ASEAN cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vì dịch Covid-19

09/03/2020, 12:13

TCDN - Tại phiên họp các Quan chức Kinh tế Cao cấp (SEOM) ASEAN, đoàn Việt Nam đã đề xuất ASEAN cần duy trì chuỗi cung ứng, hỗ trợ nguồn cung nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phiên họp trù bị của các Quan chức Kinh tế Cao cấp (SEOM) ASEAN được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng.

Phiên họp trù bị của các Quan chức Kinh tế Cao cấp (SEOM) ASEAN được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng.

Ngày 08 tháng 3 năm 2020, phiên họp trù bị của các Quan chức Kinh tế Cao cấp (SEOM) ASEAN được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, với sự tham dự của đại diện các SEOM của ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Cộng đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (BAC) và các khách mời quốc tế.

Tại phiên họp SEOM trù bị, các Quan chức kinh tế đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng để báo cáo lên AEM hẹp 26, bao gồm những nội dung như: (i) thảo luận và thông qua các sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020; (ii) Rà soát và thống nhất các ưu tiên thường niên năm 2020 của ASEAN trong kênh kinh tế; (iii) thảo luận nhằm tìm giải pháp cho các vấn đề còn tồn tại trong hợp tác nội khối ASEAN và ASEAN với các đối tác ngoại khối v.v.

Điểm nhấn của Hội nghị SEOM trù bị là 13 ưu tiên do Việt Nam đề xuất trong năm ta là Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ được đưa ra thảo luận tại AEM hẹp 26 trước khi thống nhất các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm nay. Các ưu tiên này cơ bản dựa trên 3 định hướng chính: (i) Thúc đẩy liên kết và kết nối kinh tế khu vực nội khối ASEAN; (ii) Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững; và (iii) Nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN.

Đặc biệt, với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngay trong tối ngày 07 tháng 3 năm 2020, đoàn Việt Nam đã đưa ra đề xuất: ASEAN cần có hành động chung nhằm duy trì chuỗi cung ứng trong ASEAN, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn cung nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến sức khoẻ con người mà còn nền kinh tế của khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Ngoài việc chuẩn bị cho Hội nghị AEM hẹp 26, phiên họp SEOM trù bị cũng đã rà soát, cập nhật tình hình triển khai, quan điểm của từng nước ASEAN đối với tất cả các nội dung chính kể từ sau phiên họp SEOM lần thứ nhất, được tổ chức vào tháng 01 vừa qua tại Hà Nội. Việc rà soát này nhằm đảm bảo công tác xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được triển khai đúng tiến độ mà các Nhà Lãnh đạo ASEAN đã chỉ đạo và/hoặc các vấn đề khác cần lưu ý, chú trọng để sớm có giải pháp thỏa đáng.

Trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia xây dựng Cộng đồng AEC với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm. Thúc đẩy thực hiện các cam kết thành lập AEC luôn là một trong những ưu tiên cao nhất của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, năm 2020 là năm ta chủ trì hợp tác ASEAN nên đây càng được đặt là ưu tiên lớn thông qua việc ta đề xuất và tăng cường triển khai các nội hàm của AEC.

ASEAN đã và đang là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm qua. Với lợi thế là một khu vực phát triển năng động, gần gũi về địa lý, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và ASEAN đang và sẽ chắc chắn tiếp tục có mức tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Thanh Tùng
Bạn đang đọc bài viết ASEAN cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vì dịch Covid-19 tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Trung - Nhật - Hàn thiết lập cơ chế hợp tác liên ngân hàng với ASEAN
Các ngân hàng phát triển được chính quyền hậu thuẫn của Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận với những thể chế tài chính công và tư tại Đông Nam Á nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng với các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực đang phát triển nhanh này.