng đều và hỗ trợ những nỗ lực phục hồi từ COVID-19.

Tại Việt Nam, theo kết quả khảo sát Đánh giá tác động của COVID-19 và hiệu quả của các chính sách ứng phó với COVID-19 đối với các doanh nghiệp của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, có 40% doanh nghiệp bị tác động bởi COVID-19. Trong đó, 30% phải cắt giảm quy mô sản xuất và gần 10% phải tạm dừng hoạt động. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành du lịch, lưu trú, ăn uống.

Đến đầu tháng 10, khoảng 80% doanh nghiệp không nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ.

Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp không đáp ứng các điều kiện để nhận hỗ trợ như: không rõ ràng xác định đối tượng, các thủ tục minh chứng tài chính phức tạp. Thêm nữa, thông tin không minh bạch gây khó khăn cho việc làm thủ tục nhận hỗ trợ.

Kết quả điều tra ghi nhận, tỷ lệ doanh nghiệp trong ngành du lịch, dệt may nhận được hỗ trợ nhiều nhất. Ngành ít nhận được hỗ trợ nhất là công nghệ thông tin. Tỷ lệ doanh nghiệp lớn nhận được gói hỗ trợ nhiều hơn so với doanh nghiệp nhỏ. Trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những đối tượng rất dễ tổn thương bởi khủng hoảng dịch bệnh.

Trong số doanh nghiệp được điều tra, có 69,23% doanh nghiệp nhận được gói “gia hạn nộp thuế”. Tiếp đến là gói “gia hạn tiền thuê đất” và “không thực hiện điều chỉnh tăng giá các yếu tố đầu vào trong sản xuất như điện, nước, xăng… đều co tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận là 17,95%.

Trong khi, gói hỗ trợ khác tỷ lệ tiếp cận thấp, nhất là gói “đơn giản hóa thủ tục hành chính, gia hạn nộp thuế cho hoạt động xuất khẩu” và “vay không cần tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thổi vùng đối với từng nười lao động” là 0%.

Trước đó, theo báo cáo kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tính đến hết tháng 4/2020, cả nước có 37.596 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới sụt giảm trong 4 tháng đầu năm giai đoạn 2015 - 2020. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng năm 2020 là 1.126.164 tỷ đồng, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm 2019. Có 41.755 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 5,6% so với cùng kỳ 2019, trong đó có 22.696 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 33,6% so với cùng kỳ 2019. Có tới 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cho rằng, thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh.

Đáng chú ý, trong các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, có tới 47,2% doanh nghiệp khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được. Mặt khác, thị trường tiêu thụ sản phẩm đang bị thu hẹp dần. Trong giai đoạn hiện nay, thị trường tiêu thụ trong nước và thị trường xuất khẩu đều gặp khó khăn. Đây là hệ quả tất yếu khi đại dịch bùng phát, người dân Việt Nam và các nước thuộc thị trường xuất khẩu truyền thống của nước ta (Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật...) phải thực hiện giãn cách xã hội, lao động mất việc làm, thu nhập giảm sút nên nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh.

Thực trạng tiếp cận các nguồn lực tài chính của DNVVN

Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc tiếp cận các chính sách tín dụng còn hạn chế, cơ hội tiếp cận đối với những nguồn vốn tín dụng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Thậm chí, các điều kiện vay vốn còn khắt khe, chặt chẽ hơn; thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại còn phức tạp, rườm rà; đối tượng áp dụng còn chưa rõ ràng.

Trong khi DNNVV khó tiếp cận chính sách ưu đãi; còn các chính sách hỗ trợ hiện cũng rất khác nhau giữa các ngân hàng. Ngoài ra, phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chủ yếu là nhỏ và vừa là doanh nghiệp mới thành lập, chủ doanh nghiệp là các nhóm cá nhân hoặc cá nhân thực hiện các ý tưởng khai thác trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, nguồn vốn nội sinh ít, tài sản để thế chấp vay ngân hàng hầu như không có. Bên cạnh đó, bản chất của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao nên các kênh huy động vốn truyền thống qua các ngân hàng thương mại rất khó khăn.

Thêm nữa, chưa có sự phân định rõ ràng giữa các DNNVV trong từng lĩnh vực nên sự hỗ trợ về tài chính vẫn còn mang tính dàn trải, đồng đều. Các doanh nghiệp khởi nghiệp khó tiếp cận với chính sách và nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước.

Nguyên nhân là do các chính sách này có phạm vi đối tượng rộng, dàn trải với đối tượng được hỗ trợ là gần như toàn bộ các DNNVV mà chưa có sự định hướng riêng cho nhóm đối tượng đặc thù, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Có thể đề cập đến một số khó khăn như: Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết về việc đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo nhưng cũng chưa có quy định cụ thể về nghĩa vụ của các nhà đầu tư; chính sách thuế chưa có sự phân biệt theo hướng dành ưu đãi cao hơn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cụ thể, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện vẫn áp dụng mức thuế suất 20% như các doanh nghiệp khác. Việc ưu đãi thuế suất 10% hay miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ các hoạt động thuộc một số ngành nghề, lĩnh vực được ưu đãi cũng giống như các doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư mới; chưa có quy định chính sách thuế phân biệt đối với nhà đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp khi chuyển nhượng vốn. Chính sách thuế hiện hành quy định theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp theo địa bàn, lĩnh vực nên bất kỳ doanh nghiệp nào đáp ứng được các điều kiện ưu đãi thì sẽ được hưởng các ưu đãi tương ứng.

Do đó, nếu doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo không thực hiện kinh doanh tại các địa bàn ưu đãi thuế, không đáp ứng được các tiêu chuẩn trong các lĩnh vực khuyến khích đầu tư hiện hành thì cũng không được hỗ trợ về thuế.

Mặt khác, vay vốn tại ngân hàng đòi hỏi nhiều thủ tục, tiêu tốn thời gian, công sức, chi phí và thậm chí vượt quá năng lực của DNNVV. Thủ tục hành chính đôi lúc còn phức tạp, gây phiền hà cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh như: thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, BHXH, đăng ký kinh doanh, hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ kinh phí cho hoạt động khởi nghiệp từ nguồn NSNN chưa được ban hành cụ thể, vì vậy, các hoạt động hỗ trợ DNNVV từ các quỹ có nguồn gốc ngân sách gần như chưa thể triển khai sâu rộng. Đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 đang có nguy cơ bùng phát lại thì tất cả các doanh nghiệp đều có nhu cầu được giãn nợ, nhưng hiện tại, để được giãn nợ thì các thủ tục vô cùng phức tạp, hầu hết chỉ có các doanh nghiệp lớn và siêu lớn mới tiếp cận được gói hỗ trợ này chứ các doanh nghiệp nhỏ thì vô cùng ít ỏi.

Ngoài ra, yêu cầu tài sản thế chấp cho các khoản vay của doanh nghiệp nhằm đảm bảo an toàn, các tổ chức tín dụng thường đưa ra các yêu cầu thế chấp chặt chẽ, trong khi các DNNVV lại hạn chế về tài sản thế chấp. Nhiều DNNVV có tài sản nhưng không có đủ giấy tờ hợp pháp, hợp lệ để làm các thủ tục thế chấp như: doanh nghiệp được giao đất sử dụng nhưng chưa được cấp giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đất, hay doanh nghiệp có hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm nhưng lại không được thế chấp đất đai để vay vốn ngân hàng. Một số tài sản vô hình của doanh nghiệp chưa có cơ chế hướng dẫn cụ thể cho phép được sử dụng làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng như: nhãn hiệu doanh nghiệp, tài sản sở hữu trí tuệ...

Một vấn đề khác, năng lực của các DNNVV còn hạn chế, hoạt động kém hiệu quả; nhiều DNNVV không chịu công khai thông tin, tình hình tài chính công ty, không minh bạch, thiếu trung thực trong quản lý tài chính gây khó khăn cho ngân hàng khi thẩm định, đánh giá năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp... Đối với các doanh nghiệp nói chung thì đa số DNNVV không có đủ tài sản đảm bảo đáp ứng tiêu chí thanh khoản và giá trị đảm bảo tốt theo quy định. Như vậy, so với các doanh nghiệp thông thường, ngân hàng gặp rủi ro lớn hơn khi thực hiện cho vay đối với DNNVV, khó quản lý dòng tiền để thu hồi nợ.

Một số giải pháp phát huy hiệu quả của các sách tài chính đối với DNVVN

Một là, các ngân hàng cần tháo gỡ một số rào cản về thẩm định, chứng minh thiệt hại do COVID-19 gây ra, chứng minh tài sản thế chấp và chứng minh khả năng trả nợ… bởi đây đang được xem là nút thắt lớn nhất để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay. Trong đó, cần tập trung hỗ trợ các DNNVV chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu, sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường, thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối, ngân hàng với doanh nghiệp; khai thác tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mới; tăng cường xúc tiến thương mại để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất trong tình hình mới, vừa khôi phục sản xuất vừa chống dịch hiệu quả.

Cải cách thể chế trong việc ban hành các văn bản, chính sách liên quan đến DNNVV của doanh nghiệp; tháo gỡ, giảm thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng tự hoàn thiện cơ chế quản lý, năng lực quản trị kinh doanh, quản lý tài chính theo hướng minh bạch, rõ ràng, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Hai là, thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về các điều kiện vay vốn, thời gian, thủ tục vay vốn của các tổ chức cho vay tới từng doanh nghiệp; trợ giúp doanh nghiệp trong các khâu: lập dự án kinh doanh, huy động và sử dụng vốn có hiệu quả; xây dựng các chính sách cho vay ưu đãi hơn đối với các DNNVV, ví dụ như: giảm lãi suất, cơ chế thế chấp, tín chấp thuận tiện hơn…

Ba là, đa dạng hóa các kênh tiếp cận vốn cho DNNVV. Trên thực tế, DNNVV tiếp cận vốn từ nhiều nguồn khác nhau nhưng tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng vẫn là kênh chính và quan trọng đối với DNNVV. Do vậy, để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ việc cung cấp thông tin, tình hình hoạt động và khả năng chi trả của doanh nghiệp, từ đó, khuyến khích các tổ chức tín dụng liên kết tạo nên một hệ thống dữ liệu về DNNVV cũng như minh bạch các tiêu chí cần thiết về tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích đối với các tổ chức tín dụng thực hiện hiệu quả hỗ trợ tín dụng cho DNNVV; hình thành mạng lưới liên kết giữa doanh nghiệp lớn với DNNVV.

Bốn là, về phía DNNVV phải đổi mới năng lực quản trị của doanh nghệp, quản trị rủi ro và quản lý tài chính nhằm tập trung vào các mảng sản xuất, kinh doanh chủ chốt, có thế mạnh, có khả năng tạo ra dòng tiền ổn định để tăng khả năng trả nợ vốn vay ngân hàng. Mặt khác, các DNNVV phải có trách nhiệm và ý thức trong việc hợp tác, phối hợp với tổ chức tín dụng trong cơ cấu lại nợ, thanh toán nợ và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp với năng lực về vốn, công nghệ và con người của doanh nghiệp mình.

Năm là, trong bối cảnh hội nhập kinh tế, quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, để hỗ trợ DNNVV tiếp cận các nguồn tài chính - tín dụng, các cơ quan, tổ chức cần tích cực triển khai các giải pháp công nghệ mới nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của chương trình; cần nghiên cứu và tạo điều kiện cho sự phát triển của những loại hình định chế tài chính trung gian mới như: ngân hàng đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư DNNVV…Việc phát triển các loại hình định chế tài chính trung gian nêu trên sẽ tạo điều kiện kết nối trực tiếp những ý tưởng kinh doanh mới của các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư trên thị trường tài chính, từ đó giải quyết bài toán vốn cho các doanh nghiệp.

Như vậy, để DNNVV phát triển, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, từ các văn bản quy định của Nhà nước, hệ thống thể chế thực thi cơ chế chính sách đến các giải pháp hỗ trợ, tư vấn trong sản xuất, trong công tác tìm kiếm thị trường đến việc tận dụng các chương trình hỗ trợ DNNVV của các tổ chức quốc tế mới có thể thúc đẩy các DNNVV phát triển ổn định và bền vững.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019), Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2019, NXB. Thống kê, Hà Nội.

2. Phạm Tiến Đạt (2018), Nguyên tắc xây dựng chính sách tài chính đặc thù cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, NXB Tài chính, Hà Nội.

3. Phùng Thế Đông (2019) “Giải pháp hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV ở Việt Nam”, Tạp chí Công Thương, Số 6 tháng 4/2019, tr.197 - 204.

4. Vũ Văn Ninh, Phạm Thị Thanh Hòa (2018), Chính sách tín dụng dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp, NXB Tài chính, Hà Nội.

5. Ninh Thị Minh Tâm, Lê Ngự Bình (2017), Hiệu quả kinh doanh của các DNNVV, NXB. Chính trị Quốc gia.

6. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

NCS. Lê Thanh Dung - Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong
Bạn đang đọc bài viết Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trước tác động dịch COVID-19 tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan